Tiền giao nhận là tiền trả trước nên không áp dụng đặt cọc

Theo VIAC 16/03/2020 04:30

Nếu các bên không coi khoản tiền đã giao nhận là tiền đặt cọc thì không nên sử dụng từ "đặt cọc" và nêu rõ là tiền trả trước để không gây khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Tình tiết sự kiện: Công ty S (Nguyên đơn) ký hợp đồng dịch vụ với Công ty N (Bị đơn). Thực tế, Nguyên đơn đã chuyển cho Bị đơn một khoản tiền (bằng 50% giá trị hợp đồng dịch vụ). Sau đó các Bên có tranh chấp và bất đồng với nhau về bản chất của khoản tiền này. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xác định khoản tiền giao nhận “được coi là tiền trả trước và không phải là tiền cọc”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong hoạt động thương mại, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp, ngay sau khi giao kết hợp đồng, một bên giao cho bên kia một khoản tiền. Sau đó các bên có bất đồng quan điểm về bản chất của quan hệ giao tiền. Thường thì bên giao tiền coi đây là đặt cọc (như trong vụ việc trên Nguyên đơn coi là tiền cọc) và bên nhận tiền không coi đây là đặt cọc mà chỉ coi là tiền trả trước (như trong vụ việc trên, Bị đơn cho rằng giữa các bên “không có bất kỳ khoản tiền nào được gọi là tiền cọc”).

Việc xác định bản chất quan hệ nêu trên kéo theo hệ quả pháp lý khác nhau. Chẳng hạn, nếu bên nhận tiền không thực hiện đúng hợp đồng và đây chỉ là tiền trả trước thì bên nhận tiền phải hoàn trả tiền đã nhận (và không chịu phạt cọc từ việc nhận khoản tiền này). Ngược lại, trong trường hợp đây là tiền đặt cọc, Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.

Về tiêu chí xác định khoản tiền giao nhận là “tiền cọc” hay “tiền trả trước”, Bộ luật dân sự năm 2005 không rõ ràng nhưng Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 quy định tại Điều 29 rằng “trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước”. Ở đây, nếu các bên “không xác định rõ là tiền đặt cọc” thì đây được coi là tiền trả trước nhưng khái niệm “không xác định rõ là tiền đặt cọc” lại không rõ vì một thứ có thể “rõ” với người này nhưng lại “không rõ” với người khác.

Trong vụ việc trên, hợp đồng có đoạn “Trường hợp dự án không thể thực hiện đúng vào ngày 31/12/2014 (…), bên A sẽ không thanh toán bất kỳ chi phí dịch vụ nào trong điều khoản thanh toán cho bên B và bên B phải hoàn trả lại 50% giá trị hợp đồng tiền đặt cọc mà bên A đã thanh toán cho bên B sau khi ký hợp đồng”. Ở đoạn này, chúng ta thấy các bên dùng từ “tiền đặt cọc” và Nguyên đơn theo hướng đây là đặt cọc còn Bị đơn theo hướng đây không là đặt cọc. Về phía mình, Hội đồng Trọng tài xác định “về bản chất, việc Nguyên đơn chuyển cho Bị đơn tiền không phải là nhằm bảo đảm giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự” và “các Bên không đặt ra cơ chế xử lý tiền cọc, bồi hoàn gấp đôi tiền cọc theo khoản 2 Điều 358 của Bộ luật dân sự năm 2005, mà chỉ đề ra thu hồi lại số tiền thanh toán trước do Bị đơn chưa thực hiện đúng nội dung hợp đồng”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài xác định số tiền trên “được coi là tiền trả trước mà không phải là tiền cọc”.

Đặt cọc được xác lập sau khi hợp đồng được giao kết thì chỉ “để bảo đảm thực hiện hợp đồng”. Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thì việc đặt cọc này phải có nội hàm hướng bên nhận tài sản tới việc thực hiện hợp đồng, tức phải có nội dung “răn đe” để bên nhận thực hiện hợp đồng. Sự răn đe này có thể được nêu trong thỏa thuận và trong trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật đã có quy định như khoản 2 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005, khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định “nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Do đó, đôi khi các bên chỉ xác định là “tiền đặt cọc” và không nói về sự răn đe thì Tòa án vẫn coi là đặt cọc (vì sự răn đe đã được luật hóa nếu không có thỏa thuận khác).

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền giao nhận là tiền đặt cọc nên áp dụng quy định về đặt cọc

    Tiền giao nhận là tiền đặt cọc nên áp dụng quy định về đặt cọc

    04:30, 15/03/2020

  • Xác định việc thiếu hàng so với hợp đồng

    Xác định việc thiếu hàng so với hợp đồng

    04:30, 10/03/2020

  • Phân biệt luật điều chỉnh hợp đồng và luật điều chỉnh tố tụng

    Phân biệt luật điều chỉnh hợp đồng và luật điều chỉnh tố tụng

    11:05, 31/01/2020

  • Hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp văn bản pháp luật thay đổi

    Hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp văn bản pháp luật thay đổi

    12:05, 25/01/2020

Trong vụ việc trên, các bên đã nêu là “tiền đặt cọc” nhưng tại sao Hội đồng Trọng tài lại không coi là đặt cọc? Thực ra, ngoài việc nêu “tiền đặt cọc”, các bên còn thể hiện tại đoạn trên của hợp đồng rằng khi bên B (Bị đơn) không thực hiện đúng hợp đồng thì “bên B phải hoàn trả lại 50% giá trị hợp đồng tiền đặt cọc”. Cơ chế xử lý theo ý chí của các bên như vừa nêu không thể hiện tính “răn đe” đối với B vì, khi không thực hiện đúng hợp đồng, bên nhận tiền chỉ phải hoàn trả lại 50% giá trị hợp đồng tiền đặt cọc. Chính yếu tố vừa nêu đã loại trừ bản chất “đặt cọc” của khoản tiền giao nhận cho dù trong hợp đồng có từ “đặt cọc” (đối với Bên B). Ở đây, nếu các bên chỉ nêu “đặt cọc” và không có đoạn bổ sung nêu trên, chúng ta coi là đặt cọc (và áp dụng quy định mang tính răn đe theo Bộ luật dân sự như đã trình bày ở trên). Tuy nhiên, do các bên thỏa thuận thêm theo hướng khác làm triệt tiêu sự răn đe nên khoản tiền này không được coi là đặt cọc.

Do đó, để không phiền phức về khoản tiền mà các doanh nghiệp đã giao nhận, nếu các bên coi đây là đặt cọc thì nên nói rõ là đặt cọc và không có nội dung loại trừ tính chất răn đe của việc giao nhận tiền. Ngược lại, nếu các bên không coi đây là tiền đặt cọc thì không nên sử dụng từ “đặt cọc” và nêu rõ là tiền trả trước để không gây khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng như vụ việc nêu trên đã thể hiện.

Theo VIAC