Hoàn thiện khung khổ pháp luật trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng tố tụng tòa án
Như đã nói ở bài trước, cho tới nay, trên cả nước hầu như rất hiếm khi có các tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do ô nhiễm môi trường được giải quyết tại Toà án.
Có thể thấy rằng, với nhiều khiếm khuyết và cản trở trong khung khổ pháp luật hiện hành, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường và Bộ Luật tố tụng dân sự, ngay cả khi có trợ giúp của luật sư, người dân như là nạn nhân và nguyên đơn rất khó theo đuổi các vụ kiện đến cùng và có thể thắng kiện.
Do đó, từ kinh nghiệm và bài học của các vụ án dân sự về môi trường đã được giải quyết, đề xuất và khuyến nghị về hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực thi tập trung vào mười giải pháp như sau:
Thứ nhất, về quyền khởi kiện. Pháp luật nên cho phép tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề luật sư được chủ động khởi kiện bảo vệ lợi ích của nhiều người bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Quyền khởi kiện thay cho bên bị hại này mới được quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng dành cho các Hội bảo vệ người tiêu dùng. Lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng có nhiều đặc điểm tương tự (có số đông người bị hại, với trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế và sự e ngại khởi kiện tranh chấp ra Toà án). Tuy nhiên quyền khởi kiện thay cần được mở rộng cho các tổ chức hành nghề luật sư vì trong là lĩnh vực phức tạp về pháp lý này, các kiến thức chuyên môn sâu là cần thiết.
Thứ hai, về cơ chế nhập án và khởi kiện tập thể. Đối với tranh chấp có nhiều nguyên đơn, yêu cầu cơ quan tố tụng nhập các vụ án làm một để thụ lý, xét xử nếu có cùng tính chất và mục tiêu. Có thể nhập án ngay từ ban đầu khi Toà án tiếp nhận đơn khởi kiện để quyết định thụ lý. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định cơ chế này nhưng lại thiếu các quy định chi tiết để bảo đảm thực thi. Trong các vụ án về môi trường co nhiều đương sự tham gia, nếu không nhập án hay cho phép khởi kiện tập thể, sẽ gây tốn kém rất nhiều nguồn lực và quá tải về xử lý công việc cho các bên, bao gồm cả thẩm phán và luật sư, người làm chứng và giám định viên v.v..
Thứ ba, về nghĩa vụ chứng minh. Đối với tranh chấp ngoài hợp đồng, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không còn yêu cầu xác định lỗi, tuy nhiên vẫn cần chứng minh quan hệ nhân – quả giữa hành vi xâm phạm quyền và thiệt hại. Trong vụ án môi trường, cần quy định nghĩa vụ chứng minh này thuộc về Bị đơn, chẳng hạn doanh nghiệp gây ô nhiễm, theo đó, áp dụng nguyên tắc “suy đoán có lỗi”, chứng minh “không có lỗi”, đồng thời miễn trách nhiệm phải chứng minh cho Nguyên đơn. Lý do là trong các vụ ô nhiễm môi trường, việc chứng minh sự liên quan giữa hành vi gây ô nhiễm và hậu quả, thiệt hại rất khó khăn, phức tạp và tốn kém. So với các nạn nhân là người dân thì doanh nghiệp gây ô nhiễm có năng lực và điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện nghĩa vụ này. Mỗi doanh nghiệp qua đó cũng có sự thúc đẩy để nâng cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của mình.
Thứ tư, về giám định hậu quả, “lỗi” và thiệt hại. Luật Giám định tư pháp chỉ quy định giám định trong tố tụng, do đó, cần bổ sung các quy định giám định ngoài tư pháp hay trước tố tụng để phù hợp với các giai đoạn khác nhau của giải quyết tranh chấp môi trường. Trên thực tế, việc giám định hậu quả cần được thực hiện ngay, càng sớm càng tốt để bảo đảm tính xác thực ngay khi ô nhiễm xảy và/hoặc hậu quả xảy ra. Các nạn nhân hoặc bất cứ ai có thể yêu cầu giám định ngay để có bằng chứng giải quyết tranh chấp và bồi thường. Việc giám định chỉ được thực hiện khi thụ lý, xét xử vụ án sẽ có thể quá muộn và không còn ý nghĩa.
Thứ năm, về chi phí tố tụng. Cần có quy định miễn giảm và/hoặc miễn nghĩa vụ tạm ứng án phí cho vụ án môi trường tương tự như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chi phí giám định lớn cần được hỗ trợ chi trả từ Quỹ bảo vệ môi trường. Chi phí luật sư được hỗ trợ theo Luật Trợ giúp pháp lý. Việc miễn, giảm hoặc không yêu cầu tạm ứng các chi phí tố tụng có ý nghĩa thực tế lớn khi các nạn nhân ô nhiễm môi trường hiện nay chủ yếu là người dân ở nông thôn, có thu nhập thấp. Đây là yếu tố quan trọng để họ quyết định có khởi kiện hay không sau khi đã gánh chịu các thiệt hại do ô nhiễm môi trường.
Thứ sáu, về trợ giúp pháp lý. Cần rà soát để có đề xuất sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Luật sư trong tương lai theo hướng cung cấp trợ giúp pháp lý bắt buộc cho các khởi kiện tập thể đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường.
Thứ bảy, về chế định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Theo Luật xử phạt vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm, Cơ quan chính quyền có thể yêu cầu Người vi phạm khắc phục hậu quả hành vi gây ô nhiễm. Tuy nhiên, trên thực tế, Biên bản thanh tra, xử phạt thường không có phần xác định hậu quả, bao gồm tình trạng suy thoái môi trường và thiệt hại vật chất, ít nhất ở mức độ chung, như thiệt hại thế nào, ở đâu và gây cho ai? Do đó, cần bổ sung quy định khắc phục khiếm khuyết này nhằm hỗ trợ cho hoạt động giải quyết tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại sau đó. Trên thực tế, các nạn nhân ô nhiễm môi trường đang gặp khó khăn khi khởi kiện. Đó là nếu doanh nghiệp gây ô nhiễm chưa bị xử phạt hành chính thì không thể chứng minh vi phạm pháp luật, nếu có quyết định xử phạt nhưng không bao gồm xác định hậu quả và thiệt hại vật chất thì rất khó chứng minh “lỗi” của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp gây ô nhiễm không e sợ các quyết định xử phạt hành chính.
Thứ tám, về trách nhiệm của chính quyền. Nghị định 03/2015 quy định trách nhiệm đánh giá để xác định hậu quả, thiệt hại do ô nhiễm môi trường của các cấp chính quyền, tuy nhiên cần bổ sung quyền của người dân được yêu cầu các cơ quan này cung cấp thông tin về việc đánh giá này. Cũng cần có quy định cụ thể hơn trách nhiệm của UBND xã trong việc hỗ trợ người dân lập Biên bản hành vi gây ô nhiễm, tính toán và kê khai các thiệt hại vật chất, sức khoẻ và tính mạng theo thông lệ tại địa phương.
Ngoài ra, UBND xã cần được coi là Người làm chứng bắt buộc trong các vụ án dân sự về môi trường. Thực tế cho thấy vai trò của UBND xã rất quan trọng bởi nắm sát tình hình đời sống, tài sản của người dân cũng như các hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thái độ của UBND xã hiện nay khá thụ động và tránh né khi ứng xử với các yêu cầu hỗ trợ của người dân.
Thứ chín, về cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hoà giải và trọng tài. Tương tự Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần có quy định pháp luật về các hình thức giải quyết tranh chấp như hoà giải và trọng tài trong lĩnh vực môi trường.
Theo đó, có thể thành lập Hội đồng hoà giải về tranh chấp môi trường thường trực tại các địa phương (cấp tỉnh và huyện) và cơ chế trọng tài vụ việc (ad-hoc) theo sự thoả thuận của các bên tranh chấp. Vấn đề ở chỗ các vụ gây ô nhiễm và tranh chấp thường để lại hậu quả năng nề và phức tạp cho cả hai phía là người dân và doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Cơ chế hoà giải, do đó, sẽ tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp triệt để và khả năng khắc phục hậu quả bền vững hơn. Cơ chế trọng tài cũng thích hợp bởi qua đó sẽ lựa chọn được các chuyên gia am hiểu về kỹ thuật và pháp lý thay cho các hội đồng xét xử tại Toà án không có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn tương ứng.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều bất cập trong bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường bằng tố tụng tòa án
04:30, 02/12/2019
Hậu Lộc (Thanh Hóa): Loạt trang trại xả thải gây ô nhiễm môi trường
23:04, 05/11/2019
Quảng Bình: Nhà máy chế biến mủ cao su cố tình gây ô nhiễm môi trường
12:06, 24/10/2019
Thứ mười, về thủ tục tố tụng rút gọn. Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015 đã quy định về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn. Tương tự Luật Bảo vệ quyền của người tiêu dùng, cần có các quy định cụ thể về áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự trong lĩnh vực môi trường khi có các tình tiết đơn giản và chứng cứ rõ ràng. Các vụ án đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường vừa qua đã kéo dài hàng năm do không được áp dụng cơ chế này.
Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường và các thiệt hại đi kèm ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường theo hướng nâng cao tính khả thi là cần thiết. Xét từ góc độ bảo về các quyền và lợi ích của người dân là nạn nhân của các vụ việc ô nhiễm môi trường, các đề xuất và khuyến nghị sửa đổi pháp luật nói trên chính là nhằm bảo đảm cho luật pháp thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên sự thay đổi về tư duy và tiếp cận trong quản lý và bảo vệ môi trường theo hướng công bằng và bền vững.