TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch

BBT 05/07/2022 20:00

Ngày 5/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 15 của Ban chỉ đạo.

fd

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Cùng dự phiên họp có các đồng chí Phó Trưởng Ban chỉ đạo: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia và Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 ở các địa phương thẳng thắn thảo luận, đánh giá tình hình, rà soát công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tiêm vaccine; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất các mục tiêu, giải pháp cụ thể để tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Các ý kiến tại phiên họp đều khẳng định chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động đang dần trở lại bình thường, việc phục hồi và phát triển đạt kết quả tương đối toàn diện trên các mặt.

gf

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 15 của Ban chỉ đạo.

Tuy nhiên, còn có tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, nhất là trong việc tiêm vaccine, thậm chí né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân tại một số nơi do đã mắc bệnh hoặc thấy tình trạng bệnh nhẹ khi mắc nên không muốn tiếp tục tiêm vaccine; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa thực sự hiệu quả.

Ban chỉ đạo nhận định, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam, biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Do đó, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.

Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến vẫn phức tạp, các hoạt động chưa hoàn toàn trở lại bình thường như trước đại dịch. Với việc xuất hiện biến chủng mới, dịch bệnh bùng phát trở lại ở nhiều nước, có những nước xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; không người dân nào an toàn khi người dân khác còn mắc bệnh COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác còn phải chống dịch; không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch.

Thủ tướng một lần nữa nhắc lại “bài học xương máu” khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 231 triệu liều vaccine. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 66,7% và 25,7%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỉ lệ xấp xỉ 100%, 98,4% và 7,2%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỉ lệ xấp xỉ 50,9% và 17,4%.

Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Âu đều khuyến nghị việc duy trì các biện pháp như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh.

Trước tình hình trên, với sự khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm phòng chống dịch trong nước và yêu cầu thực tế hiện nay, việc duy trì các biện pháp phòng chống dịch và đặc biệt là đẩy mạnh tiến độ tiêm vacine là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine chưa đạt yêu cầu theo chỉ đạo tại phiên họp thứ 14 của Ban chỉ đạo Quốc gia và chỉ tiêu Chính phủ đặt ra.

Điều này có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, công tác tuyên truyền chưa tương xứng với tình hình, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát trở lại để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt các quan điểm: Coi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, là trung tâm, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, chống dịch là thường xuyên, quan trọng, đột phá; phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của nhân dân; tiêm vaccine là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân với chính mình, gia đình và cộng đồng, xã hội; phòng chống dịch từ sớm, từ xa, mỗi người được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất có thể, ngay từ cơ sở.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, vẫn phải tiếp tục thực hiện 3 trụ cột phòng chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị), phương châm 2K+vaccine+thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác (2K gồm khẩu trang và khử khuẩn, Bộ Y tế cần hướng dẫn cụ thể như các địa điểm bắt buộc đeo khẩu trang, khử khuẩn…). Đây là những bài học kinh nghiệm đã được tổng kết từ thực tiễn trong nước và thế giới.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; chủ động xây dựng và tập huấn với mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại. Tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, nhất là với các đối tượng rủi ro cao như người cao tuổi, có bệnh nền, những người trên tuyến đầu, kể cả những người tham gia lĩnh vực giao thông vận tải, các dịch vụ thiết yếu, siêu thị, chợ, khu công nghiệp…, với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn có ý nghĩa chiến lược, lâu dài.

Các bộ, ngành, cơ quan liên quan, nhất là các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Xây dựng thực hiện ngay việc quán triệt và chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành.

Để tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, Thủ tướng giao Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và UBND cấp tỉnh tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung xử lý, kiểm soát chặt chẽ dịch sốt xuất huyết.

Về việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, nhân lực cho phòng chống dịch COVID-19 và khám chữa bệnh cho nhân dân, Bộ Y tế cần thần tốc hơn nữa triển khai các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Ngay trong ngày 5/7, phải hoàn thành hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế. Các bộ liên quan đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực phối hợp, góp ý vào dự thảo Nghị quyết.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Bộ Y tế ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng đã khẩn trương triển khai việc đấu thầu lượng thuốc trị giá 9.000 tỷ đồng, đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo phòng phống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quyết liệt chỉ đạo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Bộ Y tế và các cơ quan tiếp tục cải cách các quy định, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phép thuốc, giá thuốc, đấu thầu… bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, khoa học, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở, trong đó quan tâm đầu tư và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trường học. Ngành y tế tại địa phương chủ động phối hợp, hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2022, đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng chống dịch.

Về chính sách xã hội, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn, ổn định và phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện.

Bộ Y tế đánh giá miễn dịch cộng đồng với COVID-19 và các dịch bệnh khác trên phạm vi toàn quốc một cách khoa học, hiệu quả, chính xác để có giải pháp phù hợp; song song với công tác phòng chống dịch COVID-19, cần coi trọng việc phòng chống các dịch bệnh khác; tiếp tục thống kê, đánh giá chính xác, đầy đủ về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, chuyển việc để tiếp tục triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Các cơ quan đẩy mạnh công tác công tác truyền thông để nhân dân hiểu, chia sẻ và tích cực tham gia, ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine, vai trò của ý thức người dân, cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các biến chủng virus mới.../.

BBT