Một số lưu ý về Dự thảo Luật quản lý thuế
Mới đây, Bộ Tài chính công bố Dự thảo Luật Quản lý thuế với mục tiêu hướng tới hoạt động quản lý thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện.
Dự thảo với những quy định mới so với Luật Quản lý thuế hiện hành sẽ có tác động đáng kể tới các cá nhân, tổ chức trong việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ về thuế.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều điểm mới trong dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế
06:31, 04/08/2018
Gian nan quản lý thuế bán hàng qua mạng
11:06, 08/08/2018
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý thuế
11:22, 31/08/2018
Ngân hàng thương mại không phải là “cánh tay nối dài” của cơ quan thuế
Đáng chú ý, dự thảo đã mở rộng phạm vi trách nhiệm phối hợp của NHTM trong lĩnh vực quản lý thuế.
Theo đó, NHTM có trách nhiệm “Định kỳ cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế”. Nội dung quy định này sẽ đặt ra vấn đề về sự cân bằng giữa quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (Điều 21, Hiến pháp 2013) và nghĩa vụ về thuế (Điều 47, Hiến pháp 2013). Quy định này chắc chắn sẽ tạo tâm lý e ngại cho các tổ chức, cá nhân mở tài khoản khi thông tin giao dịch của họ có khả năng bị NHTM cung cấp cho cơ quan thuế. Ngoài ra, các thông tin về nội dung giao dịch qua tài khoản là một nguồn dữ liệu khổng lồ, việc lưu trữ và quản lý nguồn thông tin này sẽ là một gánh nặng cho cả phía NHTM và cơ quan thuế.
Dự thảo cũng bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của NHTM trong việc “Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam”.
Tuy nhiên, quy định này đặt ra câu hỏi về vấn đề thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện quản lý thu thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Trách nhiệm và thẩm quyền tính thuế, thu thuế vốn thuộc về cơ quan thuế (và cơ quan chức năng liên quan) - không phải là trách nhiệm của NHTM. Việc cố định trách nhiệm của NHTM – một tổ chức trung gian thanh toán với trách nhiệm này sẽ là chưa thỏa đáng, bởi suy cho cùng NHTM không phải là cánh tay nối dài của cơ quan thuế, không hưởng ngân sách và không nên phải gánh chịu quá nhiều trách nhiệm trong công tác quản lý thuế.
Nên chăng trách nhiệm của NHTM trong quản lý thuế, đặc biệt trong việc cung cấp thông tin về nội dung giao dịch qua tài khoản cũng như khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế cần được giới hạn lại theo hướng chỉ yêu cầu NHTM thực hiện các nghĩa vụ trên trong trường hợp có dấu hiệu sai phạm về nghĩa vụ nộp thuế cho cơ quan thuế để cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ của cả người nộp thuế và NHTM.
Quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp
Theo Bộ Tài chính, quy định hiện hành của Luật Quản lý thuế về tính tiền chậm nộp thuế đang làm gia tăng nhóm đối tượng không có khả năng thu thuế (tính đến 31/12/2017), dẫn tới số nợ trên sổ sách của cơ quan thuế là nợ ảo, tạo áp lực về chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế trong việc theo dõi quản lý nợ thuế. Từ thực trạng trên, Dự thảo đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, cụ thể như sau:
Nhóm người nộp thuế là cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự: việc áp dụng khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với nhóm đối tượng này còn chưa hợp lý bởi trên thực tế, nghĩa vụ này vẫn có thể được bảo đảm thực hiện mà không cần đến cơ chế khoanh nợ theo quy định của Dự thảo.
Cụ thể, nếu nhóm đối tượng này còn tài sản thì nghĩa vụ thuế sẽ do người thừa kế/người quản lý tài sản thực hiện. Kể cả trong trường hợp không có người thừa kế hoặc tất cả những người thuộc hàng thừa kế không nhận thừa kế tài sản thì việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người đã chết vẫn sẽ được đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Thiết nghĩ, để phát huy hiệu quả của cơ chế khoanh nợ cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, nhóm đối tượng này cần được cân nhắc thêm khi đưa vào diện đối tượng được khoanh nợ.
Nhóm người nộp thuế đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh; cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn nơi có trụ sở kinh doanh, địa chỉ liên lạc của người nộp thuế để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế và người nộp thuế được xác nhận là không hiện diện tại địa bàn; và cơ quan quản lý thuế đã thông báo trên toàn quốc nhưng không nhận được phản hồi:
Có thể thấy quy định này trong Dự thảo chưa dự liệu được mọi trường hợp có thể xảy ra trên thực tế, ví dụ như người nộp thuế đang kinh doanh ở một địa bàn khác nhưng không đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, Dự thảo cũng chưa quy định cụ thể cách thức thông báo trên toàn quốc của cơ quan thuế, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện khoanh nợ trên thực tiễn.
Do đó, tôi cho rằng quy định này cần được xây dựng theo hướng bổ sung thêm các nghĩa vụ của cơ quan thuế để xác định khả năng thu tiền nộp thuế, tiền chậm nộp từ các đối tượng trên trước khi đưa vào diện được khoanh nợ để tránh việc thất thu thuế và việc lách luật, trốn thuế của các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh.