Từ việc nâng khống giá thiết bị y tế tại Bạch Mai bóc trần những lỗ hổng trong xã hội hóa dịch vụ công

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW 12/10/2020 04:50

Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai khiến người bệnh phải trả phí cao hơn nhiều lần đã cho thấy nhiều hạn chế của chủ trương xã hội hóa y tế.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan vẫn là chủ đề nóng bởi vụ việc đã vạch trần lỗ hổng của chủ trương xã hội hóa dịch vụ công.

Hiện vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Hành vi này rất đáng lên án vì không chỉ gây thất thoát cho Nhà nước mà còn gây thiệt hại nặng nề đối với người bệnh trực tiếp sử dụng thiết bị này. Từ vụ việc này cũng cho thấy cơ chế tự chủ đối với bệnh viện đang bị lợi dụng để trục lợi cho một nhóm người.

Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh viện Bạch Mai.

Gia tăng chi phí cho xã hội

Định nghĩa cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập như sau: “Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công” là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công. Như vậy, cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công bản chất là để cho các bệnh viện công có quyền tự xây dựng các kế hoạch/hoạt động, tự kiểm soát về tổ chức bộ máy và tự chịu trách nhiệm cho việc thực hiện nhiệm vụ tại bệnh viện.

Tại các nước phát triển thì mô hình bệnh viện công lập tự chủ đã phổ biến từ lâu vì phương thức quản lý theo kiểu truyền thống đã không còn phù hợp, gây ra nhiều nạn quan liêu, gây thất thoát tài sản của nhà nước, phân cấp quản lý không còn hiệu quả và chất lượng dịch vụ y tế cũng đi xuống, …

Mô hình quản lý mới theo phương thức tự chủ tại bệnh viện có thể coi như một giải pháp mới nhằm tăng cường mức độ hiệu quả của các bệnh viện. Thế nhưng, nó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết. Đặc biệt, đối với Việt Nam là một đất nước đang phát triển, việc chuyển đổi cơ cấu quản lý bệnh viện từ công lập sang công lập tự chủ chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức.

Vụ việc

Vụ việc "thổi giá" thiết bị y tế ở BV Bạch Mai khiến dư luận bức xúc.

Đầu tiên, việc này sẽ dẫn đến sự gia tăng chi phí gia đình, chi trả trực tiếp từ tiền túi nếu bảo hiểm y tế chưa bao phủ toàn dân. Cụ thể: Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ dẫn đến việc bệnh viện phải tìm kiếm thêm doanh thu, làm cho chức năng xã hội của bệnh viện bị giảm sút. Khuynh hướng của các bệnh viện là cung cấp dịch vụ cao, dẫn đến gia tăng chi phí mua sắm, xuất hiện những hành vi đội giá dịch vụ lên để thu lợi nhuận.

Trường hợp bệnh viện Bạch Mai liên doanh, liên kết với đơn vị tư nhân đẩy giá vật tư y tế lên là một trong số đó. Hậu quả của các thiếu sót trong cơ chế đó là việc người dân phải trực tiếp gánh chịu hậu quả. Người dân phải đóng phí cao hơn và có nhiều trường hợp, các khoản phí là không cần thiết, đặc biệt tạo gánh nặng cho những người dân chưa có bảo hiểm y tế.

Cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng

Thứ hai, tại các quốc gia đang phát triển, có thể sẽ gặp phải tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng hoặc cơ sở hạ tầng không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng. Năng lực quản lý của các cán bộ bệnh viện còn thiếu, cán bộ quản lý chưa được đào tạo về kinh tế để cân đối nguồn thu chi. Nhiều bệnh viện mặc dù tay nghề của bác sĩ, phòng mổ có tầm cỡ quốc tế, vật tư thuốc men nhập khẩu, nhưng do chi phí cho một ca phẫu thuật ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới, giá dịch vụ lại không được quá cao vì bệnh nhân sẽ chuyển sang khám chữa bệnh tại các cơ sở khác, nên luôn phải đối mặt với vấn đề cân đối nguồn thu-chi sao cho hợp lý. Dẫn đến việc nhiều bệnh viện phải tìm mọi cách để tăng nguồn thu. Đó có thể là một phần lý do trong trường hợp nâng khống giá vật tư tại bệnh viện Bạch Mai.

Từ vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, ta còn thấy được trách nhiệm giữa cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phân định rạch ròi, các cơ chế giải trình còn yếu. Trong thực tế có thể còn rất nhiều các vụ việc khác tương tự nhưng trót lọt và chưa được đưa ra ánh sáng và chưa được xử lý.

Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa xây dựng được khung hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, trong đó có tự chủ đối với bệnh viện công còn chưa đầy đủ; thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, liên doanh, liên kết, về việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công.

Hiện nay, các bệnh viện công đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, cụ thể: theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, tại khoản 2 Điều 24 về Điều khoản thi hành như sau: "Trong khi chưa ban hành hoặc sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều này, các đơn vị sự nghiệp công theo từng lĩnh vực được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ…..”. Mặc dù vậy, nhưng đến thời điểm này thì Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn đối với ngành y tế để thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP hoặc sửa đổi tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Do đó, bệnh viện được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP nhưng trong khi phải thực hiện yêu cầu xây dựng phương án tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Điều này làm cho bệnh viện rất lúng túng trong việc xây dựng phương án tự chủ, xây dựng dự toán cũng như thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong giai đoạn giao thời về thực hiện giá dịch vụ y tế, các văn bản còn chồng chéo, chưa thống nhất.

Theo đó, để cho các bệnh viện tự chủ huy động nguồn lực, nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn, chất lượng điều trị, đặc biệt có máy móc, trang thiết bị hiện đại giúp điều trị hiệu quả hơn, ngang tầm khu vực và thế giới thì cần có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn chi tiết cơ chế tự chủ cho riêng ngành y tế; các quy định về việc giải trình thường xuyên giữa bệnh viện và Bộ Y tế, phân chia trách nhiệm cụ thể giữa bệnh viện và Bộ Y tế, các quy định về kiểm tra, giám sát thường xuyên, các quy định về tiêu chuẩn kiểm tra đánh giá các vấn đề quản lý.

Bên cạnh đó, để có thể thực hiện chủ chương của Nhà nước một cách hiệu quả, các ban ngành cần thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lợi dụng cơ chế tự chủ để lạm dụng các nguồn lực công phục vụ lợi ích riêng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Giai đoạn 2019 - 2025: Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt cơ chế tự chủ

    05:00, 23/01/2019

  • Đề nghị triển khai cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập

    09:17, 29/10/2018

  • Công ty CP TM và SX than Uông Bí: Thích ứng nhanh với cơ chế tự chủ

    20:00, 21/05/2018

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW