Hà Nam xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn địa phương
Tỉnh Hà Nam cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu du lịch, nâng cao năng lực lưu trú, phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn địa phương, tăng cường liên kết hợp tác, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút được 2 triệu khách du lịch.
Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam.
Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; rà soát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2018, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo. Tập trung quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quy hoạch và quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh (việc đấu thầu khai thác, hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản), đảm bảo môi trường sinh thái, cảnh quan. Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, giải pháp đột phá khai thác tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đến cuối năm 2019 tỉnh Hà Nam tự cân đối được ngân sách.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững. Đổi mới phương thức thu hút đầu tư, tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phát triển mạnh các khu công nghiệp hiện có, theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục thí điểm tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất nông sản sạch; thúc đẩy phát triển đàn bò sữa, bò thịt, bò sinh sản... gắn với các dự án chế biến nông sản. Đồng thời tiếp tục mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ uy tín, năng lực, phẩm chất, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc; nâng cao chất lượng và trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng sức hấp dẫn đầu tư cho tỉnh Hà Nam, thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn, có sản phẩm giá trị gia tăng cao của khu vực và thế giới tới đầu tư. Tập trung phát triển doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần số doanh nghiệp (so với số hiện nay là 5.150 doanh nghiệp).
Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao; quan tâm công tác đào tạo nghề và chăm lo đời sống cho công nhân, giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc triển khai xây dựng thiết chế công đoàn cho công nhân, người lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp; ưu tiên quy hoạch quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi, thực hiện nhiều giải pháp huy động nguồn vốn xã hội hóa để thu hút đầu tư phát triển nhà ở, hạ tầng phúc lợi công cộng cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng yêu cầu không phát triển thêm dự án xi măng tại Hà Nam
00:19, 25/05/2018
8X Hà Nam lập nghiệp thành công với bánh đa nem xuất khẩu
06:13, 21/05/2018
Huyện Duy Tiên (hà Nam): Từng bước hiện đại hóa nền hành chính địa phương
14:52, 23/02/2018
Masan Nutri-Science khởi công Dự án Tổ hợp Chế biến Thịt tại Hà Nam
11:06, 05/02/2018
Không phát triển thêm các nhà máy xi-măng
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Tỉnh triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khói bụi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, cụm công nghiệp, khu dân cư; thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường. Không phát triển thêm các nhà máy xi-măng trên địa bàn tỉnh. Bảo vệ nguồn nước sông Nhuệ - sông Đáy. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường an toàn để doanh nghiệp và người dân đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Về giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020”.
Về tiến độ thi công cơ sở II của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam, Bộ Y tế thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4317/VPCP-KGVX ngày 10/5/2018, trong đó cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc để chậm tiến độ dự án, yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo đưa các dự án này vào sử dụng trước tháng 7 năm 2019.