Nếu không thể bồi thường 830 tỉ, số phận ông Đinh La Thăng sẽ ra sao?
Sau 4 bản án, hiện tại, tổng số tiền mà ông Đinh La Thăng sẽ phải bồi thường đã lên đến 830 tỷ đồng.
Từ khi bị bắt vào tháng 7/2017, ông Đinh La Thăng đã 4 lần hầu tòa. Sau 4 bản án đã tuyên, bị cáo Thăng phải lãnh tổng cộng 30 năm tù giam (mức án cao nhất với tù có thời hạn), và bồi thường tổng cộng 830 tỉ đồng.
Trước con số bồi thường quá lớn này, nhiều ý kiến chuyên gia, luật sư, thẩm phán... cho rằng việc thực hiện thi hành án số tiền 830 tỉ với ông Đinh La Thăng là khó khả thi.
Về vấn đề này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội, việc bồi thường dân sự là trách nhiệm của bị cáo theo bản án. Còn việc bồi thường trên thực tế phụ thuộc và số lượng tài sản bị cáo có.
“Ông Thăng chỉ có 1 ngôi nhà thì cơ quan thi hành án sẽ kê biên, niêm phong, xử lý ngôi nhà đó. Nếu ngôi nhà này liên quan đến quan hệ tài sản vợ chồng, cơ quan chức năng chỉ được thu hồi một nửa giá trị ngôi nhà thuộc phần sở hữu của ông Thăng.
Do số lượng tiền phải bồi thường quá cao, nếu ông Thăng không tự nguyện, hoặc không có khả năng chi trả, bị cáo có thể nhờ bạn bè, người thân đóng góp, bồi thường thay. Nếu ông Thăng không có tài sản khác để thi hành án, việc tuyên án chỉ là trên giấy tờ", luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, nếu ông Thăng bồi thường hết số tiền dân sự này, và chấp hành tốt trong quá trình cải tạo, xếp loại cải tạo khá trở lên, đó là những tình tiết xem xét, đánh giá giảm án cho bị cáo ra tù trước thời hạn.
Trong trường hợp phát mãi tài sản, quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ xác định ông Đinh La Thăng có tài sản gì, kê biên và sau khi bán đấu giá. Số tiền thu được sẽ trừ chi phí đi, còn lại sẽ trừ vào nghĩa vụ của ông Thăng theo bản án.
Sai phạm của ông Đinh La Thăng bị cáo buộc khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trước đó là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Ở vụ án thứ nhất, sai phạm của ông Đinh La Thăng khi còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN.
Theo bản án phúc thẩm ngày 14/5/2018, ông Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù, và buộc phải bồi thường 30 tỉ đồng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại vụ án thứ hai, tháng 6/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên ông Đinh La Thăng y án 18 năm tù, buộc phải bồi thường 600 tỉ đồng. Sai phạm của ông Thăng được xác định trong vụ án PVN mất 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Oceanbank.
Vụ án thứ ba, ngày 22/12/2020, TAND TPHCM đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Trong vụ án thứ tư, xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, ngày 15/3, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Tòa cũng tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường hơn 200 tỉ đồng.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, theo nguyên tắc của pháp luật hình sự Việt Nam, nếu bị cáo không bị tuyên án tù chung thân hoặc tử hình mà chỉ bị kết án là các mức án tù có thời hạn, dù có xét xử bao nhiêu lần, thì khi tổng hợp hình phạt tòa án vẫn không thể quyết định một mức hình phạt quá 30 năm tù.
Với tất cả vụ án mà ông Đinh La Thăng bị kết án, ông này chỉ bị tòa án áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Căn cứ vào quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, tòa án tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù.
Có thể bạn quan tâm
Vụ Ethanol Phú Thọ: Ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 11 năm tù
21:00, 15/03/2021
Vụ án Ethanol Phú Thọ: Ông Đinh La Thăng phủ nhận vai trò chủ mưu như bản luận tội của Viện Kiểm sát
17:01, 11/03/2021
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 12-13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 21-23 năm tù
16:22, 10/03/2021
Ông Đinh La Thăng phủ nhận việc chỉ định thầu sai quy định trong dự án Ethanol Phú Thọ
16:10, 09/03/2021