Luật sư “mách nước” giảm thiểu tranh chấp hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Hoàng Oanh-Huyền Trang 10/12/2019 11:05

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp khẳng định những tranh chấp liên quan đến việc vi phạm bản quyền nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung vẫn diễn ra phổ biến.

Đáng nói, đối với doanh nghiệp, dù đây là điều không ai mong muốn như lại khó có thể tránh khỏi. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

-Thưa luật sư, ông có đánh giá như thế nào về tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong thời gian qua?

Hiện nay, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang diễn ra với chiều hướng gia tăng, phạm vi rộng hơn và ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Việc vi phạm quyền SHTT có thể tồn tại ở nhiều dạng như vi phạm bản quyền từ những tác phẩm, tin tức trên báo chí, chương trình thể thao, tác phẩm âm nhạc, điện ảnh… hoặc những vi phạm về nhãn hiệu, thương hiệu, vi phạm trong việc sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng nhái, nó có thể tồn tại dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm sáng chế, các giải pháp hữu ích, nhiều động thái cạnh tranh không lành mạnh, tranh chấp quyền SHTT nhãn hiệu.

Mặc dù hiện nay, nước ta có hệ thống quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ như Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 và các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn nhưng những vi phạm, những tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến.

-Ông có thể lấy một số ví dụ về một số tranh chấp điển hình không, thưa ông?

Một số vụ án điển hình có thể kể đến như vụ án Tranh chấp bản quyền tác giả Thần đồng đất Việt giữa họa sĩ Lê Phong Linh và công ty Phan Thị sau hơn 10 năm Tòa án thụ lý, thì mới đây hồi tháng 7/2019, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã quyết định họa sĩ Lê Phong Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh này. Hay mới đây là vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa đạo diễn Việt Tú và Công ty Tuần Châu Hà Nội xung quanh tranh chấp quyền tác giả vở diễn thực ảnh "Thuở ấy Xứ Đoài" vừa được Tòa án nhân cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm hồi giữa tháng 11/2019. Đây điều là những tranh chấp điển hình về quyền tác giả đối với các tác phẩm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Ngoài ra, còn có vụ án tranh chấp điển hình về nhãn hiệu như vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty Foremost Việt Nam và bị đơn là Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu "Trường Sinh" cho sản phẩm sữa đậu nành.

-Xin luật sư cho biết những tổn hại với doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp hoặc có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Trên thực tế, có thể thấy mức độ thiệt hại do việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra cho doanh nghiệp là rất lớn. Điển hình trong mùa Wold Cup 2018 vừa qua, ngày 18/6 VTV đã phải gửi công văn “kêu cứu” Bộ Thông tin và Truyền thông vì bị vi phạm bản quyền quá nhiều, khi ngay trong 3 ngày đầu phát sóng (14-16/6) tình trạng vi phạm bản quyền được đánh giá là rất nghiêm trọng, nhiều website, facebook, youtube… đã ngang nhiên livestream các trận đấu với hơn 700 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, VTV đã phải bỏ ra số tiền hàng triệu USD để mua bản quyền phát sóng.

Hay những trường hợp hàng giả, hàng nhái tràn lan có thể khiến doanh nghiệp lao đao, điêu đứng khi doanh thu có thể bị giảm đáng kể trong khi người dùng lại sử dụng phải hàng giả, hàng nhái, dẫn đến uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Hơn nữa, những thiệt hại về vật chất trong nhiều trường hợp là chưa đủ mà nó có thể thiệt hại nghiêm trọng về chính uy tín, thương hiệu nhiều năm mà doanh nghiệp đã xây dựng.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật sư "vạch mặt" những bất cập trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

    11:00, 17/11/2019

  • Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

    04:30, 03/12/2019

  • Cục Sở hữu trí tuệ tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện dự án bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Cà Mau"

    12:00, 07/10/2019

 -Vậy, theo ông, chúng ta cần làm gì để khắc phục trình trạng tranh chấp hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?

Thứ nhất, để khắc phục tình trạng tranh chấp hoặc những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì trước tiên chính những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình đầu tiên bằng việc tuân thủ đúng quy định pháp luật về việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm, nhãn hiệu, sáng chế, …theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan.

Thứ hai, chúng ta cũng cần khung pháp lý về bảo hộ và phát triển các tài sản trí tuệ bảo đảm tính chính xác, rõ ràng; những cải cách về cơ chế quản lý và hệ thống các biện pháp bảo hộ và phát triển các tài sản trí tuệ theo hướng có sự phân quyền rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị nhằm tránh sự chồng chéo.

Thứ ba, mặc dù hiện nay pháp luật nước ta đã có một hệ thống các quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả tuy nhiên các chế tài cho hành vi vi phạm lại chưa đủ mạnh để răn đe. Nghị định 131/2013/NĐ-CP về việc quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ đưa ra mức phạt tối đa là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức, trong khi tác giả thật sự sẽ có thể bị thiệt hại hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm bản quyền quá nhẹ so với hậu quả mà hành động đó mang đến.

Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, sửa đổi, bổ sung, tăng mức hình phạt để hoàn thiện các văn bản pháp luật xử lý các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả theo hướng thống nhất, dễ áp dụng và có tính răn đe cao hơn.

Thứ tư, cần các biện pháp chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống hàng giả, hàng nhái; cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan của Chính phủ, của các trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, cũng như cộng đồng. Tích cực tuyên truyền phòng ngừa và đấu tranh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thứ năm, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chủ sở hữu để kịp thời phát hiệncác trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý đúng pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết.

Đồng thời, cần nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý, vai trò của cơ quan tư pháp trong việc quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tổ chức xây dựng lực lượng chuyên trách về sở hữu trí tuệ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường cơ sở vất chất kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hoàng Oanh-Huyền Trang