Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế hiệu lực và hiệu quả hơn

Lam Song 04/09/2018 19:31

Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát huy vai trò “Chính phủ kiến tạo phát triển”, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Đây là định hướng đặt ra tại Chỉ thị số 26/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.

Chỉ thị nêu rõ, những năm tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc phát triển đất nước. Quá trình toàn cầu hóa và những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới. Xu hướng liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng đa tầng nấc gia tăng; xuất hiện các hình thức liên kết mới, các định chế tài chính – tiền tệ, các hiệp định thương mại song phương và đa phương thế hệ mới; tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, để hội nhập quốc tế đóng góp thiết thực, hiệu quả thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển đất nước bền vững và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội “rộng cửa” hội nhập

    13:31, 02/06/2018

  • Phát triển bền vững "giấy thông hành" giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế

    10:22, 08/05/2018

  • "Thước đo" chất lượng doanh nghiệp thời kỳ hội nhập

    14:57, 17/04/2018

  • Việt Nam: Hội nhập, kiến tạo và phát triển bền vững

    22:49, 06/04/2018

  • Chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập

    12:42, 06/04/2018

Để thực hiện chủ trương chủ động và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, giai đoạn từ nay tới năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Về định hướng chung, tập trung cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng việc nâng cao toàn diện năng lực thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế và trong quá trình đàm phán, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA); chủ động đề xuất các định hướng, biện pháp cụ thể để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tận dụng các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại một cách hiệu quả, phù hợp với các quy định, luật lệ, chuẩn mực quốc tế và các thể chế đa phương để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Tập trung nghiên cứu các vấn đề mới về hội nhập kinh tế quốc tế

Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế. Trước mắt tập trung nghiên cứu các vấn đề mới về hội nhập kinh tế quốc tế như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời tăng cường hơn nữa việc kết nối, điều phối, đôn đốc và giám sát các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực thi hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; gắn việc điều hành tập trung, thống nhất giữa hoạch định chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế với triển khai đàm phán và thực thi các cam kết; phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực. Theo đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế điều phối thực thi cam kết FTA đối với các lĩnh vực cụ thể theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn; bảo đảm lợi ích quốc gia và việc thực thi nghiêm túc các FTA; đánh giá kịp thời các vấn đề phát sinh và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.

Tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng phương án hợp lý để hoàn thiện việc đàm phán và ký kết các FTA còn lại, xử lý những vấn đề còn tồn tại để sớm tiến tới ký và phê chuẩn FTA Việt Nam – EU; phối hợp, thúc đẩy việc hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định đã ký kết khác nhằm sớm đưa các hiệp định đi vào thực thi mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân; chủ động nghiên cứu, đánh giá khả năng tham gia các FTA với các đối tác mới nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tác động của việc xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cam kết trong ASEAN đối với các mặt hàng nhạy cảm như ô tô, đường, xăng dầu…, dự báo tác động của việc thực thi cam kết trong Hiệp định CPTPP, FTA Việt Nam – EU; chuẩn bị tốt cho quá trình rà soát chính sách thương mại của Việt Nam tại WTO, trước mắt là Phiên rà soát lần thứ 2 vào năm 2019.

Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và tham mưu chính sách về hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có tác động đến Việt Nam, các xu thế phát triển, các sáng kiến mới, chính sách và kinh nghiệm của các nước thực thi hiệu quả cam kết hội nhập.

Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương trong lĩnh vực kinh tế - phát triển, trong đó chú trọng thúc đẩy xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, các cam kết trong WTO và các FTA thế hệ mới. Chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng và định hình các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa phương, nâng cao vị thế và bảo vệ lợi ích của đất nước.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan

Chỉ thị nêu rõ, Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng và thực thi nghiêm túc các cam kết trong hội nhập tài chính về thuế, hải quan, dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán, kế toán – kiểm toán và các dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của WTO, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường hoạt động cảnh báo, phổ biến về các biện pháp kỹ thuật của các nước cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có liên quan để chủ động đối phó với các rào cản kỹ thuật; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét xây dựng các biện pháp kỹ thuật của Việt Nam phù hợp với các cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới.

Xây dựng và triển khai cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo để hỗ trợ cho quá trình đổi mới công nghệ quốc gia.

Lam Song