Nâng cao quản lý, khai thác các nguồn lực kinh tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị.
Theo đó, các Bộ, ngành có liên quan cần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra, đánh giá đầy đủ, thực chất tiềm năng tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản ẩn sâu... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi với biến đổi khí hậu... Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xây dựng và quyết liệt thực hiện các giải pháp, đặc biệt các giải pháp về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực nhằm tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Chính phủ biểu dương EVN triển khai tốt dịch vụ điện trực tuyến
15:04, 14/03/2020
"Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp miễn giảm thuế, lãi suất vay một cách chọn lọc, không cào bằng"
16:06, 12/03/2020
8 vấn đề lớn tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02
20:00, 10/03/2020
Thủ tướng Chính phủ kiểm tra dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
11:13, 08/03/2020
Chính phủ gỡ vướng cho sân bay Phan Thiết sau 5 năm "giậm chân tại chỗ"
16:00, 27/02/2020
[COVID-19] Thủ tướng Chính phủ: "Chúng ta cần thắng lợi kép"
15:19, 25/02/2020
“Chắt chiu” tài nguyên, khoáng sản
Về tiềm năng tài nguyên khoáng sản, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về khoáng sản, thời gian qua, các ngành công nghiệp khai thác đã phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.
Thứ nhất, khai thác khoáng sản thô dẫn tới tổn thất, lãng phí lớn. Mặc dù Luật Khoáng sản quy định hạn chế khai thác xuất khẩu khoáng sản thô, song hầu hết các doanh nghiệp khai thác của Việt Nam hiện nay muốn thu lợi nhuận nhanh, nên chỉ chú trọng khai thác xuất khẩu ở mức quặng và tinh quặng.
Thứ hai, quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản còn hạn chế. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng quản lý khai thác khoáng sản thiếu chặt chẽ, nhất là việc chấp hành chính sách, pháp luật về hoạt động khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, quản lý tài chính thiếu chặt chẽ, có nhiều dự án đầu tư về khoáng sản không hiệu quả, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc quản lý và khai thác khoáng sản, gây lãng phí tài nguyên và khoáng sản của Nhà nước.
Thứ ba, nhiều địa phương quá chú trọng vào việc phát triển kinh tế, nên tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái, nhất là các hoạt động của các mỏ khai thác than, quặng kim loại và vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân.
Để giảm bớt những bất cập trong khai thác khoáng sản, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần bàn thảo để thống nhất và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Nông nghiệp hướng đến công nghệ cao
Đối với ngành nông nghiệp, theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta phải tái cơ cấu theo yêu cầu thời đại. Việt Nam đang chuyển sang thời đại khác với công nghệ rất cao. Nhiệm vụ đặt ra thời gian tới là tái cơ cấu phải theo yêu cầu thời đại, thị trường, chứ không chỉ là giải quyết những vướng mắc trong 10 năm qua.
Theo đó, yêu cầu của thời đại là công nghệ, thị trường thế giới. Nếu chúng ta không làm được, việc xây dựng nông thôn mới sẽ rất phiến diện và sẽ không thành công. Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn cần nguồn lực riêng. Để tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp cần phân tích đúng nguồn lực.
Nguồn lực thay đổi qua các giai đoạn và các điều kiện bảo đảm vận hành. Phân bổ nguồn lực “đúng người, đúng việc” sẽ phát huy hiệu quả cao nhất. Nếu chúng ta không nhận dạng được các nguồn lực cụ thể và cần cơ chế gì thì khó có thể làm được. Bởi khi đưa công nghệ vào, vai trò của đất đai, lao động sẽ thay đổi.
Về chủ thể, bây giờ thêm một yếu tố là doanh nghiệp. Cần nhận diện đúng vai trò của doanh nghiệp trong cấu trúc phát triển nông nghiệp. Doanh nghiệp ngày nay là doanh nghiệp trong thời đại hội nhập, nếu không có hỗ trợ tốt thì doanh nghiệp “chưa đứng dậy đã chết”. Do đó, cần nhận dạng đúng vai trò của nông dân, doanh nghiệp, nhà nước trong thời đại mới.
Hạn chế “chảy ngược” chính sách
Đối với nguồn lực cơ sở vật chất, TS Bùi Trinh cho rằng, muốn sử dụng hiệu quả các nguồn lực thì trước hết phải xác định rõ đó là những nguồn lực gì? và thực trạng của các nguồn lực chúng ta đang có hiện như thế nào?. Nguồn lực của Việt Nam hiện rất khan hiếm nhưng lại chưa được chắt chiu, sử dụng chưa hiểu quả. Cụ thể với nguồn lực chính sách, được xem là nguồn lực quan trọng nhất thì hiện đang chảy ngược (chảy không đúng chỗ).
Chính sách xuất nhập khẩu nói là hỗ trợ sản xuất trong nước, nhưng thực tế lại đang hỗ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài vì nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là nền kinh tế gia công. Trong 10 năm qua, xuất khẩu tuy làm tăng sản xuất khoảng 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng vào GDP lại giảm (âm 13,3%) và lo ngại hơn nó là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (52%). Điều này khẳng định nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao.
Về chính sách thu hút FDI cũng được cho là không phù hợp. Khu vực FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn các thành phần doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước khó lại chồng thêm khó bởi những quy định được cho là kìm hãm sự phát triển. Ví dụ, quy định khống chế trần chi phí lãi vay tại Nghị định 20, có tính bất hợp lý và làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp nội. Trong khi, doanh nghiệp FDI sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do họ không phải đi vay.
Ông Bùi Trinh dẫn chứng từ kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%. Đến năm 2017, theo sách trắng của thống kê, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đã lên tới 4,2/1.
Như vậy có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.
Tạo đột phá cho khu vực tư nhân
Đánh giá về chính sách tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, GS.TS. Ngô Thắng Lợi (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam, như hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ và chính sách đầu tư tạo công nghệ cao còn nhiều bất cập, sự yếu kém và những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân.
“Cần xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là một động lực quan trọng mà cần khẳng định là động lực cơ bản, là trụ cột chính nhằm tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế, phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện tại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Lợi cho biết.
Ngoài ra, phải có các chính sách đột phá cụ thể cho khu vực tư nhân như tạo môi trường cũng như cơ hội tiếp cận bình đẳng tới các nguồn lực phát triển giữa các loại hình doanh nghiệp khác nhau, cũng như thực hiện giảm nhanh các chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy thị trường vốn, lao động, đất đai…