Dẹp bỏ những lễ kỷ niệm xa hoa, lãng phí
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 111/2018/NÐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 31/8 vừa qua.
Nghị định đã đưa ra những quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương; quy định chi tiết về quy mô, nghi thức, quy trình, thành phần, số lượng khách mời, trang phục người tham dự...
Nội dung đáng chú ý nhất của Nghị định là các quy định rõ ràng, "điều cấm" liên quan đến những lễ kỷ niệm xa hoa, lãng phí - vấn đề từng làm "nóng" dư luận thời gian qua. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên khi tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống là không xa hoa, phô trương, lãng phí.
Cụ thể, các nguyên tắc tổ chức lễ kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống bao gồm: Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; Chỉ tổ chức lễ kỷ niệm, ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền; Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn, trường hợp Bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức lễ kỷ niệm; Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.
Theo các nhà quản lý và văn hóa, việc ban hành nghị định về vấn đề này là rất cần thiết; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện một cách thống nhất; đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; đồng thời khắc phục những hạn chế, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho thấy, trên cả nước hiện có khoảng 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên trong thời gian qua vẫn chưa có văn bản có tính chất pháp lý quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, quy trình, nghi thức, quy mô để tổ chức. Điều này đã gây nên nhiều lễ kỷ niệm được tổ chức với quy mô lớn, rườm rà về nghi thức nhưng thiếu sự trang trọng, số lượng khách mời quá đông gây lãng phí.
Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật chưa có quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận; quy mô, nghi thức, thành phần, số lượng khách mời của lễ kỷ niệm. Nội dung trên mới chỉ được quy định mang tính nguyên tắc tại Ðiều 17, chương IV Nghị định 145/2013/NÐ-CP.
Vì vậy đã xảy ra tình trạng nhiều nơi tổ chức kỷ niệm với quy mô lớn, nghi thức rườm rà, đầu tư chương trình nghệ thuật chào mừng hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, hàng nghìn khách mời, tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình… Mặt khác, việc chiêu đãi, tặng quà trong các lễ kỷ niệm gây nên sự tốn kém, lãng phí.
Gây “sửng sốt” dư luận thời gian qua không thể không nhắc đến sự “chơi sang” của một tỉnh khi đề nghị chi hơn 100 tỷ đồng cho các hoạt động kỷ niệm trong khi vẫn đang là một trong những tỉnh có nhiều huyện nghèo nhất nước.
Thiết nghĩ, để một nghị định mới ban hành đi vào thực tế, cần sớm triển khai các hoạt động tiếp theo.
Do đối tượng áp dụng của Nghị định là các cơ quan nhà nước, cho nên cần chú trọng kiểm tra, đôn đốc để việc tổ chức kỷ niệm trong thời gian tới thực hiện đúng quy định; xử lý nghiêm các cơ quan, cá nhân vi phạm, giúp việc công nhận và tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng đi vào nền nếp; bảo đảm giữ gìn và phát huy được ý nghĩa, giá trị tích cực của những ngày này trong cuộc sống hôm nay.