Chính phủ đặc biệt coi trọng sửa đổi bất cập trong pháp luật hiện hành

Lam Song 24/08/2018 19:51

Đó là nội dung tại Nghị quyết 109/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2018.

Chính phủ khẳng định xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, Chính phủ đặc biệt coi trọng việc rà soát, sửa đổi các bất cập, vướng mắc tại các quy định pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm 2018 và các năm tiếp theo.

Đó là nội dung tại Nghị quyết 109/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2018.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy định cho vay bằng ngoại tệ: Cần tạo sự ổn định của văn bản pháp luật

    06:13, 27/12/2017

  • Dự thảo Nghị định về hoạt động thương mại biên giới chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác

    06:20, 24/11/2017

  • Ngành hải quan “mắc” vì... văn bản pháp luật

    00:00, 10/07/2014

  • Thông tư hướng dẫn về thuế trái luật ban hành văn bản pháp luật?

    09:52, 24/01/2017

  • Doanh nghiệp đánh giá về văn bản pháp luật: 70% đề cử cho... quy định tồi

    10:56, 20/02/2016

  • Cẩm nang văn bản pháp luật dành cho doanh nghiệp - phiên bản 3.0

    17:51, 15/02/2017

Đảm bảo tính đồng bộ của Luật Đầu tư công

Về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung Luật này phải bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, hiệu quả dự án đầu tư công, gắn kế hoạch đầu tư công trong tổng thể cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn nợ công và tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách.

Mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật phải giải quyết được căn bản những vướng mắc, bất cập của Luật Đầu tư công hiện hành; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các dự án đầu tư công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; phân cấp mạnh về thẩm quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm đối với vi phạm pháp luật đầu tư công; bảo đảm tính đồng bộ của Luật này trong hệ thống pháp luật.

Cụ thể về phạm vi áp dụng Luật, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện theo hướng bổ sung quy định áp dụng pháp luật về thẩm quyền quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công thực hiện ở nước ngoài để có cơ sở pháp lý thực hiện và giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện; bổ sung quy định rõ phạm vi áp dụng pháp luật đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Về phân loại dự án, cần phải quy định rõ hơn phân loại dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng; xác định tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia trên cơ sở phân tích kỹ, bổ sung đánh giá tác động cụ thể về đề nghị nâng tiêu chí vốn dự án quan trọng quốc gia lên 35.000 tỷ đồng trên cơ sở tỷ lệ % GDP; rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chí, thẩm quyền đối với dự án nhóm A, B, C phù hợp với tiêu chí dự án quan trọng quốc gia...

Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Chính phủ yêu cầu chỉ sửa đổi những nội dung của các luật liên quan đến quy hoạch, bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch năm 2017; sửa đổi tên các quy hoạch để bảo đảm thống nhất với các danh mục quy hoạch quy định trong Luật Quy hoạch; thống nhất về nội dung quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện quy hoạch; đồng thời nghiên cứu, thay thế bằng các biện pháp, công cụ quản lý nhà nước cần thiết, phù hợp, đặc biệt là công tác thông tin, dự báo; bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý nhà nước của các ngành, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc lập các quy hoạch khu chức năng cần bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, mỗi khu chức năng chỉ có một quy hoạch chung; quy hoạch các khu chức năng đặc thù thì áp dụng pháp luật chuyên ngành, còn các khu chức năng khác liên quan nhiều đến hoạt động xây dựng thì áp dụng pháp luật xây dựng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành, bảo đảm nguyên tắc tích hợp đầy đủ, thống nhất các nội dung chuyên ngành (các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải và các lĩnh vực khác) trong nội dung quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia, phù hợp với hệ thống quy hoạch quy định trong Luật Quy hoạch. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trong việc chủ trì, phối hợp tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện các loại quy hoạch.

Hỗ trợ các hộ dân bị thiên tai

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương để hỗ trợ các hộ dân bị mất nhà ở và phải di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, chính xác; trước hết, tập trung hỗ trợ các hộ bị mất nhà cửa hiện đang phải ở tạm trong lều bạt hoặc đang đi ở nhờ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018; địa điểm để xây dựng nhà mới cần được xác định phù hợp, theo quy hoạch để bảo đảm an toàn nhà ở lâu dài, ổn định; đề xuất mức hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Lam Song