Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ "khó hơn" cam kết WTO
Sở hữu trí tuệ (SHTT) là lĩnh vực cực kỳ phức tạp mà Việt Nam còn phải nợ lại khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm.
Thời gian vừa qua, hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang ngày càng diễn ra sâu và rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT). Các cam kết về SHTT trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương của Việt Nam với các đối tác quốc tế như CPTPP hay EVFTA đã tạo ra những chuẩn mực mới và tiêu chuẩn mới trong vấn đề bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam trong thời gian tới. Các chuẩn mực này dường như còn cao hơn cả các cam kết mà Việt Nam đã đạt được theo Hiệp định TRIPs của WTO.
Khác với nhiều nước thành viên hiện đang tập trung tập huấn, chuẩn bị chỉ dẫn kiến thức và hỗ trợ doanh nghiệp của họ khi bước vào thực thi CPTPP, Việt Nam vẫn còn loay hoay ở việc cần thay đổi những gì trong hệ thống pháp luật để phù hợp với các thỏa thuận trong Hiệp định, khi mà thời hạn cũng không còn xa. Trong phạm vi bài này, người viết muốn tập trung vào dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ, một trong những chính sách cần phải thay điều chỉnh để phù hợp với các cam kết của CPTPP.
Quy định của Dự thảo vượt quá cam kết WTO
Nội dung của Dự thảo Luật SHTT sửa đổi được xây dựng trên tinh thần cập nhật và nội luật hóa các quy định, cam kết của CPTPP để đảm bảo sự tuân thủ của Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa rằng đối với các tiêu chuẩn cứng và có tính chất bắt buộc của CPTPP, chúng ta phải đảm bảo chuyển hóa một cách đầy đủ và phù hợp vào quy định của pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, khá nhiều quy định của CPTPP đều mang tính nguyên tắc chung, có độ “mở” và linh hoạt khá cao, tạo điều kiện cho quốc gia thành viên có thể chủ động vận dụng một cách phù hợp và hiệu quả nhất trong điều kiện đặc thù của quốc gia mình.
Tuy nhiên, một số nội dung của Dự thảo trên thực tế không hoàn toàn bám sát quy định của CPTPP, thậm chí một số nội dung còn có tính chất vượt xa tiêu chuẩn, quy định của CPTPP một cách không cần thiết. Người viết xin đơn cử một số ví dụ cụ thể sau đây:
Trường hợp thứ nhất, dự kiến sửa đổi khoản 1 Điều 80 Luật SHTT sửa quy định để làm rõ hơn về trường hợp không bảo hộ chỉ dẫn địa lý do chỉ dẫn địa lý đã trở thành “tên gọi chung” như sau: “Tên gọi, chỉ dẫn địa lý đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan ở Việt Nam”.
Trong khi đó, Điều 18.33 CPTPP lại quy định: “trong việc xác định liệu một thuật ngữ có phải là thuật ngữ thông thường trong ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là tên gọi chung của hàng hóa tương ứng trong phạm vi lãnh thổ của một Bên hay không, cơ quan có thẩm quyền của Bên đó phải có thẩm quyền xem xét xem người tiêu dùng hiểu thuật ngữ đó trong lãnh thổ của Bên đó như thế nào”.
Như vậy, cách quy định tại Dự thảo vô hình chung đã làm hẹp phạm vi đối tượng được xem xét, do đó làm gia tăng khả năng một thuật ngữ có thể bị coi là “tên gọi chung” và từ đó tăng khả năng từ chối bảo hộ chỉ dẫn địa lý có chứa tên gọi chung. Cách tiếp cận này dường như đã vượt qua tiêu chuẩn của CPTPP một cách không cần thiết và cũng sẽ khó có thể đạt đến mục tiêu bảo vệ một cách tốt nhất cho các chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.
Trường hợp thứ hai, về dự kiến sửa đổi khoản 3 Điều 80 liên quan đến căn cứ từ chối bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý như sau: “Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm”. Theo cách tiếp cận của Dự thảo thì có thể hiểu ở trường hợp này, việc từ chối bảo hộ là từ chối đương nhiên, tức là nếu một chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ nhưng thuộc trường hợp này sẽ đương nhiên bị từ chối bảo hộ.
Trong khi đó, cam kết CPTPP tại Điều 18.32.b lại quy định “Nếu một Bên bảo hộ hoặc công nhận một chỉ dẫn địa lý theo các thủ tục được đề cập ở Điều 18.31 (Thủ tục hành chính về bảo hộ và công nhận chỉ dẫn địa lý), Bên đó phải quy định các thủ tục cho phép những người có lợi ích liên quan phản đối việc bảo hộ hoặc việc công nhận một chỉ dẫn địa lý, và cho phép bất kỳ việc bảo hộ hoặc việc công nhận nào đều có thể bị từ chối hoặc không chấp nhận, ít nhất trên các cơ sở dưới đây…(b) chỉ dẫn địa lý đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu có trước mà quyền đối với đối tượng đó đã đạt được theo pháp luật của Bên đó”. Theo nội dung cam kết này thì Việt Nam, với tư cách thành viên của CPTPP, chỉ có nghĩa vụ quy định về thủ tục để cho phép phản đối và từ chối, không chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong trường hợp có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Rõ ràng là cách tiếp cận của Dự thảo hiện tại và nội dung cam kết của CPTPP là không giống nhau. Do vậy, việc Dự thảo quy định đây là căn cứ để đương nhiên từ chối bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý là vượt quá mức cam kết của CPTPP. Điều này vô hình chung sẽ tạo ra sự bất hợp lý và bất bình đẳng trong việc xác lập và bảo vệ quyền của chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý trong mối tương quan với quyền của chủ sở hữu nhản hiệu đã được bảo hộ.
Trường hợp thứ ba, Dự thảo đã sửa khoản 1 Điều 205 để phù hợp với cam kết tại Điều 18.74.4 CPTPP về căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên Dự thảo lại không sửa đổi khoản 2 Điều 205 trong khi khoản này hiện chưa phù hợp với Điều 18.74.6- 18.74.9 về mức bồi thường thiệt hại định trước.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 205 Luật SHTT quy định “Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại”
Trong khi đó, Điều 18.74 CPTPP lại quy định:
“Trong thủ tục tố tụng dân sự, đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm, bản ghi âm hoặc buổi biểu diễn, mỗi Bên phải thiết lập hoặc duy trì một hệ thống có một hoặc nhiều quy định dưới đây: (a) các khoản bồi thường thiệt hại định trước để chủ thể quyền có thể lựa chọn; hoặc (b) các khoản bồi thường thiệt hại bổ sung”
Trong thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, mỗi Bên phải thiết lập hoặc duy trì một hệ thống có một hoặc nhiều quy định dưới đây: (a) các khoản bồi thường thiệt hại quy định trước để chủ thể quyền có thể lựa chọn; hoặc (b) các khoản bồi thường thiệt hại bổ sung.”
Như vậy, dường như đang có sự khác nhau giữa pháp luật Việt Nam với cam kết của CPTPP về các trường hợp cho phép xác định thiệt hại định trước và quyền của chủ thể quyền trong xác định mức thiệt hại định trước. Hiện tại, quy định của Luật SHTT đang hẹp hơn đáng kể so với cam kết của CPTPP. Tuy nhiên, Dự thảo hầu như không đề cập gì đến vấn đề này.
Hơn nữa, hầu hết nội dung Dự thảo sửa đổi Luật SHTT lần này được đưa ra dựa trên các cam kết của CPTPP. Những vướng mắc, bất cập của Luật SHTT qua quá trình áp dụng trong suốt gần 15 năm qua hầu như không được xem xét đến.
Một số kiến nghị
Ai cũng hiểu việc sửa đổi các quy định pháp luật nội địa thực thi CPTPP trước hết là nhằm bảo đảm tuân thủ đúng các cam kết trong CPTPP. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng các cam kết CPTPP có nhiều khoảng không gian khá rộng để giải thích, lựa chọn cách thức thực thi thích hợp. Vì vậy, quá trình sửa đổi pháp luật lúc này không chỉ đơn thuần là việc đưa cam kết CPTPP vào thành quy định pháp luật nội địa, mà còn là quá trình phân tích cam kết, nhận diện đầy đủ các phương án khả dĩ, sau đó tham vấn, trao đổi để lựa chọn phương án thích hợp nhất với chúng ta. Đây là công việc không dễ dàng, đòi hỏi không chỉ năng lực chuyên môn mà còn có cả cái tâm của người hoạch định chính sách, cũng cần thiết phải có sự chủ động tham gia ý kiến của các chủ thể chịu tác động như các doanh nghiệp, người dân…
Do đó, người viết cho rằng Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện Dự thảo Luật SHTT sửa đổi theo hướng:
Một là, thay đổi hướng tiếp cận trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi và mở ra nhiều phương án, giải pháp khác nhau cho cùng một vấn đề hay nội dung quy định cần sửa đổi nhằm tạo ra không gian phù hợp cho các chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chia sẻ quan điểm, ý kiến, từ đó giúp xây dựng nên các điều luật mới một cách khoa học, khách quan và có tính khả thi cao nhất.
Hai là, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát một cách kỹ lưỡng các nội dung quy định của Luật SHTT hiện hành để xác định những hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, từ đó tiến hành chỉnh sửa, thay đổi, hoàn thiện một cách quy mô và có hệ thống đối với toàn bộ các quy định của Luật SHTT nói chung chứ không chỉ dừng lại ở việc cập nhật (một cách không đầy đủ và thiếu chính xác) theo các quy định của CPTPP.
Ba là, việc cập nhật, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành cho phù hợp và tương thích với các cam kết quốc tế là bắt buộc và cần thiết. Tuy nhiên, quá trình này phải được thực hiện một cách chính xác, cẩn trọng và cân nhắc một cách toàn diện đến các đặc trưng kinh tế xã hội cũng như trình độ phát triển của nền kinh tế và hệ thống pháp luật của quốc gia, đồng thời đảm bảo tốt nhất lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo công chúng.