Ngành dệt may trước thách thức xuất xứ
Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ là do ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã cho biết như vậy trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về 2 vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và công nghiệp phụ trợ tại kỳ họp thứ 7.
Theo Phó Thủ tướng, điển hình như ngành dệt may, quy định xuất xứ từ sợi trong CPTPP được xem là một thách thức lớn khi có tới 80% nguyên phụ liệu dệt may nước ta chủ yếu đang được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, nguyên nhân khiến ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam khó phát triển là do thiếu nguồn tài chính và công nghệ tiên tiến...
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng!
11:30, 06/06/2019
Dệt may và chuyện an sinh
07:15, 15/09/2019
Ngành dệt may Việt đứng trước yêu cầu chuyển đổi số
00:00, 11/09/2019
Doanh nghiệp dệt may đã sẵn sàng trước cuộc chuyển đổi số?
20:32, 09/09/2019
Thực tế, ngành dệt may Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng bắt đầu lộ diện nhiều điểm yếu khi tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA. Hai hiệp định này đặt ra yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, trong đó CPTPP quy định xuất xứ từ sợi và EVFTA quy định xuất xứ từ vải phải nhập từ các quốc gia thuộc CPTPP mới được hưởng ưu đãi thuế quan.
“Đây chính là điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì doanh nghiệp cũng không thể tận dụng được tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do”, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thừa nhận.
Đồng quan điểm, ông Vương Đức Anh, trợ lý Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Việt Nam xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỷ USD nhưng vẫn phải nhập khẩu vải 2,7 tỷ USD. Nguồn vải của dệt may phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu từ bên ngoài, phần lớn là từ các nước bên ngoài CPTPP. “Nếu toàn bộ sợi của Việt Nam dùng hết cho ngành vải thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sợi của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu để sản xuất hàng chất lượng cao”, ông Đức Anh cho biết.
Thách thức của dệt may được thể hiện trong phần quy định về quy tắc xuất xứ, CPTTP tách ngành hàng này ra thành một chương riêng đã nói lên điều đó. Thông thường, với các FTA khác chỉ cần các doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm 1 hoặc 2/3 công đoạn sản xuất ra thành phẩm (tạo xơ, xe sợi - dệt và hoàn thiện vải – cắt may), thì hàng hóa đó đã được công nhận có xuất xứ từ Việt Nam, nhưng với CPTTP, các doanh nghiệp Việt Nam phải tự làm hết cả 3 công đoạn, bắt đầu từ sợi.
Ví dụ, với ASEAN – ATIGA, doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần dệt và hoàn thiện vải hoặc cắt may, còn nguồn gốc sợi không quan trọng; với Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), doanh nghiệp chỉ cần làm 2 công đoạn, tính từ vải; nhưng CPTPP đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải tự tạo xơ, xe xợi đến làm ra vải và cuối cùng là cắt may. Như vậy, rõ ràng CPTPP không phải chỉ toàn màu hồng như chúng ta tưởng tượng, để có thể tận dụng lợi ích từ hiệp định này, các doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu nó thật kỹ.
Ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi thừa nhận, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó đáp ứng được điều kiện về xuất xứ hàng hóa. Nguyên nhân bởi điều kiện để được hưởng ưu đãi từ CPTPP là phải đáp ứng yêu cầu từ sợi, trong khi doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu làm gia công, may đơn hàng theo mẫu mã và chất liệu đặt hàng của nước ngoài. Việt Nam mới chỉ có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ một số mặt hàng như quần áo dệt kim, quần âu, sơ mi. Còn với những sản phẩm có giá cao như áo khoác mùa đông, đồ thể thao thì tỷ lệ đạt xuất xứ rất thấp.