4 vấn đề lớn tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019

BBT 11/06/2019 19:09

Chính phủ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi tất cả các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2019.

Nội dung trên được nêu tại Nghị quyết số 39/NQ-CP của Chính phủ.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt ứng phó kịp thời trước diễn biến tình hình quốc tế và trong nước; có kế hoạch cụ thể triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh

Cụ thể, các bộ, cơ quan, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực quản lý; triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế, chính sách; tiếp tục quyết liệt cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, bảo đảm tiến độ đã đề ra, không để lợi ích nhóm chi phối; tăng cường phối hợp, không để xảy ra tình trạng chồng lấn, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, điều tra; cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, tìm động lực tăng trưởng mới của ngành, lĩnh vực, địa phương mình; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, công trình thuộc phạm vi quản lý; chú trọng thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân; thí điểm tổ chức các mô hình mới, nhân rộng các mô hình đã được thực tiễn kiểm chứng hiệu quả.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ tạo nền tảng vững chắc chống chọi với cú sốc từ bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2017; thực hiện tốt chức năng thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền của Việt Nam và cơ quan đầu mối phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trong việc đánh giá đa phương của APG đối với Việt Nam.

Khẩn trương trình kế hoạch cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2019-2020

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, trong đó lưu ý giải pháp gia tăng sự kết nối, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tiếp tục thu hút FDI công nghệ cao; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2019-2020 của cả nước, trong đó có kế hoạch cổ phần hóa của Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 15 tháng 6 năm 2019.

Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động từ bên ngoài, đặc biệt là tác động của xung đột thương mại và xu hướng bảo hộ mậu dịch, có giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tập trung phát triển thị trường trong nước, tổ chức tốt đầu mối bán buôn, bán lẻ, nguồn hàng; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định CPTPP; thúc đẩy quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); đánh giá tác động đa chiều của phương án tăng giá điện, giá xăng dầu theo yêu cầu của Quốc hội.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành tập trung thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định; nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương.

Quyết liệt chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi

Bộ Tài chính đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước; dành một phần nguồn vượt thu ngân sách cho công tác chuẩn bị đầu tư; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đề xuất phương án hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch bệnh tả lợn Châu Phi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, huy động các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tham gia thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi; đồng thời chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm thay thế, có phương án tái đàn lợn khi có đủ điều kiện để bảo đảm nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân và xuất khẩu trong thời gian tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc giảm thiểu, tiến tới loại bỏ rác thải nhựa; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, kinh doanh, buôn bán, nuôi tôm hùm đất.

Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bảo đảm chặt chẽ

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh khai thác hiệu quả những cơ hội, thuận lợi từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chuyển đổi mô hình kinh tế số; quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ, trước hết là hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi kinh tế số, phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh mới, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, thanh toán điện tử...

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 bảo đảm chi tiết, chặt chẽ, không để phát sinh tiêu cực, gian lận thi cử; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở địa phương, cơ sở. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động có các giải pháp tổ chức kỳ thi an toàn tuyệt đối, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về tính nghiêm túc, trung thực, công bằng của kỳ thi.

BBT