[COVID-19] Phải truy cứu trách nhiệm hình sự vụ sếp đánh tráo nhân viên cách ly thay

Đỗ Huyền 10/03/2020 04:50

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng phải truy cứu trách nhiệm hình sự việc Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió tại tỉnh Quảng Trị đưa nhân viên đi cách ly thay để trốn cách ly

Thông tin trên báo chí cho biết chiều 9/3, ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh viêm phổi COVID-19 tỉnh, xác nhận cho biết 1 trong 4 trường hợp cách ly sau khi đi trên chuyến bay từ Hà Nội vào Huế có bệnh nhân COVID-19 đã bị đánh tráo.

Tỉnh Quảng Trị thực hiện cách ly những người đi cùng chuyến bay từ Hà Nội vào Huế với bệnh nhân Covid-19 thứ 30.

Tỉnh Quảng Trị thực hiện cách ly những người đi cùng chuyến bay từ Hà Nội vào Huế với bệnh nhân Covid-19 thứ 30.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội hành vi cho người đi cách lý thuê trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát, khó kiểm soát như hiện nay thì nguy cơ “vỡ trận” là rất cao. Việc này, nếu không cẩn thận có thể anh hưởng đến tồn vong của cả một quốc gia, dân tộc chứ không chỉ là đơn giản là chuyện gian dối, khôn lỏi trong đời sống thường ngày của một số người kém phẩm chất.

Cũng theo Luật sư Cường hành vi đánh tráo người cách ly chính là hành vi trốn tránh cách ly, hành vi này là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2  Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức xử phạt có thể đến 10.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, nếu người trốn tránh cách ly mà sau đó nhiễm bệnh COVID-19, biết việc trốn tránh cách ly có thể làm lây lan dịch bệnh nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả bệnh dịch truyền nhiễm lây truyền sang người khác có thể xảy ra thì người trốn tránh cách ly làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức xử phạt có thể lên đến 12 năm tù.

Luật sư Cường cũng cho biết với người chấp nhận thay thế người khác để thực hiện thủ tục cách ly thì đây là hành vi hết sức nguy hiểm, người này hoàn toàn có thể lây nhiễm chéo từ những người khác và sau đó có thể nguy cơ lây lan sang những người thân, người khác sau thời điểm kết thúc cách ly: Ví dụ khi vào khu cách ly (nơi có nguy cơ nhiễm bệnh, nơi có thể có mầm bệnh...) thì vài ngày sau người này mới bị nhiễm virut, đang thời kỳ ủ bệnh, khi đó đã hết thời gian cách ly và người này được trở về nhà, khi đó người này có thể mang mầm bệnh và lây bệnh cho người khác.

Bởi vậy nếu sau thời điểm cách ly, người này mắc bệnh và làm lây truyền bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác thì người này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điều 240 bộ luật hình sự”, ông Cường nói.

Ngoài ra, nếu người được thay thế bị nhiễm bệnh và lây lan dịch bệnh cho người khác thì người này (người cách ly thay) cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với người được thay thế về tội danh theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.

Còn trường hợp cả hai người sau thời điểm cách ly đều không nhiễm bệnh, không lây truyền dịch bệnh cho người khác thì cả hai người này đều bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 176 về hành vi trốn tránh cách ly và hành vi khai báo gian dối về dịch bệnh với mức xử phạt đến 10.000.000 đồng...

Tuy nhiên về mặt đạo đức thì dù không gây hậu quả nghiêm trọng, không làm lây lan bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19 thì hành vi này cũng rất đáng lên án.

Nếu nhiều hành vi như thế này diễn ra thì xã hội sẽ loạn, không thể kiểm soát được dịch bệnh, bởi vậy đây là hành vi hết sức nguy hiểm trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát như thế này. Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trước đó, như báo chí đã thông tin vào chiều 9/3, ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh viêm phổi COVID-19  tỉnh, xác nhận cho biết 1 trong 4 trường hợp cách ly sau khi đi trên chuyến bay từ Hà Nội vào Huế có bệnh nhân COVID-19 đã bị đánh tráo.

Người tự ý đánh tráo là ông L.T.H., Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty đang thực hiện dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa.

Lúc được yêu cầu thực hiện cách ly, người này cho nhân viên cách ly thay mình. Khi cơ quan chức năng phát hiện ông này đã tự nguyện ra trình diện và cách ly. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc”, một lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị thông tin với báo chí.

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] Việt Nam sẽ “vỡ trận” nếu…

    21:30, 09/03/2020

  • UBND thành phố Thanh Hóa có chủ tịch mới

    16:15, 09/03/2020

  • [COVID-19] Phép thử của Tự Nhiên, giúp chúng ta nhận ra bản chất của con người

    16:33, 09/03/2020

  • [COVID-19] Bệnh nhân thứ 17 “lọt lưới” và nguy cơ lây nhiễm trên máy bay

    16:59, 09/03/2020

  • [COVID-19] Khách sạn Metropole bị phong toả... nhầm?

    17:17, 09/03/2020

Còn ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cũng xác nhận sự việc "ông H. bị phát hiện không trung thực và đã tự nguyện ra trình diện, cách ly cùng 4 người khác vào sáng 9/3. Những người này đã được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả”.

Đến nay địa phương đang cách ly 5 trường hợp tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị.

Trước đó, ông H và 3 hành khách trú tại Hà Nội đã đi cùng chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Huế ngày 6/3. Trên chuyến bay này có bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 30 đang cách ly tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Bốn hành khách khi xuống sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) đã đi xe riêng từ sân về thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tối 8/3, cơ quan chức năng đã liên lạc được với 4 người này đưa về cách ly tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị để theo dõi. Tuy nhiên, ông H. đã để nhân viên đi cách ly thay mình.

Đỗ Huyền