Xử lý 12 dự án thua lỗ: Hãy để thị trường quyết định
Ngày 3/4, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, thời hạn để hoàn thành việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp còn lại không nhiều, khối lượng nhiệm vụ năm 2020 còn lại đều là những nhiệm vụ khó khăn và chưa xử lý được từ các năm trước. Do đó, cần tập trung vào các vướng mắc mấu chốt còn lại: vướng mắc pháp lý trong quyết toán các hợp đồng EPC các dự án, doanh nghiệp; các giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng và phương án xử lý dứt điểm đối với một số dự án, doanh nghiệp theo tình hình hiện nay bảo đảm tính khả thi. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng và các tổng công ty xử lý dứt điểm quyết toàn các hợp đồng EPC.
Về hướng xử lý các dự án cụ thể, Phó Thủ tướng nêu rõ, đối với 5 dự án, doanh nghiệp không có vốn góp trực tiếp của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước (có 2 dự án của Tổng công ty Thép thuộc SCIC; 3 dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Phú Thọ, Quảng Ngãi thuộc đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN quyết định việc xử lý vốn nhà nước tại các dự án này theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo tại Thông báo 132/TB-VPCP ngày 8/4/2019; chỉ đạo SCIC xử lý việc thoái vốn cùa Tổng công ty Thép tại 2 dự án: Thép Việt Trung và Dự án mở rộng giai đoạn 2-Công ty Gang thép Thái nguyên (TISCO-2) theo đúng quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển “khẩu” 12 dự án thua lỗ về “Siêu ủy ban”: “An cư” liệu có “lạc nghiệp”?
11:22, 23/07/2019
12 dự án thua lỗ về “Siêu Uỷ ban” liệu có “hồi sinh”?
10:56, 14/07/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 12: Ethanol Bình Phước “hồi sinh”
12:32, 15/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 11: DAP 2 – Lào Cai “thắt lưng buộc bụng” vượt khó
05:00, 14/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 10: DAP 1 - Hải Phòng tự tin bước ra khỏi “danh sách đen”
13:50, 13/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 9: DQS ”mắc cạn” với tàu 104.000 DWT
16:00, 12/04/2019
Đối với 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Vinachem trình cấp thẩm quyền xử lý thoái vốn của Vinachem tại dự án DAP-1 Hải phòng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Đối với 3 dự án còn lại, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các cơ quan dự họp, chỉ đạo Vinachem hoàn thiện phương án xử lý đối với dự án này, phân tích kỹ ưu và nhược điểm, đánh giá tính khả thi từng giải pháp trong mỗi phương án, báo cáo Ban Chỉ đạo trước ngày 15/4/2020 để họp chuyên đề Ban Chỉ đạo về phương án xử lý 3 dự án này…
Để tìm lối thoát cho 12 dự án thua lỗ ngành công thương, nhiều quan điểm cho rằng, đã đến lúc cần mạnh dạn để thị trường thực hiện vai trò định đoạt, thay vì tiếp tục dùng nguồn lực nhà nước gia cố thêm. Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nếu không mạnh dạn chấp nhận các giải pháp mang tính thị trường thì sẽ rất khó xử lý triệt để, thậm chí nếu càng quanh quẩn với các nguồn lực của nhà nước thì có nguy cơ thiệt hại thêm.
Vai trò của thị trường và tư nhân tham gia tái cơ cấu dự án đã có những kết quả kiểm chứng thực tế khá rõ ràng, thể hiện ở sự hồi sinh của dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PV Tex). Sau khi có sự tham gia tái cơ cấu của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings, từ chỗ thua lỗ nặng nề, PV Tex đã có lãi tăng dần đều trong 2 năm gần đây, trong khi nhà nước không phải bỏ thêm vốn. Hiện Nhà máy đang vận hành ổn định 10 dây chuyền, sản lượng đến ngày 25/2/2019 đạt 3.368 tấn sợi các loại. Điều này cho thấy hướng đi thị trường hóa với sự tham gia của khu vực tư nhân là lối thoát đúng đắn cho dự án trong điều kiện hiện nay.
Đồng tình quan điểm nên thị trường hóa các dự án thua lỗ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng, nguyên tắc xử lý hiệu quả nhất là niêm yết trên thị trường và để thị trường định giá. Đương nhiên, sẽ rất khó có thể đạt điểm dung hòa ở mức giá kỳ vọng của người bán là phía nhà nước thường đặt kỳ vọng ở mức cao và người mua là doanh nghiệp tư nhân ở mức chấp nhận được.
Bởi thực tế là họ đang mua dự án “xấu” để tái cơ cấu, mua khoản nợ hay thậm chí là mua “sắt vụn”, do đó, người bán cũng không nên quá kỳ vọng về một mức giá cao. Bởi vậy, có thể bán theo phương pháp dò thị trường, tức là không phải bán toàn bộ ngay cùng một lúc, mà vừa đẩy ra một ít để thăm dò nghe ngóng động thái của thị trường.
“Trước mắt, có thể đưa ra khoảng 5% để thị trường thẩm định, nếu dự án có triển vọng phục hồi, doanh nghiệp tư nhân sẽ thực sự quan tâm và sẵn sàng mua lại ở mức giá hợp lý. Sau khi bán được 5% này, thì tiếp tục bán tiếp, mức giá tiếp theo có thể tùy theo mức chấp nhận của thị trường”, ông Thành gợi ý.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, cách làm nói trên vừa xử lý triệt để, mang lại lối thoát sáng nhất cho các dự án, doanh nghiệp thua lỗ của ngành công thương, mặt khác nhà nước không cần phải đổ thêm nguồn lực, trong khi tư nhân có cơ hội từ tái cơ cấu lại, tức là đôi bên cùng có lợi.