Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong công tác thống kê

Nguyễn Long 18/05/2018 01:00

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mục tiêu của Đề án đến năm 2020 xây dựng hệ thống thông tin thống kê quốc gia, từng bước kết nối với hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia trên nền tảng dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dữ liệu các cuộc tổng điều tra thống kê khác và một số cơ sở dữ liệu Bộ, ngành được kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin của Tổng cục Thống kê.

Sử dụng công nghệ thông minh (webform và thiết bị cầm tay) thay thế phiếu điều tra giấy bằng phiếu điều tra điện tử trong các cuộc điều tra thống kê; cụ thể như sau: 80% trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; 75% trong điều tra nông thôn và nông nghiệp giữa kỳ năm 2020; 75% trong điều tra doanh nghiệp và hộ cá thể; 80% trong các cuộc điều tra khác;...

Đến năm 2025, sử dụng 85% phiếu điều tra điện tử trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và sử dụng 90% trong các cuộc điều tra khác; tích hợp hoàn chỉnh dữ liệu hành chính có liên quan trong các ngành, lĩnh vực; chuẩn hóa nhu cầu thông tin và thiết kế biểu mẫu đầu ra nhằm thống nhất thông tin trong hệ thống thông tin hành chính nhà nước với thông tin trong hệ thống thông tin thống kê;...

Đặc biệt trong đề án, nhằm tạo môi trường trao đổi thông tin hai chiều, đề án sẽ sử dụng công nghệ thông minh vào các công đoạn của điều tra doanh nghiệp. Thay thế phiếu điều tra giấy bằng các phiếu điện tử; xây dựng dữ liệu đặc tả, thiết kế phiếu và ứng dụng phần mềm phục vụ thu thập thông tin, xử lý, tổng hợp và phổ biến thông tin doanh nghiệp; xây dựng và tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp vi mô hợp nhất từ kết quả điều tra và các nguồn dữ liệu thuế, hải quan, kho bạc, đăng ký kinh doanh; xây dựng trang thông tin điện tử chuyên đề về Điều tra doanh nghiệp nhằm tạo môi trường trao đổi thông tin hai chiều.

Trong thời gian qua, với định hướng áp dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực đời sống theo xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 bước đầu đã đem lại những thành tựu trước mắt. Theo Báo cáo xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2017 (Global Innovation Index 2017, gọi tắt là GII 2017), Việt Nam được xếp hạng 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 bậc so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay và có thể nói là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Kết quả khảo sát của Ban Tổ chức ICT Summit 2017 đối với 275 cơ quan, đơn vị tham dự cho thấy: 35,2% đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0; 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì; 6,1% chưa tìm hiểu và chưa biết chuẩn bị ra sao.

Những thế mạnh của Việt Nam trong cách  mạng  công nghiệp 4.0: Nguồn nhân lực (77,7%), nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ (70,4%) và hạ tầng CNTT & viễn thông (59,1%).

Ba giải pháp quan trọng: Đào tạo nguồn nhân lực (81.8%), thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn nền kinh tế (70%), thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo (53%).

Những ngành kinh tế Việt Nam có  lợi thế: CNTT (89,9%), du lịch (45,7%), nông nghiệp  (44,9%), tài chính, ngân hàng (47%) và logistic (28,3%).

Nguyễn Long