Thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường độc quyền

Luật sư Phạm Hoài Huấn 16/02/2020 12:01

Trong kinh doanh, các doanh nghiệp luôn quan tâm đến hai yếu tố là doanh thu biên và chi phí biên.

Nhưng tùy mô hình thị trường (cạnh tranh hoàn hảo hay độc quyền) doanh nghiệp sẽ có điểm tối đa hóa lợi nhuận khác nhau. 

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo

Thị trường cạnh tranh (hoàn hảo) là thị trường có ba đặc tính cơ bản sau đây:

  • Có nhiều người mua và người bán trên thị trường;
  • Hàng hóa được bán bởi những người bán này về cơ bản là như nhau;
  • Doanh nghiệp được tự do gia nhập và rút lui khỏi thị trường.

Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp luôn quan tâm đến hai yếu tố là doanh thu biên và chi phí biên. Tuy vậy, tùy mô hình thị trường (là cạnh tranh hoàn hảo hoặc độc quyền) mà doanh nghiệp sẽ có điểm tối đa hóa lợi nhuận khác nhau. Trong thị trường cạnh tranh, có thể xem xét cách doanh nghiệp xác định điểm tối đa hóa lợi nhuận thông qua sơ đồ sau:

Hình minh họa này được lấy từ nguồn: N. Gregory Mankiw (2011), Principles of Economics, 6th edition, Cengage Learning, trang 284.

Hình minh họa này được lấy từ nguồn: N. Gregory Mankiw (2011), Principles of Economics, 6th edition, Cengage Learning, trang 284.

Theo đó, đường chi phí của doanh nghiệp (cost curves) sẽ có ba yếu tố: 

Đường chi phí biên (The marginal-cost curve - MC) là một đường dốc lên. Đường chi phí bình quân (The average-total-cost curve - ATC) là một đường hình chữ U. Đường chi phí biên sẽ cắt ngang chi phí bình quân tại điểm tối thiểu của ATC. Hình trên cũng biểu thị một đường nằm ngang tại giá thị trường (the market price - P). P là đường nằm ngang là bởi trong thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp là người chấp nhận giá. Mức giá đầu ra của doanh nghiệp sẽ tương ứng với tổng sản lượng mà doanh nghiệp quyết định cung ứng. Cho nên, giá sẽ bằng với doanh thu bình quân (Average revenue - AR) và doanh thu biên của nó (Marginal Revenue - MR).

Nhìn vào hình trên để tìm sản lượng đầu ra nhằm đạt được lợi nhuận tối đa. Hãy hình dung rằng doanh nghiệp đang sản xuất với sản lượng là Q1. Tại mức sản lượng này, doanh thu biên lớn hơn chi phí biên. Nghĩa là, nếu doanh nghiệp gia tăng sản lượng lên 1 đơn vị, thì doanh thu tăng thêm (MR1) sẽ vượt quá chi phí tăng thêm (MC1). Lợi nhuận, bằng tổng doanh thu trừ tổng chi phí. Do đó, nếu doanh thu biên một khi lớn hơn chi phí biên, như tại điểm Q1, thì doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách sản xuất nhiều hơn.

Nguyên lí tương tự, khi tiến hành phân tích đối với điểm Q2. Khi đó, chi phí biên lớn hơn doanh thu biên. Nếu doanh nghiệp giảm 1 đơn vị sản lượng, chi phí tiết kiệm được (MC2) sẽ nhiều hơn doanh thu mất đi (MR2). Theo đó, nếu doanh thu biên ít hơn chi phí biên, như tại Q2, doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách giảm sản xuất.

Vậy thì, quá trình điều chỉnh sản lượng này khi nào thì kết thúc? Hãy nhìn nhận doanh nghiệp bắt đầu với mức sản lượng thấp (như Q1) hay mức sản lượng cao (như Q2), doanh nghiệp sẽ điều chỉnh sản lượng sao cho tổng sản lượng sẽ đạt đến mức Qmax. Phân tích này rút ra ba qui tắc chung cho việc tối đa hóa lợi nhuận:

  • Nếu doanh thu biên lớn hơn chi phí biên, doanh nghiệp nên gia tăng sản lượng
  • Nếu chi phí biên lớn hơn doanh thu biên, doanh nghiệp nên giảm sản lượng
  • Tại mức sản lượng đạt lợi nhuận tối đa, doanh thu biên và chi phí biên là bằng nhau.

Thị trường độc quyền

Thị trường độc quyền là thị trường mà trong đó doanh nghiệp không có những đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp độc quyền sẽ có tác động đến mức giá đối với các sản phẩm mà mình sản xuất ra. Trong khi doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh là người chấp nhận giá thì doanh nghiệp độc quyền là người quyết định giá.

Điểm khác biệt cơ bản giữa một doanh nghiệp cạnh tranh và doanh nghiệp độc quyền chính là khả năng tác động đến giá của hàng hóa. Một doanh nghiệp cạnh tranh là quá nhỏ trong tương quan với thị trường mà nó đang hoạt động, cũng vì thế mà nó không có năng lực để tác động đến giá. Doanh nghiệp phải chấp nhận mức giá được quyết định bởi các điều kiện của thị trường. Ngược lại, bởi vì doanh nghiệp độc quyền là nhà sản xuất duy nhất trên thị trường, nó có thể thay đổi giá hàng hóa bằng cách điều chỉnh sản lượng mà nó cung cấp ra thị trường.

Hình minh họa này được lấy từ nguồn: N. Gregory Mankiw (2011), Principles of Economics, 6th Edition, Cengage Learning, trang 307

Hình minh họa này được lấy từ nguồn: N. Gregory Mankiw (2011), Principles of Economics, 6th Edition, Cengage Learning, trang 307

Hãy hình dung rằng doanh nghiệp đang sản xuất ở sản lượng là Q1. Trong trường hợp này, chi phí biên nhỏ hơn doanh thu biên. Nếu doanh nghiệp gia tăng một đơn vị sản phẩm, thì phần doanh thu tăng thêm sẽ nhiều hơn chi phí tăng thêm mà doanh nghiệp bỏ ra và như thế, lợi nhuận sẽ gia tăng. Như vậy, khi mà chi phí biên thấp hơn doanh thu biên, doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách sản xuất nhiều hơn.

Cách tiếp cận cũng tương tự, nhưng bắt đầu từ nơi có sản lượng cao, như Q2. Trong trường hợp này, chi phí biên cao hơn doanh thu biên. Nếu doanh nghiệp cắt giảm sản lượng một đơn vị, chi phí cắt giảm được sẽ nhiều hơn doanh thu bị mất đi. Cho nên, trong trường hợp chi phí biên cao hơn doanh thu biên, doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách giảm sản lượng.

Sau cùng, doanh nghiệp có thể điều chỉnh qui mô sản xuất khi lượng cung đạt đến mức Qmax, nơi mà doanh thu biên bằng chi phí biên. Như vậy, mức sản lượng mà nhà độc quyền đạt lợi nhuận tối đa được xác định bởi giao điểm của đường doanh thu biên và đường chi phí biên. Trong hình 2 thì giao điểm đó chính là điểm A.

Như trên đã đề cập, doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh cũng sẽ chọn tổng sản lượng cung ứng ra thị trường tại nơi mà doanh thu biên bằng chi phí biên. Để tối đa hoá lợi nhuận, nguyên tắc này áp dụng với cả doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh và thị trường độc quyền. Nhưng có một điểm khác biệt căn bản giữa hai mô hình thị trường cạnh tranh và độc quyền: Doanh thu biên trong thị trường cạnh tranh bằng giá, trong khi doanh thu biên trong thị trường độc quyền nhỏ hơn giá.

Vấn đề là làm thế nào để doanh nghiệp độc quyền có thể xác định được mức giá để đạt được lợi nhuận tối đa? Đường cầu sẽ trả lời cho câu hỏi này, bởi vì đường cầu liên quan đến tổng sản lượng mà người tiêu dùng sẵn lòng thanh toán để mua được sản phẩm. Như vậy, sau khi doanh nghiệp độc quyền đã xác định sản lượng bằng với doanh thu biên và chi phí biên, nó sẽ dùng đường cầu để xác định mức giá cao nhất mà nó có thể định giá đối với mức sản lượng vừa xác định. Trong hình 2 ở trên, mức giá đạt lợi nhuận tối đa là B.

Trong thị trường độc quyền, doanh nghiệp không có đường cung. Bởi, đường cung chỉ ra rằng tổng sản lượng mà doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng tại bất cứ mức giá nào được xác định trước. Trong thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp là người chấp nhận giá, nhưng là một doanh nghiệp độc quyền thì nó là người thiết lập giá. Hầu như không có ý nghĩa gì khi hỏi tổng sản lượng mà doanh nghiệp độc quyền sản xuất tại bất kì mức giá nào bởi vì doanh nghiệp độc quyền đã thiết lập mức giá cùng lúc với việc lựa chọn sản lượng để cung cấp trên thị trường.

Bài tiếp: Lợi nhuận độc quyền và động cơ tiến hành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Luật sư Phạm Hoài Huấn