TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 3/2023/QĐ-TTg ngày 15/2/2023 ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Theo Quyết định, Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, khảo sát trong đó có 03 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 42 cuộc điều tra thống kê ở các lĩnh vực khác nhau, cụ thể:
- Nhóm 01. Điều tra dân số, lao động và việc làm, gồm 3 cuộc điều tra: Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ; Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình; Điều tra lao động và việc làm.
- Nhóm 02. Điều tra đất đai, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, gồm 8 cuộc điều tra: Điều tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ; Điều tra diện tích cây nông nghiệp; Điều tra năng suất, sản lượng cây nông nghiệp; Điều tra chăn nuôi; Điều tra lâm nghiệp; Điều tra, kiểm kê rừng; Điều tra thủy sản.
- Nhóm 03. Điều tra công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và vốn đầu tư, gồm 8 cuộc điều tra: Điều tra ngành công nghiệp; Điều tra năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp; Điều tra hoạt động xây dựng; Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ; Điều tra loại hình hạ tầng thương mại phổ biến; Điều tra thông tin khách du lịch nội địa; Điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam; Điều tra vốn đầu tư thực hiện.
- Nhóm 04. Điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp và tài khoản quốc gia, gồm 5 cuộc điều tra: Điều tra doanh nghiệp; Điều tra cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể; Điều tra cơ sở hành chính, sự nghiệp; Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian; Điều tra đơn vị sự nghiệp và tổ chức vô vị lợi.
- Nhóm 05. Điều tra giá, gồm 9 cuộc điều tra: Điều tra giá tiêu dùng (CPI); Điều tra giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất; Điều tra giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Điều tra giá sản xuất công nghiệp; Điều tra giá sản xuất dịch vụ; Điều tra giá sản xuất xây dựng; Điều tra giá bất động sản; Điều tra giá tiền lương; Điều tra giá xuất khẩu, nhập khẩu.
- Nhóm 06. Điều tra khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, gồm 3 cuộc điều tra: Điều tra tiềm lực khoa học và công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ; Điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Điều tra thống kê thương mại điện tử.
- Nhóm 07. Điều tra y tế, xã hội và môi trường, gồm 6 cuộc điều tra, khảo sát: Điều tra cơ sở và nhân lực y tế ngoài công lập; Điều tra dinh dưỡng; Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam; Khảo sát sức khỏe dân cư và kinh nghiệm cuộc sống; Điều tra người khuyết tật; Điều tra các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng, sửa đổi, bổ sung Chương trình điều tra thống kê quốc gia cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Chương trình điều tra thống kê quốc gia là căn cứ để các bộ, ngành chủ động xây dựng kế hoạch các cuộc điều tra, xây dựng phương án điều tra, kế hoạch thực hiện, dự toán kinh phí và quyết định các cuộc điều tra thống kê, tạo sự ổn định cho hoạt động thống kê.
Kết quả điều tra được công bố theo đúng quy định
Quyết định nêu rõ, cơ quan chủ trì là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc xây dựng phương án điều tra, tiến hành điều tra.
Kinh phí để thực hiện các cuộc điều tra thống kê thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia do ngân sách nhà nước cấp và được bố trí trong dự toán ngân sách của các cơ quan theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn kinh phí khác do tổ chức quốc tế tài trợ theo các chương trình dự án) bảo đảm theo quy mô, tính chất của từng cuộc điều tra.
Kết quả của các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia phải được công bố theo đúng các quy định của Luật Thống kê và các quyết định hiện hành của Nhà nước về điều tra thống kê.