Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản
Thời gian tới cần phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản như: thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân.
Đây là những nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Sau gần 8 năm thực hiện Nghị quyết 15 đã đạt được thành tích với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công và an sinh xã hội: có 24/26 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó 8 chỉ tiêu về đích trước 2 năm, 16 chỉ tiêu đạt vào năm 2020. Thể hiện rõ nhất là đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Chính sách người có công được quan tâm đặc biệt, đối tượng được mở rộng, chế độ trợ cấp, ưu đãi được bảo đảm; chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được bổ sung, sửa đổi và trở thành trụ cột quan trọng của an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và quốc tế đánh giá cao; các chính sách xã hội được thực hiện toàn diện từ Trung ương đến địa phương.
Bối cảnh mới hiện nay ở nước ta với những thách thức của già hoá dân số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, nhất là phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi-rút corona chủng mới gây ra, cần tiếp tục kế thừa quan điểm của Nghị quyết 15, xác định chính sách xã hội rất quan trọng trong phát triển bền vững đất nước.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai Nghị quyết 15; đồng thời nghiên cứu xây dựng Đề án về chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 15. Trong đó lưu ý các nội dung sau:
Cố gắng tối đa với tinh thần: các chỉ tiêu đã vượt, đã đạt thì vượt hơn nữa, hai chỉ tiêu chưa đạt thì phấn đấu đạt. Ngay lúc này phát huy mọi nguồn lực để phòng, chống dịch hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa), hỗ trợ người lao động, chống thất nghiệp. Nghiên cứu gói cứu trợ quốc gia về vấn đề xã hội theo hướng thiết thực hơn nữa.
Đồng thời nâng cao, mở rộng và thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi người có công; giải quyết tốt các tồn đọng; nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục vai trò, truyền thống đền ơn đáp nghĩa. Đến hết năm 2020 phải bảo đảm không còn hộ nghèo có thành viên là người có công. Chú trọng đào tạo và sử dụng hiệu quả nhân lực có kĩ năng, chất lượng cao; phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với khu vực nông nghiệp, lao động phi chính thức; thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện với các mức đóng hưởng phù hợp cho tất cả các nhóm thu nhập, đồng thời thay đổi nhận thức và thói quen của người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thương mại hoạt động tại Việt Nam để phục vụ tốt hơn nữa an ninh xã hội.
Về tài chính đối với các chính sách xã hội: cần cải cách mạnh mẽ trên cơ sở quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả sử dụng khoa học công nghệ, thanh toán điện tử thông qua hệ thống hóa, tích hợp chính sách hỗ trợ, giao đầu mối thống nhất triển khai trên nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc một số vấn đề về chính sách xã hội để nâng cao nhận thức và có định hướng, giải pháp toàn diện hơn giai đoạn tới.