TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 21/7: Lợi dụng việc giám định tư pháp để trục lợi bị phạt đến 15 triệu đồng

BBT 21/07/2020 18:00

Nội dung tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo đó, hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động giám định tư pháp được quy định cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 3-7 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kéo dài thời gian thực hiện giám định mà không có lý do chính đáng; không ghi nhận kịp thời, đầy đủ toàn bộ quá trình thực hiện giám định bằng văn bản; không thực hiện đầy đủ các quy định về lập, lưu giữ, bảo quản hồ sơ giám định; không tạo điều kiện để người giám định tư pháp thực hiện giám định; không giải thích kết luận giám định theo yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định mà không có lý do chính đáng; thông báo không đúng thời hạn hoặc không thông báo bằng văn bản theo quy định cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định trong trường hợp từ chối giám định.

Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đánh tráo hoặc có hành vi làm sai lệch đối tượng giám định; không bảo quản các mẫu vật, tài liệu có liên quan đến vụ việc giám định; tiết lộ nội dung kết luận giám định cho người khác mà không được người trưng cầu, người yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản; không lập, lưu giữ hồ sơ giám định; không thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định; không tuân thủ quy trình giám định, quy chuẩn chuyên môn trong quá trình thực hiện giám định; tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung kết luận giám định; can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp; không phân công hoặc phân công người không có khả năng chuyên môn phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định; đưa ra bản kết luận giám định không tuân thủ về hình thức hoặc nội dung theo quy định; kết luận giám định những vấn đề không thuộc phạm vi chuyên môn được yêu cầu.

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng việc giám định để trục lợi; tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định; từ chối đưa ra kết luận giám định mà không có lý do chính đáng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; kết luận giám định sai sự thật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thực hiện giám định trong trường hợp phải từ chối giám định theo quy định của pháp luật; ghi nhận không trung thực kết quả trong quá trình giám định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh hình thức xử phạt bằng phạt tiền, các hành vi vi phạm có thể bị áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định này.

Có thể bạn quan tâm

  • Bổ sung chức năng giám định âm thanh, hình ảnh cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao

    16:45, 10/06/2020

  • Dự Luật Giám định tư pháp (sửa đổi): Đại biểu lo ngại "cơi nới" thẩm quyền

    15:07, 25/11/2019

  • Dự Luật Giám định tư pháp (sửa đổi): Gia hạn thời gian giám định không lệ thuộc thời gian xét xử

    10:49, 25/11/2019

  • Dự Luật Giám định tư pháp (sửa đổi): Tranh cãi bổ sung phòng giám định tư pháp thuộc VKSND Tối cao

    09:25, 25/11/2019

BBT