Dự thảo Nghị định 101: Bước tiến mới trong thanh toán không dùng tiền mặt
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt được đánh giá tạo ra khung pháp lý mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam.
Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (cùng với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP và Nghị định 16/2019/NĐ-CP) – sau đây gọi chung là “Nghị định 101”, đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán của nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Tuy nhiên, sau nhiều năm thi hành, Nghị định 101 đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, bộc lộ nhiều hạn chế và vướng mắc khi thi hành. Nhằm khắc phục những vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 (Dự thảo Nghị định).
Bổ sung một số khái niệm liên quan đến TTKDTM
Nghị định 101 trước đây chưa đưa ra được những khái niệm chi tiết đối với những đối tượng điều chỉnh liên quan đến hoạt động TTKDTM, do đó, Dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm khái niệm về “tiền điện tử”, “tiền di động”, “ví điện tử” và “thẻ trả trước”.
Đây được coi là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bên có liên quan, đặc biệt là các tổ chức đang cung cấp dịch vụ liên quan đến thanh toán điện tử.
Việc bổ sung khái niệm như trên nhằm loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý...; từ đó làm cơ sở pháp lý để NHNN, các bộ ngành liên quan thực hiện một cách hiệu quả vai trò quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, bàn về những khái niệm được bổ sung trong Dự thảo Nghị định, có một vài nội dung cần được phân tích thêm trên cơ sở logic và kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp lý như sau:
Thứ nhất, khái niệm về “tiền điện tử” chưa phù hợp. Cụ thể, theo Tờ trình Dự thảo Nghị định, thông qua việc nghiên cứu khung pháp lý, chính sách và biện pháp quản lý hoạt động cung ứng tiền điện tử của một số quốc gia cho thấy, về bản chất, tiền điện tử không được coi là một loại tiền tệ mà chỉ là hình thái biểu hiện khác của đồng tiền pháp định (dưới dạng công cụ hoặc phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán). Và khái niệm tiền điện tử trong Dự thảo Nghị định cũng đang được xây dựng theo định hướng tư duy này.
Tuy nhiên, trong khái niệm “tiền điện tử” lại bao gồm cả “ví điện tử” hay “thẻ trả trước” – 02 đối tượng mà có bản chất không phù hợp với bản chất của tiền điện tử như đề cập ở trên. Nghiên cứu kỹ nội dung thuật ngữ quy định tại Dự thảo Nghị định thì có thể thấy rằng ví điện tử hay thẻ trả trước chỉ nên là một phương tiện để lưu trữ tiền điện tử, thay vì là tiền điện tử như định nghĩa hiện tại. Việc phân loại “ví điện tử” là phương tiện lưu trữ tiền điện tử cũng phù hợp với khái niệm về “dịch vụ ví điện tử” đã từng được định nghĩa tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
“Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1. (Nghị định 80, Điều 1, khoản 1)”
Thứ hai, nếu Dự thảo Nghị định được thông qua, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam sẽ tồn tại song song 02 khái niệm về thẻ trả trước: (i) thẻ trả trước theo Dự thảo Nghị định và (ii) thẻ trả trước theo Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Điều 3, khoản 4).
Việc tồn tại song song hai khái niệm cùng quy định về một vấn đề có thể phát sinh những điểm không thống nhất dẫn đến những vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng.
Thứ ba, định nghĩa về “tiền di động” chưa phù hợp, sẽ dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế. Như được quy định trong Dự thảo Nghị định, tiền di động không phải là một loại tiền tệ, do đó, các tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) có kinh doanh dịch vụ viễn thông không thể “phát hành” tiền di động như trong quy định của Dự thảo Nghị định.
Thứ tư, việc phân biệt “tiền di động” và “ví điện tử” là không cần thiết. Về bản chất, tiền di động và ví điện tử là một. Các yếu tố phân biệt giữa 02 loại dịch vụ này bao gồm: (i) chủ thể cung cấp (ví điện tử do tổ chức TGTT phát hành, còn tiền di động do tổ chức TGTT có kinh doanh viễn thông phát hành) và (ii) phương thức định danh khách hàng (ví điện tử được định danh thông qua tài khoản ngân hàng của khách hàng mở tại ngân hàng, tiền di động được định danh thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
Nếu chỉ phân biệt qua những đặc điểm trên, việc quy định thành 02 loại hình riêng biệt là không cần thiết, và có thể khiến cho việc quản lý và giám sát hoạt động của các dịch vụ này trở nên phức tạp hơn. Hơn nữa, quy định về tiền di động trong Dự thảo Nghị định còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề cần thiết phải được bổ sung để đảm bảo việc thực thi hiệu quả trên thực tế như cách thức vận hành của tiền di động, cơ chế phát hành tiền di động của các tổ chức được cấp phép.
Bổ sung hoạt động đại lý thanh toán
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mô hình hoạt động ngân hàng đại lý mang lại rất nhiều tiện ích như đưa dịch vụ tài chính tới những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời, giúp cho ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay khung pháp lý của Việt Nam chưa có quy định đối với hoạt động này.
Đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xã hội, Dự thảo Nghị định bổ sung một chương mới quy định về hoạt động này với tên gọi đại lý thanh toán. Theo đó, hoạt động đại lý thanh toán là việc bên đại lý thanh toán thực hiện một phần quy trình mở tài khoản thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán của bên giao đại lý thanh toán cho khách hàng. Đại lý thanh toán dự kiến gồm những đối tượng sau: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng quy định về tiêu chuẩn được lựa chọn để trở thành đại lý thanh toán, bao gồm một số điều kiện như:
(i) Là doanh nghiệp thành lập hợp pháp có thời gian hoạt động trước khi được lựa chọn làm bên đại lý tối thiểu là 12 tháng;
(ii) Không có dư nợ bị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại vào nhóm nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước khi được lựa chọn làm bên đại lý;
(iii) Có đội ngũ cán bộ được đào tạo, có khả năng xử lý giao dịch bằng tiền mặt và/hoặc cung cấp các dịch vụ thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, viễn thông,…
Liên quan đến điều kiện kinh doanh của ngành nghề này, cũng có nhiều băn khoăn với yêu cầu thời gian hoạt động của doanh nghiệp trước khi được lựa chọn làm đại lý phải tối thiểu là 12 tháng, quy định này bị coi là một điều kiện kinh doanh gây khó khăn, chưa cởi mở với các doanh nghiệp có ý định trở thành đại lý thanh toán. Thêm vào đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép các đại lý thanh toán được thực hiện nghiệp vụ rút tiền, thanh toán tiền khi cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của Việt Nam chưa đảm bảo có thể phát sinh việc lừa đảo, gian lận trong các hoạt động này.
Tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức TGTT
Hiện nay, khung pháp lý về thương mại điện tử của Việt Nam không giới hạn về tỷ lệ vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức TGTT không phải là ngân hàng. Đánh giá về hoạt động TGTT, NHNN cho rằng hoạt động này ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của chính sách tiền tệ quốc gia, do đó, cần thiết phải hạn chế việc chi phối, thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động TTKDTM, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước nắm bắt được cơ hội, tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình. Với quan điểm trên, NHNN đã bổ sung quy định về giới hạn tỷ lệ vốn góp tối đa (cả trực tiếp và gián tiếp) của các nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức TGTT là 49%.
Quy định này gặp phải nhiều ý kiến phản đối từ các chuyên gia. Lý do được đưa ra ở đây là để có thể phát triển nhanh và hiệu quả thị trường thương mại điện tử của Việt Nam, không thể thiếu sự đóng góp về vốn đầu tư cũng như công nghệ, chất xám của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế cho thấy, các tổ chức TGTT hiện nay đều thuộc quyền quản lý của nước ngoài. Đơn cử như VNPT EPAY có 65% vốn thuộc về hai nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service (64,99%) và UTC Investment Co., Ltd (0,83%), 90% vốn của 1Pay đang do True Money, một doanh nghiệp Thái Lan, nắm giữ. Thay vì hạn chế thị trường, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ nên cân nhắc những biện pháp khác để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn. Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đối với vấn đề trên, NHNN dự kiến sẽ bỏ quy định hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức trung gian thanh toán.
Dự thảo Nghị định được đánh giá tạo ra khung pháp lý mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần được chỉnh lý, sửa đổi để đảm bảo việc thực thi các quy định trên thực tế được dễ dàng và hiệu quả hơn. Sau khi hoàn thiện dự thảo này, NHNN sẽ trình Chính phủ để dự kiến ban hành vào tháng 06/2020. Các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực TTKDTM nên theo dõi và cập nhật những quy định của Dự thảo Nghị định để có kế hoạch, phương án kinh doanh phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Thanh toán không dùng tiền mặt: Sớm có khung pháp lý thử nghiệm
10:45, 09/03/2020
Miễn giảm phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
13:50, 13/02/2020
Agribank tích cực thúc đẩy tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt ở thị trường nông nghiệp, nông thôn
09:00, 26/12/2019