Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp tại trọng tài

TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM 03/02/2020 04:50

Pháp luật trọng tài luôn đặt thời hiệu cho việc yêu cầu giải quyết tranh chấp (tức áp đặt một khoảng thời gian nhất định để các bên được đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài).

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 21 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, “đối với vụ tranh chấp mà pháp luật không quy định thời hiệu khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài là hai năm, kể từ ngày xảy ra tranh chấp”. Tương tự, theo Điều 33 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, “trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”. Về hệ quả của hết thời hiệu, pháp luật về trọng tài không có quy định nhưng Bộ luật dân sự đã theo hướng là các bên mất quyền khởi kiện: “nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” (khoản 3 Điều 154).

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp cần lưu ý về thời gian yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết bất đồng

Tình tiết sự kiện: Công ty N (Nguyên đơn - Bên thuê) ký hợp đồng thuê lại đất và Phụ lục vào năm 2004 với Công ty K (Bị đơn - Bên cho thuê). Sau đó các bên có tranh chấp và các Bên có đưa ra một số yêu cầu trong đó có yêu cầu về bồi thường thiệt hại và yêu cầu chấm dứt hợp đồng do có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Đối với hai yêu cầu này, Hội đồng Trọng tài xác định thời hạn yêu cầu giải quyết đã hết nên Hội đồng Trọng tài không giải quyết.

Trong vụ việc trên, Bên thuê yêu cầu Bên cho thuê bồi thường thiệt hại với lý do “kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Nguyên đơn”. Về chủ đề này, Hội đồng Trọng tài cho rằng thời hiệu yêu cầu là 2 năm nhưng “yêu cầu Bị đơn phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại mình phải gánh chịu với tổng số tiền 5 tỷ đồng đã hết thời hiệu khởi kiện. Do yêu cầu này của Nguyên đơn đã hết thời hiệu nên Hội đồng Trọng tài không xem xét giải quyết”.

Để có kết quả như vừa nêu, Hội đồng Trọng tài đã phân tích như sau: “Theo giải trình của Nguyên đơn thì các thiệt hại Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn phải bồi thường đều phát sinh trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2007. Cũng theo Nguyên đơn, lý do dẫn đến thiệt hại của Nguyên đơn là do Bị đơn vi phạm nghĩa vụ hoàn thiện cơ sở hạ tầng của khu đất Nguyên đơn thuê trong Khu công nghiệp Q.

Lẽ ra, khi phát hiện mình phải gánh chịu các thiệt hại do cơ sở hạ tầng của khu đất thuê chưa hoàn thiện và sau khi yêu cầu Bị đơn phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng và không được Bị đơn đáp ứng thì Nguyên đơn phải nộp đơn yêu cầu VIAC giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhưng đến tận ngày 28/11/2011 Nguyên đơn mới nộp Đơn khởi kiện tới VIAC, trong đó có nội dung yêu cầu Bị đơn bồi thường các thiệt hại phát sinh do cơ sở hạ tầng của khu đất thuê chưa hoàn thiện.

Trước khi Nguyên đơn nộp Đơn khởi kiện tới VIAC thì không có bất cứ chứng cứ nào thể hiện Nguyên đơn đã yêu cầu Bị đơn phải bồi thường các thiệt hại cụ thể mà mình phải gánh chịu trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2007. Nếu tính từ ngày cuối cùng của năm 2007 (là năm cuối cùng của khoảng thời gian phát sinh thiệt hại cho Nguyên đơn) đến ngày nộp Đơn khởi kiện (ngày 28/01/2011) thì đã quá thời hạn 2 năm”.

Có thể bạn quan tâm

  • Phân biệt luật điều chỉnh hợp đồng và luật điều chỉnh tố tụng

    Phân biệt luật điều chỉnh hợp đồng và luật điều chỉnh tố tụng

    11:05, 31/01/2020

  • Xác định yếu tố nước ngoài trong quan hệ hợp đồng

    Xác định yếu tố nước ngoài trong quan hệ hợp đồng

    11:05, 26/01/2020

  • Hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp văn bản pháp luật thay đổi

    Hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp văn bản pháp luật thay đổi

    12:05, 25/01/2020

  • Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Phải có thỏa thuận

    Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng: Phải có thỏa thuận

    11:01, 01/12/2019

  • Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng

    Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng

    14:23, 25/11/2019

Vẫn trong vụ việc trên, Bên cho thuê có Đơn kiện lại theo hướng “chấm dứt hợp đồng thuê lại và Phụ lục hợp đồng”. Về chủ đề này, Hội đồng Trọng tài cho rằng “Bị đơn yêu cầu Nguyên đơn chấm dứt hợp đồng thuê lại và Phụ lục hợp đồng thuê lại với lý do Nguyên đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán quá thời hạn quy định tại Điều 2.2 của Phụ lục hợp đồng thuê lại đất; Nguyên đơn cho người khác (Công ty TTV) sử dụng lô đất.

Theo ý kiến của Bị đơn thì Nguyên đơn đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, giai đoạn 2005 - 2009. Khi bị vi phạm tiến độ thanh toán, Bị đơn không chính thức gửi văn bản yêu cầu Nguyên đơn chấm dứt hợp đồng thuê lại và Phụ lục hợp đồng thuê lại. Mặt khác, khi biết được (và buộc phải biết) người sử dụng diện tích đất thuê là Công ty TTV, Bị đơn cũng không yêu cầu Nguyên đơn phải chấm dứt hợp đồng để giao lại diện tích cho Bị đơn.

Trong Đơn kiện lại ngày 02/06/2011, Bị đơn mới chính thức yêu cầu VIAC buộc Nguyên đơn chấm dứt hợp đồng thuê lại và Phụ lục hợp đồng thuê lại, buộc Nguyên đơn nhanh chóng di dời nhà máy và các tài sản khác thuộc sở hữu của Nguyên đơn và/hoặc Công ty TTV ra khỏi diện tích đất mà Nguyên đơn đã thuê với lý do Nguyên đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán quá thời hạn quy định tại Điều 2.2 của Phụ lục hợp đồng thuê lại đất; Nguyên đơn cho người khác sử dụng lô đất. Như vậy, yêu cầu của Bị đơn buộc Nguyên đơn chấm dứt hợp đồng thuê lại và Phụ lục hợp đồng thuê lại đã hết thời hiệu. Do đó, Hội đồng Trọng tài không xem xét yêu cầu này”.

Như vậy, yêu cầu của Nguyên đơn (về bồi thường thiệt hại) và yêu cầu của Bị đơn (về chấm dứt hợp đồng) không được Hội đồng xem xét (Hội đồng Trọng tài không phán xét là ai đúng, ai sai) với lý do đơn giản là thời hạn luật định để yêu cầu Trọng tài giải quyết là đã hết. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý về thời gian yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết bất đồng. Doanh nghiệp cần yêu cầu trong thời hạn luật định nếu muốn được cơ quan tài phán giải quyết, nếu không thì yêu cầu không được xem xét mặc dù có yêu cầu và đóng các phí liên quan.

TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM