Gian lận xuất xứ hàng hoá: Thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập

Diễm Ngọc 11/07/2019 00:00

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa có nguy cơ tăng cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA).

Vấn đề ngăn chặn lẩn tránh thương mại và gian lận xuất xứ đang trở thành vấn đề cấp thiết

Ngăn chặn lẩn tránh thương mại và gian lận xuất xứ đang trở thành vấn đề cấp thiết

Hiểu đúng về xuất xứ hàng hoá

Ở các nước đang phát triển, dán nhãn "Made in..." là để hưởng ưu đãi thuế quan, ưu đãi hạn ngạch với sản phẩm xuất khẩu, hay làm tăng hoặc giảm giá trị hàng hóa nhờ ảnh hưởng của nhãn xuất xứ đối với hàng nhập khẩu.

Mục đích giúp doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế, nên nước xuất xứ thường cố gắng tận dụng quy định để doanh nghiệp mình có lợi thế, nước nhập khẩu thì siết kỹ việc kiểm tra để khỏi thất thu thuế.

Tuy nhiên, xuất xứ hàng hoá được hiểu thế nào cho đúng, theo Luật Sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty SB Law, Made in Vietnam, Made in China hay Made in Korea đều là các chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, và đều được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Đối với một sản phẩm có xuất xứ thuần túy thì việc xác định chỉ dẫn về xuất xứ rất đơn giản. Ví dụ, nếu như sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, vải Thanh Hà được xuất khẩu ra nước ngoài thì có thể tự hào khẳng định luôn là "Made in Vietnam".

Tất nhiên, để có thể khẳng định điều này một cách hợp pháp thì phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Đối với sản phẩm có xuất xứ không thuần túy, theo quy định của pháp luật Việt Nam là sản phẩm có tỉ lệ phần trăm giá trị nguyên liệu không có xuất xứ từ Việt Nam ≥ 30% tổng giá trị của hàng hóa được sản xuất ra.

Như vậy, nếu hiểu đúng thì một hàng hóa được gắn dòng chữ "made in Vietnam" thì chưa chắc nguyên liệu làm nên hàng hóa đó đã có xuất xứ 100% từ Việt Nam.

Thực tế, các doanh nghiệp ví dụ như may mặc chẳng hạn, mặc dù hiện nay có khoảng 50% nguyên liệu vải sợi được nhập từ Trung Quốc nhưng sản phẩm được hoàn thiện tại Việt Nam nên hoàn toàn vẫn đáp ứng tiêu chí "Made in Vietnam". Đối với mặt hàng công nghệ như điện thoại smartphone, việc xác định xuất xứ cũng tương tự như đối với mặt hàng may mặc. Đây là sản phẩm được xác định theo xuất xứ không thuần túy, ông Hà nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Từ câu chuyện Asanzo bàn về xuất xứ hàng hóa

    16:10, 25/06/2019

  • Dự thảo thông tư xác định xuất xứ hàng hóa… khó thực thi

    01:45, 12/05/2019

  • Quy tắc xuất xứ hàng hóa: Chìa khóa để doanh nghiệp hưởng lợi trong CPTPP

    06:36, 08/03/2019

  • “Mượn” xuất xứ hàng hóa: Hình ảnh hàng hóa Việt Nam có khả năng bị ảnh hưởng xấu

    05:00, 02/03/2019

  • “Mượn” xuất xứ hàng hóa: Hình ảnh hàng hóa Việt Nam có khả năng bị ảnh hưởng xấu

    23:06, 01/03/2019

  • Doanh nghiệp xuất khẩu sang CPTPP cần lưu ý tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa từ 8/3/2019

    00:15, 01/03/2019

  • CPTPP và quy tắc xuất xứ hàng hóa

    06:30, 21/01/2019

  • Quy định mới về chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP tác động thế nào tới doanh nghiệp

    06:30, 10/12/2018

Kiểm soát còn khó khăn

Theo chia sẻ của ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, mặc dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực trong hoạt động cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát và thẩm tra, song nguy cơ lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ có xu hướng gia tăng.

Trong khi đó, việc thẩm tra, xác minh hành vi gian lận lại rất phức tạp, chỉ riêng việc kiểm tra hồ sơ cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) nếu không đi thẩm tra chi phí chi tiết thì rất khó phát hiện các hành vi vi phạm. “Nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ngắn hoặc vài giao dịch rồi giải thế công ty, thậm chí làm giả C/O, sử dụng C/O giả. Hiện các quy định và chế tài xử phạt còn nhẹ, đơn cử việc làm giả C/O chỉ bị phạt tối đa 40 triệu đồng, sử dụng C/O giả bị phạt tối đa 50 triệu đồng” ông Dũng nói.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, thời gian qua lực lượng này đã phát hiện nhiều hàng lưu thông trên thị trường nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có hàng hoá chứa độc tố vượt cho phép đặc biệt là tình trạng hàng hóa dán nhãn “Made in Vietnam” để trục lợi... Phương thức hiện rất tinh vi, đặt hàng từ Trung Quốc sản xuất hoặc nhập linh kiện về lắp ráp và dán nhãn để làm ăn gian dối.

Chính vì vậy, trong bối cảnh bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp, vấn đề ngăn chặn lẩn tránh thương mại và gian lận xuất xứ đang trở thành vấn đề cấp thiết.

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh,... các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời cho doanh nghiệp.

Giải quyết thế nào?

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Theo đó, giải pháp chủ yếu của Đề án là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Đồng thời, rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, Đề án sẽ đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Bên cạnh đó, đề án còn thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời.

Đề án cũng nhằm tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...

Diễm Ngọc