Luật Doanh nghiệp 2020 có những điểm nào mới?

ĐỖ HUYỀN 14/09/2020 04:50

Luật Doanh nghiệp 2020 có nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động của doanh nghiệp.

Bình luận một số quy định liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) theo Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers cho rằng Luật Doanh nghiệp 2020 đã có nhiều điểm sửa đổi tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thành viên HĐQT có bắt buộc là cá nhân?

Bình luận về những sửa đổi đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sư Kiều Anh Vũ đã đề cập là thành viên HĐQT có bắt buộc phải là cá nhân không, một pháp nhân có thể trở thành viên HĐQT được không? Căn cứ các điều kiện, tiêu chuẩn của thành viên HĐQT quy định tại khoản 1 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020 thì không minh thị vấn đề này.

Nếu so sánh với với HĐTV của công ty TNHH hai thành viên trở lên theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì khoản 1 Điều 56 quy định “HĐTV gồm tất cả các thành viên công ty”, mà thành viên công ty là “cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn”.

Theo luật sư Vũ, với quy định này, có cơ sở hiểu rằng thành viên HĐTV của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên có thể là tổ chức (pháp nhân). Điều đó đặt ra vấn đề tương tự, thành viên HĐQT có thể là pháp nhân không?

“Nếu chỉ chấp nhận cá nhân mới được làm thành viên HĐQT thì các nhà làm luật nên quy định rõ vấn đề này trong quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của thành viên HĐQT”, ông Vũ nói.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers - Ảnh: Internet

Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers - Ảnh: Internet

Về các dạng thành viên HĐQT, Luật Doanh nghiệp 2020 vẫn duy trì quy định của luật 2014 về thành viên HĐQT “thông thường” và thành viên độc lập HĐQT, tùy theo cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần.

Riêng về thành viên độc lập HĐQT, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không đưa ra định nghĩa về dạng thành viên này mà chỉ đưa ra các điều kiện và tiêu chuẩn. Ngay cả về tên gọi của dạng thành viên HĐQT này, nếu so sánh quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 với các quy định khác có liên quan cũng không có sự thống nhất về tên gọi.

Luật Doanh nghiệp 2020 gọi là “thành viên độc lập HĐQT” nhưng luật khác lại gọi là “thành viên HĐQT độc lập” hoặc “thành viên độc lập của HĐQT”? Trong khi đó, quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì gọi là “thành viên độc lập của HĐQT”.

Ông Vũ cho rằng tên gọi của dạng thành viên HĐQT này cần phải có sự thống nhất và cần đưa ra định nghĩa về dạng thành viên HĐQT này, ngoài quy định về điều kiện, tiêu chuẩn.

“Tôi cho rằng nên gọi là “thành viên HĐQT độc lập” cho phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Vũ nói.

Hạn chế 1 người tham gia HĐQT nhiều công ty

Ngoài ra, cũng như Luật Doanh nghiệp 2014 và 2020 cũng không có bất kỳ quy định nào về hạn chế việc tham gia HĐQT tại các công ty cổ phần khác nhau. Thậm chí điểm c khoản 1 Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020 còn quy định “thành viên HĐQT công ty có thể đồng thời là thành viên HĐQT của công ty khác”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 12 Nghị định 71/2017/NĐ-CP lại quy định thành viên HĐQT của 1 công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên HĐQT tại quá 5 công ty khác.

Luật sư Vũ cho rằng quy định này có thể phù hợp về thông lệ quản trị công ty nhưng xét về pháp lý là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2020 và cả Luật Chứng khoán hiện hành, vì các luật này đều không có quy định về việc hạn chế này và các luật này không trao quyền cho Chính phủ được quyền quy định về việc hạn chế này.

Như vậy, nếu muốn hạn chế một người không được thanh gia làm thành viên HĐQT của nhiều công ty, kể cả công ty đại chúng hay không đại chúng thì Luật Doanh nghiệp nên có quy định rõ về vấn đề hoặc cũng có thể quy định mở đối với công ty đại chúng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định bằng các Nghị định.

Ông Vũ cũng cho hay, ngoài việc hạn chế một người tham gia làm thành viên HĐQT tại nhiều công ty đại chúng thì cũng cần cân nhắc đến việc hạn chế một người tham gia làm thành viên HĐQT của nhiều công ty có mối quan hệ cạnh tranh với nhau để đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, của cổ đông; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và phù hợp với thông lệ tốt trong quản trị công ty được các tổ chức quốc tế khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Doanh nghiệp 2020: Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh

    13:30, 10/07/2020

  • Luật Doanh nghiệp 2020: Nâng chất môi trường kinh doanh

    05:10, 23/06/2020

ĐỖ HUYỀN