TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tuyên Quang phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống cách mạng
Tuyên Quang phấn đấu khắc phục những hạn chế, bất cập để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc thù, truyền thống cách mạng của Tỉnh.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế nhỏ, có nhiều huyện, xã nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông. Trong năm 2021, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức và chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã phát huy truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh và phát huy được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh; đạt và vượt kế hoạch 17/20 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó: Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,67%; thu ngân sách nhà nước vượt 8% dự toán; vốn huy động xã hội tăng hơn 10%; tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng, nhất là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) thuộc nhóm các địa phương có chỉ số cao nhất (xếp thứ 12/63 các tỉnh, thành phố); tạo việc làm mới cho gần 22.000 lao động, vượt 4,7% kế hoạch; công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh được giữ vững; chính trị, trật tự xã hội được duy trì ổn định.
Trong Thông báo số 12/TB-VPCP ngày 11/1/2022, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành quả về kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đạt được trong năm 2021. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục như: Kinh tế phát triển chưa nhanh và bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ chế, chính sách, nguồn vốn còn hạn hẹp; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa cao (đứng thứ 31/63); các chỉ số về cải cách hành chính (PAR Index) và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) còn thấp; các hạ tầng chiến lược còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông còn rất khó khăn; sử dụng và khai thác tài nguyên chưa thực sự hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai; cân đối thu chi ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào điều tiết từ ngân sách Trung ương (thu ngân sách đứng thứ 59/63 tỉnh, thành phố); đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…
Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Tuyên Quang cần cố gắng phát huy những điểm mạnh, quyết tâm khắc phục những hạn chế, bất cập để phát triển tốt hơn; trong đó lưu ý quán triệt và thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo để cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, nhất là về 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm và 12 chương trình công tác lớn; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm trong tổ chức thực hiện; phát huy thế mạnh, hóa giải những hạn chế, bất cập để phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh phải tích cực triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành và bảo đảm thực hiện thành công công tác phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, không làm đứt gãy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; quyết liệt, thần tốc hơn nữa việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, phấn đấu hoàn thành sớm hơn mục tiêu Chính phủ đã đề ra; chủ động tăng cường y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Tích cực chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động
Đồng thời, Tuyên Quang cần khẩn trương tập trung hoàn thành công tác lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quý I năm 2022; trong đó cần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống về lịch sử cách mạng với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, bám sát tình hình thực tiễn để xác định rõ những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, thách thức, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục, nhiệm vụ trọng tâm, phương hướng phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở ra không gian mới để phát triển nông, lâm nghiệp chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh.
Phát huy ý chí tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, tích cực chuyển đổi số và nâng cao năng suất lao động để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân và kích hoạt các nguồn lực xã hội; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Tuyên Quang.
Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Tuyên Quang đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số PAR Index, SIPAS; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chú trọng quy hoạch, phát triển hạ tầng xã hội, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa để góp phần xóa đói, giảm nghèo, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực; phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc thù, truyền thống cách mạng của Tuyên Quang.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác dân vận, tôn giáo, dân tộc; giữ vững quốc phòng, bảo đảm an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội....
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập phế liệu phục vụ sản xuất
20:00, 12/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo
22:03, 11/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng yêu cầu thần tốc tiêm vaccine và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng COVID-19
22:01, 11/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 không phù hợp
22:00, 11/01/2022