Chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019

B.T 06/01/2019 00:00

Chính phủ sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019.

Để tổ chức thành công Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan triển khai triển khai các công việc và gửi nội dung chuẩn bị về cơ quan thường trực tổ chức - Ban Kinh tế Trung ương trước ngày 10/1/2019.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ trong thường trực công tác sự kiện; chuẩn bị và trình bày báo cáo chính tại "Phiên toàn thể và Đối thoại chính sách cấp cao"; đồng chủ trì và có báo cáo chính tại Hội thảo chuyên đề 1 (Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam).

Bộ Công Thương chuẩn bị và trình bày báo cáo chính tại "Phiên toàn thể và Đối thoại chính sách cấp cao"; trình bày báo cáo chính và tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo chuyên đề 2 (Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững).

Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị và trình bày báo cáo chính tại "Phiên toàn thể và Đối thoại chính sách cấp cao"; tham gia phần thảo luận tại "Phiên toàn thể và Đối thoại chính sách cấp cao"; đồng chủ trì và có báo cáo chính tại Hội thảo chuyên đề 3 (Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam).

Diễn đàn “Nhận diện kinh tế Việt Nam 2019 và khả năng thích ứng của doanh nghiệp” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23/11/2018.

Trước đó, tại Diễn đàn “Nhận diện kinh tế Việt Nam 2019 và khả năng thích ứng của doanh nghiệp” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23/11/2018 vừa qua, các chuyên gia cho rằng: Năm 2019, xu hướng hội nhập vẫn là xu hướng chủ đạo.

Điều tích cực là chính sách tiền tệ có thể được chia lửa một phần nhờ những cải thiện gần đây về phía tài khóa. Tỷ lệ bội chi ngân sách đã giảm đáng kể trong 3 năm qua, từ mức 5-6% GDP xuống còn khoảng 3,5%-3,7% GDP. Năm 2018 dự kiến bội chi khoảng 3,67% so với mục tiêu 3,7% và năm 2019 tiếp tục giảm bội chi mục tiêu xuống còn 3,6% GDP. Tỷ lệ nợ công cũng đã giảm từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 61,4% GDP trong năm nay và dự báo tiếp tục giảm dưới 61% GDP trong năm 2019. Giảm bội chi và nợ công sẽ góp phần giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất của nền kinh tế, chia tải một phần sức ép lên chính sách tiền tệ.

Nếu nhìn ở góc độ ổn định vĩ mô, có thể nói rằng Việt Nam đã duy trì ổn định khá tốt, nền kinh tế đã hấp thụ các xung lực bên ngoài mà không gây ra các biến động đáng kể lên thị trường ngoại tệ trong nước, dù sức ép có những thời điểm được đẩy lên cao. Tuy nhiên, trong điều kiện dòng vốn quốc tế ngày càng lưu động, yêu cầu cần có một chính sách tiền tệ độc lập để theo đuổi mục tiêu lạm phát và tăng trưởng càng lớn thì việc linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá sẽ giúp tránh được tâm lý kỳ vọng phá giá của thị trường, giảm xung đột trong các mục tiêu chính sách.

Năm 2018 đã khép lại và một kế hoạch cho năm 2019 đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ 6,6-6,8%.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục duy trì trong khoảng từ 33-34% GDP, kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Chính phủ có thể có cơ sở để lạc quan với mục tiêu này, tuy nhiên với dự báo kinh tế thế giới 2019 như đã phân tích ở trên cộng với nhiều trục trặc về mặt cơ cấu vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là các thách thức từ phía thị trường tiền tệ và ngoại hối, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng trong việc xác định mục tiêu tăng trưởng của mình trong năm 2019.

Để đạt được kế hoạch năm 2019, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình phù hợp với các kịch bản kinh tế trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với sức ép lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong năm 2019 là không nhỏ, do vậy cần chú ý quản lý đòn bẩy tài chính, đặc biệt là các khoản vay dài hạn có lãi suất thả nổi, hạn chế vay ngắn hạn đầu tư dài hạn; đồng thời cũng chú ý các khoản vay nợ bằng ngoại tệ (trái phiếu quốc tế...), đặc biệt đối với doanh nghiệp không có nguồn thu bằng ngoại tệ trực tiếp; tăng cường năng lực quản trị tài chính, sử dụng công cụ bảo hiểm rủi ro ví dụ các công cụ phái sinh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, song cũng cần cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại, vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Về dài hạn, cần tăng cường đầu tư R&D, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện năng lực cạnh tranh.

B.T