Làm gì để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại?
Để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Chính phủ đã đề ra 6 nhiệm vụ chủ yếu cần triển khai.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu phát triển công nghiệp đất nước.
Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, những năm gần đây có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.
Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, một số ngành công nghiệp như: Điện, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo thiết bị năng lượng, dệt may, da giày, xây dựng… đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp;phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; còn quá chú trọng vào lao động giá rẻ, chưa tận dụng tốt được lợi thế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng...
Hiệu quả hoạt động của đa số doanh nghiệp công nghiệp nhà nước thấp, nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn thua lỗ; hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ; việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm; năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỉ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp ở mức thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường từ phát triển công nghiệp ngày càng trầm trọng...
Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về chính sách công nghiệp quốc gia có nơi, có lúc còn chưa đầy đủ, bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, chưa tạo được nhận thức chung và quyết tâm hành động thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của nhiều cấp uỷ còn thụ động, thiếu quyết liệt; tư duy và cách tiếp cận trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia còn bị ảnh hưởng bởi cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp.
Quản lý của Nhà nước đối với một số lĩnh vực công nghiệp còn chồng chéo, có lúc bị buông lỏng, chưa quản lý và giám sát tốt về năng suất, chất lượng và hiệu quả đầu tư trong công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Công nghiệp hóa theo hướng hiện đại
11:11, 30/10/2019
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam
00:00, 14/02/2019
Đừng để “hậu công nghiệp hoá đến sớm”
00:15, 08/03/2018
Động lực thúc đẩy công nghiệp hoá
11:04, 23/09/2016
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình mới: Kỳ 2. Những giải pháp tổng thể
00:00, 27/04/2015
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình mới: Kỳ 1. Đâu là khái niệm chuẩn?
00:00, 24/04/2015
Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đúng tinh thần Thông báo số 53-TB/TW ngày 30/3/2019 của Bộ Chính trị.
Việc triển khai thực hiện Thông báo số 53-TB/TW ngày 30 tháng 3 năm 2019 của Bộ Chính trị phải cụ thể hóa các yêu cầu bằng việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng.
Nhiệm vụ chủ yếu phải khắc phục được những hạn chế, thể hiện rõ vai trò kiến tạo, chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và cơ quan nhà nước các cấp trước Quốc hội và nhân dân.
Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ chủ yếu triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 53-TB/TW gồm:
Thứ nhất, khẩn trương xây dựng và hoàn thành các nhiệm vụ của các ngành và địa phương đã được phân công tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sớm hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo nền tảng tiếp cận, nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thành nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)...; tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai... đảm bảo chất lượng, tiến độ trình Chính phủ, Quốc hội; rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn các Luật liên quan.
Thứ ba, thực hiện các giải pháp quyết liệt, đặc biệt các giải pháp về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực nhằm tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo các mục tiêu Nghị quyết đề ra; phát triển kết cấu hạ tầng gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng; thực hiện giải pháp công khai, minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát để các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là triển khai các biện pháp thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước tập trung đầu tư các công trình, dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc các công trình, dự án không kêu gọi, thu hút được các nhà đầu tư... Đồng thời, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tài sản công (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) tạo vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Thứ tư, các ngành, lĩnh vực và các địa phương tập trung rà soát, xây dựng danh mục các công trình dự án kết cấu hạ tầng để tập trung ưu tiên đầu tư, bao gồm danh mục thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng điểm, cấp bách và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án dở dang.
Thứ năm, nghiên cứu đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021 - 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Thứ sáu, căn cứ Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn được ban hành, tập trung lập quy hoạch các ngành, lĩnh vực kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo cân đối nguồn lực, khả thi và hiệu quả công trình, dự án kết cấu hạ tầng.