TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch
Sáng ngày 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo với các địa phương.
Tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch trong 2 tuần qua (từ cuộc họp ngày 25/9 của Ban Chỉ đạo quốc gia tới nay); vấn đề tổ chức cho người dân về quê theo nguyện vọng; hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; công tác bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức giao thông, lưu thông hàng hóa trong những ngày tới...
Theo báo cáo của Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Trong 2 tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Tuy nhiên, một số địa phương ghi nhận số ca mắc cộng đồng tăng so với tuần trước, gồm: An Giang 495 ca (tăng 177 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu 72 ca (tăng 53), Bình Thuận 148 ca (tăng 45 ca), Quảng Ngãi 39 ca (tăng 32 ca), Hà Nam 25 ca (tăng 17 ca).
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo các địa phương, số ca mắc tăng tại các tỉnh này chủ yếu là do xét nghiệm tầm soát những người trở về địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, từ ngày 1/10 đến nay, tại 43 tỉnh, thành phố đã ghi nhận khoảng 180.000 người trở về địa phương, trong đó có 1.031 người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Tốc độ bao phủ vaccine của Việt Nam đang tăng rất nhanh, hiện tốc độ tiêm có thể đạt trung bình 1,5 triệu mũi mỗi ngày. Tính đến ngày 8/10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy, đã có 74 triệu liều vaccine về tới Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nêu rõ: Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo nếu chủ quan, lơ là.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, trong thời gian qua, đã có những quyết định mang tính bước ngoặt trong công tác phòng chống dịch. Báo cáo của MTTQ tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV nhận định việc thực hiện kế hoạch vaccine là rất khó khăn, nhưng đến nay, chúng ta đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đưa lượng lớn vaccine về nước và tiêm miễn phí cho người dân. Điều này không chỉ có ý nghĩa với phòng chống dịch mà còn an dân, tạo niềm tin cho người dân.
Thứ hai, việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia đã đáp ứng được tình hình, bối cảnh rất cấp bách khi đó. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu nhắc lại hàng loạt quyết định rất khó khăn nhưng đúng đắn, đầy bản lĩnh của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Thủ tướng Chính phủ trong những thời khắc cam go, khi còn có nhiều ý kiến khác nhau, như việc điều động gần 300 nghìn nhân lực trong thời gian rất ngắn chi viện cho các địa phương phòng chống dịch, xây dựng hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng trăm trạm y tế lưu động, xét nghiệm thần tốc, nhiều vòng tại TP. Hà Nội, xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương... Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả và sự cần thiết của các quyết định này.
Một quyết định quan trọng khác là thực hiện giãn cách xã hội tại 23 tỉnh, thành phố. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng tuy có những lúng túng nhất định trong tổ chức thực hiện, nhưng tựu trung tình hình tại các địa phương này ổn định, an ninh trật tự được bảo đảm, an sinh xã hội được chăm lo tốt. “Trong bối cảnh khó khăn, lòng nhân ái, đại đoàn kết, tình dân nghĩa Đảng được nhân lên gấp bội”, ông Đỗ Văn Chiến chia sẻ.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Y tế, đánh giá tình hình dịch bệnh trong 2 tuần qua đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các ổ dịch lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, một số tỉnh bùng phát dịch như Kiên Giang cũng đã từng bước kiểm soát rất tốt.
Để đạt được những kết quả này, những nguyên nhân chính là chúng ta đã kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch dựa vào 3 trụ cột là cách ly (hẹp nhất và chặt nhất có thể), xét nghiệm (thần tốc nhưng an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và điều trị (từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong). Cùng với đó, chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tốt hơn. Nguyên nhân thứ ba là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể, sự đồng tình, hưởng ứng của đại đa số nhân dân.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh; phải tỉnh táo, sáng suốt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ một số việc nổi lên trong hai tuần qua: Người dân trở về quê và từ quê quay trở lại; vận tải, lưu thông hàng hóa còn ách tắc; ứng dụng công nghệ còn trục trặc. Việc chăm lo đời sống nhân dân vẫn còn sót lọt một số đối tượng. Chúng ta cũng bắt đầu phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng nhấn mạnh: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế được đúc rút thời gian qua, trong thời gian tới, phải có tư duy, nhận thức và tổ chức thực hiện đổi mới hơn, sát tình hình thực tế hơn, phù hợp diễn biến tình hình dịch bệnh và yêu cầu khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thời gian tới.
Thứ nhất, ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách phù hợp, hiệu quả và tổ chức thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương không ban hành quy định trái với nguyên tắc chung nhưng cũng không cứng nhắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn từng địa bàn, những nội dung nào chưa hợp lý hoặc có cách làm hay hơn thì báo cáo cấp trên để điều chỉnh, bổ sung.
Thứ hai, các địa phương phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh cho nhân dân. Vừa qua, công tác này có một số trục trặc nhưng các địa phương đã rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn. Ông lưu ý, nếu hàng chục nghìn người dân trở về thì không cơ sở cách ly tập trung nào đáp ứng được, do đó cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tốt của Tiền Giang, An Giang trong việc đưa người dân về cách ly tại cơ sở.
Thứ ba, tiếp tục quyết liệt thực hiện, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chiến lược vaccine. Vaccine vẫn là nhân tố quan trọng và quyết định việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Đến nay, chúng ta đã nhận được vaccine bằng tất cả các hình thức như mua, viện trợ, nhượng lại. Thủ tướng lưu ý rằng trong bối cảnh vaccine vẫn khan hiếm, vì vậy, chúng ta phải chủ động hơn, phải thúc đẩy ngoại giao vaccine tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể về lượng vaccine tiếp nhận trong những ngày tới, trong tháng 11, tháng 12 và năm 2022; chịu trách nhiệm hướng dẫn và phân bổ, điều tiết lượng vaccine đã có, tổ chức tiêm vaccine khoa học, an toàn, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh vaccine nghiên cứu, sản xuất trong nước phải an toàn và hiệu quả, an toàn là yêu cầu số 1, bảo đảm khách quan, trung thực về mặt khoa học, “dứt khoát là như vậy, không bị bất cứ sức ép hay tác động nào”.
Thứ tư, việc khôi phục sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất. Bộ Y tế và các cơ quan hướng dẫn về điều kiện an toàn trên tinh thần tăng tính tự chủ, chủ động, nêu cao trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quyết liệt chỉ đạo để việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Các địa phương theo điều tiết chung, không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt. “Thận trọng, không chủ quan nhưng phải làm, có bước đi, có lộ trình, trước hết thí điểm 1 tuần, sau đó sơ kết, cái gì tốt thì tiếp tục làm, không tốt thì dừng”, Thủ tướng nêu rõ. Bộ GTVT tham khảo ý kiến các địa phương nhưng người quyết định phải là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ GTVT, đồng thời tăng cường kiểm tra, không để mỗi địa phương làm một kiểu.
Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để sót, để lọt các đối tượng được hưởng thụ chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp các nền tảng, chia sẻ các dữ liệu để ứng dụng công nghệ thông tin thật hiệu quả. “Dứt khoát trong tuần này phải làm thuận lợi nhất cho người dân. Việc này không nói lại nữa, nếu các đồng chí không làm được thì báo cáo lại Ban Chỉ đạo”, Thủ tướng quyết liệt.
Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác thông tin – tuyên truyền theo hướng chủ động, tích cực, có kế hoạch bài bản, phản ánh đúng tình hình, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tính toán lộ trình thực hiện “hộ chiếu vaccine”, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho học sinh đi học bình thường trở lại ở những nơi an toàn, nhất là những nơi xa xôi, miền núi, hải đảo…
Các địa phương, bộ ngành phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ Y tế tiến hành sơ kết, đánh giá đợt dịch lần thứ 4, rút các kinh nghiệm, bài học và động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân. Thủ tướng lưu ý tiếp tục bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Các tiểu ban tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, báo cáo theo quy định. Thủ tướng đề nghị các lực lượng chi viện tiếp tục kiên trì ở lại các tỉnh, thành phố phía Nam tới khoảng cuối tháng 10, khi việc bao phủ vaccine cho người dân đã đạt mức tương đối an toàn.
Thủ tướng giao các bộ ngành nắm chắc tình hình, xử lý các đề xuất của địa phương theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đảm bảo người dân có nhu cầu về quê được đưa, đón an toàn
20:55, 08/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19
20:53, 08/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ban hành quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt
20:51, 08/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Mở lại đường bay phải bảo đảm an toàn
20:04, 08/10/2021