Ninh Thuận cần trở thành tỉnh chủ lực về năng lượng tái tạo

Lam Song 05/10/2018 23:20

 Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận về tình hình kinh tế-xã hội địa phương, chiều 5/10.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận.

Có thể bạn quan tâm

  • Theo chân các nhà đầu tư tiên phong vào vùng đất “nắng gió” Ninh Thuận

    06:00, 05/09/2018

  • Ninh Thuận: Tiềm năng du lịch, dịch vụ cần được đánh thức

    02:56, 05/09/2018

  • Khởi công dự án Điện mặt trời BIM 1 tại Ninh Thuận

    10:59, 24/01/2018

  • Đã tìm được nhà cung cấp thiết bị trụ pin điện gió Ninh Thuận

    07:55, 12/06/2017

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 10,2%. Các nhóm ngành đột phá về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch được tập trung chỉ đạo phá triển mạnh. Dự kiến đến cuối năm 2018, tỉnh sẽ hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cho rằng hiện Ninh Thuận còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư mất cân đối lớn, kết cấu hạ tầng một số nơi còn yếu kém, chưa đồng bộ. Đời sống một bộ phận người dân vùng miền núi, vùng bị hạn hán còn nhiều khó khăn nên cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhiều hơn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.

Lãnh đạo tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai các công việc liên quan phương án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư phù hợp với vị trí trước đây quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế. Tuy vậy, theo Thủ tướng, tỉnh có phát triển được hay không thì “cái chính là vẫn là sự năng động, quyết liệt, bám sát công việc của đội ngũ cán bộ”. Các cấp, các ngành trong tỉnh cần chống sự trì trệ trong tổ chức thực hiện.

Về tình hình 9 tháng qua, đánh giá cao một số kết quả mà Ninh Thuận đạt được như tăng trưởng GDRP, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài..., Thủ tướng cho rằng tỉnh còn nhiều mặt khó khăn, tồn tại cần khắc phục.

Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ. Thu nhập bình quân đầu người thấp. Một trong những lợi thế của địa phương là năng lượng tái tạo mới được khai thác bước đầu. Thiên tai, hạn hán cục bộ ảnh hưởng đến đời sống người dân. Số lượng doanh nghiệp còn thấp (200 người dân mới có 1 doanh nghiệp). Chỉ số PAPI có cải thiện về điểm số nhưng thứ hạng lại giảm.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Ninh Thuận cần phấn đấu trở thành tỉnh chủ lực về sản xuất năng lượng tái tạo, phát triển khá về kinh tế biển, phát huy lợi thế về các di sản lịch sử, văn hóa, tâm linh, những đặc sản riêng, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch bền vững. 

Thủ tướng lưu ý Ninh Thuân triển khai cụ thể hiệu quả Nghị quyết 115 của Chính phủ. Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu. Giảm hơn nữa tỉ lệ hộ nghèo. Tăng cường quản lý đất rừng, đất công, phát triển mạnh thủy lợi.

Ninh Thuận cũng cần chú ý phát triển nguồn nhân lực, quan tâm an sinh xã hội, không để người dân nào thiếu đói, đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phát huy tinh thần đổi mới, nêu gương.

Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng cơ bản nhất trí và nhấn mạnh tinh thần là phải làm nhanh, làm liên tục nhưng phải chắc chắn; dám nghĩ, dám làm nhưng phải làm đúng nguyên tắc, không làm ẩu, không để xảy ra sai phạm.

Lam Song