Tác động của thỏa thuận sử dụng giá để hạn chế cạnh tranh
Nhìn từ góc độ kinh tế, các thỏa thuận thống nhất hành động giữa các doanh nghiệp triệt tiêu hành động độc lập giữa các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận.
Bản chất của các thỏa thuận sử dụng giá (TTSDG) để hạn chế cạnh tranh (HCCT) là giả lập vị trí của doanh nghiệp độc quyền và hành động theo cách của doanh nghiệp độc quyền. Mặt khác, bằng việc cộng gộp sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận HCCT, cũng giúp cho doanh nghiệp có thể cùng nhau thực hiện những hoạt động mang tính thúc đẩy các cạnh tranh trên thị trường. Cho nên, đánh giá tác động của TTSDG để HCCT phải đánh giá trên cả hai phương diện tác động hạn chế cạnh tranh và tác động thúc đẩy cạnh tranh.
Tác động hạn chế cạnh tranh
Các thỏa thuận HCCT đã hạn chế cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận. Các thỏa thuận qua đó đã bóp méo các qui luật vận động vốn có của thị trường. Hai đối tượng bị tác động bởi các thỏa thuận này là người tiêu dùng và các doanh nghiệp cạnh tranh không phải là một trong các bên của thỏa thuận.
Người tiêu dùng là đối tượng bị tác động mạnh mẽ bởi các TTSDG. Bởi họ sẽ không được hưởng mức giá tốt mà doanh nghiệp cung cấp khi họ phải chịu áp lực cạnh tranh trên thị trường. Có thể nói: sản lượng giảm, giá tăng là yếu tố mấu chốt trong các TTSDG. Để đánh giá hiệu quả của các mô hình thị trường đối với xã hội, kinh tế học sử dụng khái niệm thặng dư của xã hội. Theo đó tổng thặng dư xã hội được xác định bằng tổng thặng dư sản xuất cộng với tổng thặng dư tiêu dùng.
- Thặng dư của tiêu dùng được hiểu là phép trừ của số tiền mà người mua sẵn sàng trả cho hàng hóa với số tiền họ phải thực sự chi trả. Nó đo lường lợi ích mà người mua nhận được từ việc mua hàng.
- Thặng dư của sản xuất là số tiền mà người bán được thanh toán sau khi trừ đi chi phí sản xuất. Thặng dư của sản xuất đo lường lợi ích mà người bán nhận được từ việc gia nhập thọ trường.
Doanh nghiệp độc quyển sẽ sản xuất tại điểm mà doanh thu biên bằng chi phí biên. Vì thế giá và sản lượng lần lượt sẽ là Pm và Qm. Trong thị trường cạnh tranh, giá phải bằng chi phí biên. Vì vậy giá và sản lượng sẽ là Pc và Qc, được xác định tại giao điểm của đường doanh thu bình quân (cũng là đường cầu) và đường chi phí biên.
Giờ sẽ xem xét thặng dư xã hội thay đổi như thế nào nếu chúng ta thay đổi từ mức giá cạnh tranh Pc sang mức giá độc quyền Pm thông qua sơ đồ sau:
[Hình minh hoạ này được lấy từ nguồn: Robert S. Pindyck, Daniel L. Rubinfeld (2013), Microeconomics, 8th Edition, Pearson, trang 378]
Trong thị trường độc quyền, giá cao nên cầu sẽ giảm. Bởi vì mức giá cao, người tiêu dùng sẽ bị mất thặng dư tiêu dùng chính là hình chữ nhật A. Những người dùng không mua hàng ở giá Pm mà chỉ mua hàng ở mức giá Pc cũng bị mất thặng dư tiêu dùng, chính là tam giác B. Tổng tổn thất của thặng dư của tiêu dùng sẽ là A + B. Nhà sản xuất, sẽ nhận được phần hình chữ nhật A do bán với giá cao hơn nhưng sẽ mất phần tam giác C, phần lợi nhuận có được khi bán lượng hàng (Qc – Qm) tại mức giá Pc. Như vậy, tổng thặng dư mà nhà độc quyền có được sẽ là A – C. Như vậy ta có: tổn thất của xã hội sẽ là B + C. Đây chính là tổn thất xã hội của sức mạnh độc quyền.
Như vậy, hệ quả của các TTSDG không chỉ làm người tiêu dùng phải mua hàng với giá cao hơn, mà quan trọng hơn các TTSDG đã góp phần làm cho việc phân bổ tài nguyên trong xã hội không hiệu quả.
Các doanh nghiệp khác hoạt động trên cùng thị trường liên quan nhưng không phải là một trong các bên của TTSDG (doanh nghiệp đối thủ) cũng là một đối tượng bị tác động bởi các TTSDG. Bởi như trên đã phân tích, khuynh hướng củng cố và/ hoặc mở rộng thị phần trên thị trường liên quan là một trong những động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp tiến hành các thỏa thuận HCCT, trong đó công cụ giá là một công cụ đắc lực để đạt đến mục đích này. Bằng việc cộng gộp sức mạnh từ tất cả các doanh nghiệp, các TTSDG nhằm mục đích loại bỏ đối thủ ra khỏi thị trường liên quan đã gây nên sức ép lớn lên hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp đối thủ. Sức ép đó không chỉ dừng lại ở mức lợi nhuận bị suy giảm mà nghiêm trọng hơn, các doanh nghiệp này không thể tham gia thị trường, mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc thậm chí là buộc phải rời khỏi thị trường liên quan.
Nhìn từ góc độ quản lý kinh tế, thỏa thuận HCCT có thể làm cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trở nên kém hiệu quả. Thông qua việc giới hạn hoặc loại bỏ cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước không có động cơ và sức ép để thay đổi công nghệ hoặc cải tiến qui trình sản xuất nhằm tối ưu chi phí sản xuất. Nghiêm trọng hơn, nếu các thỏa thuận HCCT xảy ra ở thị trường nguyên nhiên liệu cơ bản, đóng vai trò là nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất khác, các thỏa thuận này có thể làm cho các ngành sản xuất đó bị ảnh hưởng thông qua việc gia tăng chi phí sản xuất. Cho nên có thể nói một thị trường cạnh tranh có thể gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, gia tăng việc sử dụng lao động cũng như thiết lập nên tiêu chuẩn cuộc sống ở mức độ cao hơn.
Tác động thúc đẩy cạnh tranh
Tác động thúc đẩy cạnh tranh của các TTSDG được nhìn nhận từ góc độ tính kinh tế của qui mô. Theo đó, tính kinh tế của qui mô được hiểu là chi phí sản xuất trung bình trong dài hạn của doanh nghiệp sẽ giảm khi qui mô sản xuất gia tăng. Có nhiều hoạt động cần có sự phối hợp nguồn lực bởi các doanh nghiệp trong ngành. Việc tự thân mỗi doanh nghiệp tiến hành các hoạt động mang tính độc lập, xét về khía cạnh kinh tế trong nhiều trường hợp là không tối ưu. Bằng việc cho phép các doanh nghiệp được tham gia các thỏa thuận phối hợp hành động, có thể tạo ra những sản phẩm mới, thúc đẩy giá trị sản xuất và qua đó gia tăng phúc lợi tiêu dùng. Có hai yếu tố cần được xem xét khi đánh giá khía cạnh thúc đẩy cạnh tranh của các thỏa thuận liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới: Thông qua các thỏa thuận hành động, doanh nghiệp không chỉ có thể cộng gộp nguồn lực, phát huy giá trị của qui luật về tính kinh tế của qui mô mà quan trọng hơn cũng chính hoạt động này cũng đã góp phần chia sẻ rủi ro cho toàn bộ hoặc phần lớn các doanh nghiệp trong ngành, trong trường hợp hoạt động này bị thất bại.
Có thể bạn quan tâm
Các công cụ chiến lược trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
04:30, 18/02/2020
Lợi nhuận độc quyền và động cơ tiến hành thỏa thuận hạn chế cạnh tranh
04:30, 17/02/2020
Thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường độc quyền
12:01, 16/02/2020
Một trong các điều kiện quan trọng để doanh nghiệp có thể tiến hành các hành vi TTSDG đó là họ phải tạo được sự tương đồng về sản phẩm. Sự tương đồng này được hiểu là việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, thống nhất các điều kiện về giao hàng bảo hành, thống nhất các điều kiện thanh toán...Nhưng cũng thông qua việc thống nhất hóa này nó góp phần làm cho thị trường trở nên minh bạch và thống nhất được tiêu chuẩn sản xuất. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, các yếu tố này cũng là những yếu tố mang tính tích cực.
Tóm lại, tác động chủ yếu của các TTSDG về cơ bản là làm xáo trộn các qui luật của thị trường, thặng dư tiêu dùng nói riêng và thặng dư xã hội giảm. Nhưng cũng chính từ quá trình thỏa thuận, các TTSDG trong những điều kiện nhất định cũng phần thúc đẩy cạnh tranh thông qua thống nhất hóa các điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn hóa sản phẩm mà minh bạch thông tin thị trường. Chính hai khía cạnh đan xen này, đã làm cho việc kiểm soát các TTSDG trở nên hết sức phức tạp. Yêu cầu về mặt lý luận là phải làm sao ngăn ngừa các tác động gây hại nhưng đặt trong tương quan so sánh với ý nghĩa thúc đẩy cạnh tranh mà các thỏa thuận mang lại. “Cơ quan cạnh tranh phải phân biệt các hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi thúc đẩy cạnh tranh hoặc chí ít là các hành vi mang cả hai khía cạnh này. Một chính sách quá hạn chế sẽ ngăn cản hành vi cạnh tranh có lợi; một chính sách quá lỏng lẻo sẽ cho phép đối thủ cạnh tranh ngăn chặn sự cạnh tranh, tăng giá và giảm sản lượng, do đó làm tổn thương cả người tiêu dùng và nền kinh tế”.