Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Thời hạn góp vốn của doanh nghiệp 3 năm là quá dài
Dự thảo Luật Đầu từ và luật Doanh nghiệp đang được công khai lấy ý kiến. Một trong những vấn đề gây tranh cãi tại Dự thảo Luật lần này chính là thời hạn góp vốn của doanh nghiệp.
Trong khi, nhiều quan điểm cho rằng cách thức quản lý đầu tư thông qua giám sát tiền vốn đã trở nên lỗi thời trong thời đại ngày nay, khi đang có rất nhiều các hình thức đầu tư thật sự không cần đến tiền nữa mà thay vào đó là các quyền pháp lý hay thương quyền thì một quan điểm khác lại cho rằng vẫn cần thời hạn góp vốn của doanh nghiệp bởi đây cũng là một quy định bắt buộc các chủ sở hữu, thành viên góp vốn và cổ đông các loại hình doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ góp vốn của mình bởi thời hạn góp vốn của doanh nghiệp ba tháng (quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014) là quá ngắn còn ba năm (Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần 2) là quá dài.
Về vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
-Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định một cách xác quyết rằng thời hạn này phải là 90 ngày kể từ thời điểm doanh nghiệp được thành lập với lý do để chống lại hành vi tiêu cực là khai vốn khống. Sau một thời gian thực hiện, ông đánh giá thế nào về những quy định này?
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định chủ sở hữu, thành viên góp vốn và cổ đông các loại hình công ty có trách nhiệm góp đủ phần vốn đã cam kết trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quá thời hạn này, công ty sẽ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn. Như vậy Luật Doanh nghiệp 2014 đã thống nhất một thời hạn duy nhất về góp vốn vào doanh nghiệp.
Quy định như vậy đã hạn chế được phần nào tình trạng cổ đông sáng lập và thành viên công ty TNHH không góp đủ vốn khi thành lập, làm cho vốn ảo quá nhiều và doanh nghiệp hạch toán ghi nợ cho cổ đông, dẫn đến tình trạng bán cổ phần khi chưa góp vốn thực sự, nhiều người thành lập công ty nhưng thiếu khả năng tài chính, có thể đi lừa đảo người khác.
Tuy nhiên, các quy định về góp vốn này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 90 ngày.
Trường hợp công ty đang hoạt động và có nhu cầu tăng vốn điều lệ, thì chưa có điều luật nào điều chỉnh thời hạn phải góp đủ phần vốn tăng thêm đối với thành viên hoặc cổ đông công ty. Chính vì thế, các doanh nghiệp vẫn có thể lách luật bằng cách đăng ký số vốn điều lệ thấp nhằm đảm bảo việc góp đủ vốn trong vòng 90 ngày, sau khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp tiến hành đăng ký tăng vốn điều lệ. Trong nhiều trường hợp, số vốn điều lệ sau khi tăng là vốn khống, vốn ảo.
-Ông có thể nói rõ hơn về những ưu điểm cũng như hạn chế về thời hạn góp vốn theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014?
Quy định này đã hạn chế được tình trạng khai khống, khai ảo vốn điều lệ. Đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình hoạt động của doanh nghiệp, làm trong sạch, tạo điều kiện phát triển thị trường.
Quy định này cũng nâng cao trách nhiệm thúc đẩy các thành viên thực hiện nghĩa vụ góp vốn của mình để đảm bảo quá trình phát triển xây dựng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thời hạn này là quá ngắn, gây khó khăn cho các thành viên, cổ đông trong việc góp vốn đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn.
Như chúng ta biết, việc kinh doanh phần lớn doanh nghiệp phải đi huy động thêm vốn, việc quy định cứng nhắc là 90 ngày như trên là chưa linh hoạt và chưa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
-Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này đã có những sửa đổi, nâng thời hạn góp vốn của doanh nghiệp lên đến 3 năm, ông nhận đinh thế nào về sự sửa đổi này?
Thời hạn góp vốn được coi là công cụ để hạn chế tình trạng đăng ký vốn khống, vốn ảo như đã xảy ra sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 được ban hành. Với mục tiêu khơi dậy tinh thần lập nghiệp và khuyến khích thành lập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 1999 không quy định chặt chẽ thời hạn góp vốn này. Do vậy, có hiện tượng các doanh nghiệp ào ào đăng ký vốn khống, vốn ảo lên đến hàng vài chục tỉ đồng để giải quyết “cái khâu oai” dù chưa góp đồng nào.
Trước tình trạng đó, Luật Doanh nghiệp 2005 siết thời hạn góp vốn trong công ty cổ phần xuống còn ba tháng kể từ ngày thành lập, nhưng vẫn cho phép thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn được góp vốn điều lệ trong vòng ba năm.
Luật Doanh nghiệp 2014 quyết liệt nhất khi quy định thời hạn góp vốn điều lệ là ba tháng, áp dụng cho cả công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng cần phải có một thời hạn cuối cùng cho việc góp vốn, bởi việc góp đủ vốn là nghĩa vụ cơ bản của thành viên góp vốn hoặc cổ đông và cũng là trách nhiệm của họ với các đối tác khi giao dịch với công ty.
Tại Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này, thời hạn góp vốn của doanh nghiệp nâng từ 90 ngày lên thành ba năm kể từ ngày công ty được thành lập.
Thời hạn ba tháng là quá ngắn tuy nhiên ba năm lại quá dài. Dự thảo cần một thống kê về thời gian góp vốn thực tế của các doanh nghiệp trong thời gian qua để đưa ra một thời hạn hợp lý.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Tranh cãi khái niệm doanh nghiệp nhà nước
06:06, 17/08/2019
Góp ý dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi: “Cần minh bạch thủ tục đầu tư”.
11:33, 30/05/2019
Luật Doanh nghiệp và cổ đông nhỏ
15:00, 15/06/2019
-Vậy, theo quan điểm của ông, thời hạn góp vốn của doanh nghiệp như thế nào là hợp lý?
Theo tôi, thời hạn góp vốn là sáu tháng kể từ thời điểm doanh nghiệp được thành lập là phù hợp.
Thời hạn sáu tháng không hẳn là quá ngắn đủ để các chủ đầu tư, thành viên góp vốn và các cổ đông xoay sở cũng như góp đủ vốn theo tỷ lệ vốn góp của mình như đã quy định.
Sáu tháng cũng không quá dài tránh tình trạng các doanh nghiệp khai khống vốn, vốn ảo, trốn tránh trách nhiệm góp vốn của mình.
Đồng thời cần đưa ra các quy định xử phạt nghiêm các doanh nghiệp cố tình khai khống vốn, khai ảo vốn điều lệ, lợi dụng thời hạn góp vốn dài để tham gia vào các dự án, giao dịch có giá trị lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Quy định xử phạt các thành viên không góp đủ vốn theo như điều lệ công ty.
- Xin cảm ơn ông!