TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật

BBT 03/12/2021 19:30

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 152/NQ-CP ngày 3/12/2021 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, ưu tiên hoàn thiện thể chế, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14 tháng 10 năm 2021 về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, ưu tiên dành các nguồn lực cao nhất về cơ sở vật chất, kinh phí và cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành đang gây cản trở, vướng mắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, minh bạch, tính ổn định và khả thi cao. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân và doanh nghiệp.

Các bộ, cơ quan có trách nhiệm xây dựng pháp luật cần khắc phục tình trạng luật thiếu ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật. Trong quá trình soạn thảo văn bản, cần quán triệt quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm dân chủ trong quá trình soạn thảo văn bản, lấy ý kiến, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đồng thời cũng là người thụ hưởng chính sách, pháp luật; đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, chủ động hội nhập quốc tế.

Tăng cường phân công, phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm trong quản lý, điều hành giá

Về Đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật giá. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:

Tăng cường phân công, phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành giá, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý, giám sát về giá giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ và địa phương; hoàn thiện các chính sách bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý, điều tiết của Nhà nước về giá; tôn trọng quy luật cung - cầu, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoàn thiện chính sách về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá theo hướng phân cấp cho Chính phủ, vừa bảo đảm chặt chẽ, vừa linh hoạt, phù hợp với thực tế quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng thời kỳ. Chính sách về bình ổn giá cần khắc phục được những hạn chế hiện nay, tạo công cụ pháp lý đầy đủ, hiệu quả cho công tác kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giá.

Cần phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về giá, hướng dẫn, ban hành phương pháp định giá, xử lý được những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quản lý giá chuyên ngành của các bộ, cơ quan, đảm bảo tính khả thi theo hướng: Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá; chịu trách nhiệm ban hành phương pháp định giá chung đảm bảo áp dụng chung; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng phương pháp định giá chung có tính chất chuyên ngành trên cơ sở đề xuất từ các bộ, ngành; các bộ, ngành chủ trì xây dựng các phương pháp định giá có tính đặc thù cần phải có phương pháp chuyên ngành riêng.

Các chính sách về thẩm định giá nhà nước, quản lý doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá cần ngăn chặn, xử lý được tình trạng thông đồng trong thẩm định giá, quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí tài sản nhà nước trong thẩm định giá, bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả thi.

Hoàn thiện chính sách về biện pháp kê khai giá là biện pháp quản lý, theo dõi, năm bắt thông tin hiệu quả về giá; tiếp tục đổi mới về quy trình, thủ tục quản lý, giám sát việc niêm yết giá, công khai thông tin về giá, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Hoàn thiện, bổ sung lập luận và giải trình thuyết phục các đề xuất chính sách và Báo cáo đánh giá tác động, bảo đảm các chính sách có tính khả thi, khắc phục được những tồn tại, hạn chế và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về giá.

Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Đa dạng các gói bảo hiểm y tế, có sự phân tầng phù hợp

Về Đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật bảo hiểm y tế. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện các nội dung chính sách theo hướng:

Thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII về an sinh xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Các chính sách bảo hiểm y tế cần bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro, tính đúng, tính đủ theo hướng: đa dạng các gói bảo hiểm y tế, có sự phân tầng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam; bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển bảo hiểm y tế; khuyến khích, tạo điều kiện cho hệ thống y tế cơ sở, y tế tư nhân phát triển để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thống nhất ứng dụng về nền tảng công nghệ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có phân cấp, phân quyền khoa học, hiệu quả, đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Hoàn thiện chính sách về phân bổ, sử dụng, quản lý Quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả để xây dựng các giải pháp cụ thể, giải quyết tổng thể các vấn đề phù hợp với mục đích và nội dung của chính sách này, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch của các quy định pháp luật, tránh bị lạm dụng, tiêu cực, trục lợi trong thực thi chính sách. Rà soát các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, không quy định thành lập tổ chức bộ máy, không tăng biên chế theo đúng yêu cầu xây dựng Luật hiện nay.

Trên cơ sở nội dung tổng kết thi hành Luật hiện hành, Bộ Y tế đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia và đối tượng chịu sự điều chỉnh, có giải pháp để bảo đảm tính khả thi, khoa học, bảo đảm khả thi đối với ngân sách nhà nước.

Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Tiếp nhận ý kiến đa chiều, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm về Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Về đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện các nội dung chính sách theo hướng:

Nội dung các chính sách cần tiếp tục rà soát, bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về các chính sách an sinh xã hội. Chủ động truyền thông và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động để tiếp nhận ý kiến đa chiều, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm; chắt lọc kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện chính sách, đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, đáp ứng đầy đủ mục tiêu tăng cường an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, hạn chế việc trốn đóng, đặc biệt là hạn chế tình trạng chậm đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu, nộp, bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong bối cảnh hiện nay.

Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan tiến hành tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội ngày 22/6/2015 về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động, khắc phục hạn chế do quy định hiện hành, tháo gỡ những khó khăn chưa phù hợp với thực tiễn, đề xuất các giải pháp chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vừa đáp ứng yêu cầu của người lao động khi gặp khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội một lần, vừa bảo đảm an sinh xã hội bền vững khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu.

Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh các giao dịch điện tử

Về Đề nghị xây dựng Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật để có các chính sách mới phù hợp; đồng thời không để khoảng trống pháp lý vì các công nghệ mới phát triển rất nhanh đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế để thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:

Thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh các giao dịch điện tử trong giao dịch thương mại, dân sự, kinh tế, tạo khung pháp lý ổn định cho các hoạt động giao dịch điện tử được áp dụng rộng rãi, nhưng cũng cần đánh giá kỹ tác động về phạm vi các loại giao dịch điện tử để bảo đảm tính khả thi, kiểm soát được.

Hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý, thúc đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân, đặc biệt cần tháo gỡ các vướng mắc về các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu về thông tin cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng; có lộ trình và giải pháp khả thi để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.

Các chính sách về quản lý dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ số trực tuyến cần được phân tích kỹ tác động, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật này, tập trung vào các chính sách quản lý giao dịch điện tử trên nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến, hạn chế các tác động tiêu cực của các dịch vụ này đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Các chính sách cụ thể cần được dự báo phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, thống nhất với pháp luật hiện hành và tránh chồng lấn về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Rà soát các chính sách về nền tảng lớn, nền tảng đặc thù, nền tảng của nước ngoài sử dụng tại Việt Nam và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, quy định chặt chẽ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Rà soát các chính sách cụ thể trong Đề cương dự thảo Luật, làm rõ mối quan hệ của luật này với các luật có liên quan, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động, bảo đảm tính khả thi của các chính sách mới, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động lưu trữ

Về Đề nghị xây dựng Luật lưu trữ (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác lưu trữ trong điều kiện mới, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các tài liệu, tư liệu lưu trữ phù hợp với định hướng phát triển Chính phủ số, xã hội số.

Bộ Nội Vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:

Thống nhất về phạm vi điều chỉnh theo hướng mở rộng lưu trữ tư nhân, tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động lưu trữ; hoàn thiện chính sách về quản lý dịch vụ lưu trữ tư, trưng mua, trưng dụng tài liệu lưu trữ theo hướng hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong quản lý, kinh doanh, chia sẻ dữ liệu, tài liệu lưu trữ phù hợp với Hiến pháp, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản và pháp luật có liên quan, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân. Việc lưu trữ lịch sử nhận ký gửi và thu phí ký gửi tài liệu lưu trữ tư cần phù hợp với mục đích khuyến khích chủ sở hữu tài liệu bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư.

Hoàn thiện chính sách về sự tham gia của doanh nghiệp trong lưu trữ tài liệu điện tử nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, tính đầy đủ, kịp thời trong việc lưu trữ, chia sẻ dữ liệu; xác định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn thẩm định, trách nhiệm của các doanh nghiệp, của cơ quan thẩm định, bảo đảm khách quan, công khai, công bằng trong công tác thẩm định, công nhận các doanh nghiệp đủ điều kiện cho thuê dịch vụ lưu trữ tài liệu. Việc bổ sung hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thu lệ phí đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ cần đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư và Luật Phí và lệ phí để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về việc thay đổi thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ từ Sở Nội vụ về Bộ Nội vụ, đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ sự cần thiết, cơ sở khoa học, thực tiễn phải thay đổi thẩm quyền này, nhất là trong điều kiện Chính phủ đang đẩy mạnh phân cấp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Nghiên cứu, rà soát nội dung các chính sách khai thác, chia sẻ sử dụng tài liệu, tư liệu lưu trữ theo hướng vừa bảo đảm phát huy tối đa giá trị của tài liệu, tư liệu lưu trữ, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, xử lý hài hòa mối quan giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực lưu trữ.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, chỉnh lý Báo cáo đánh giá tác động, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền

Về Đề nghị xây dựng Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật phòng, chống rửa tiền, nhằm nâng cao hiệu quả về công tác phòng, chống rửa tiền, giảm thiểu rủi ro; đồng thời đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền, thúc đẩy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền, giảm thiểu các hoạt động tội phạm rửa tiền, gian lận thuế, tham nhũng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo lập môi trường xã hội an toàn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:

Hoàn thiện các quy định về đối tượng báo cáo phòng chống rửa tiền theo hướng chỉ quy định những vấn đề đã được xác định rõ ràng, đầy đủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện để triển khai thực hiện; giao Chính phủ quy định những vấn đề cấp bách, trường hợp đặc biệt Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; quy định cụ thể các biện pháp phòng ngừa mà các đối tượng báo cáo phải thực hiện; sửa đổi, bổ sung các biện pháp phòng ngừa mà các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm áp dụng.

Hoàn thiện các chính sách về đánh giá rủi ro rửa tiền quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, đối tượng báo cáo trong việc thực hiện định kỳ đánh giá rủi ro rửa tiền; phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro; các biện pháp nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, giảm nhẹ hoặc tăng cường phù hợp với nhóm khách hàng, lĩnh vực có rủi ro thấp hoặc cao về rửa tiền.

Hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thu thập, xử lý, chuyển giao và trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền và đơn vị đầu mối thực hiện chức năng phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng cũng không gây cản trở đến hoạt động bình thường của các tổ chức và cá nhân. Đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thúc đẩy có hiệu quả việc thực hiện Đề án và quy định pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm kiểm soát dòng tiền, hỗ trợ công tác phòng, chống rửa tiền.

Rà soát chính sách về trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác phòng chống rửa tiền theo hướng phân định rõ vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý liên quan đến tiền và vàng, các bộ, ngành quản lý các tài sản vật chất, hàng hóa khác; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan đối với các đối tượng báo cáo mới, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan.

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng dự án Luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Thỏa thuận ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Thỏa thuận ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới

    18:31, 02/12/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

    18:31, 02/12/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19

    18:30, 02/12/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải hành khách qua biên giới bằng đường bộ

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải hành khách qua biên giới bằng đường bộ

    18:30, 02/12/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thay thành viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thay thành viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú

    18:30, 02/12/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, chất lượng, hiệu quả

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, chất lượng, hiệu quả

    19:05, 01/12/2021

BBT