Thu hồi hơn 600 tỷ đồng phải thi hành án của ông Đinh La Thăng như thế nào?
Đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, ông Đinh La Thăng đã nộp được 4,5 tỷ đồng trên tổng số 630 tỷ đồng phải thi hành trong hai vụ án.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về các hoạt động của Bộ Tư pháp.
Đáng chú ý, trả lời báo giới về nội dung thu hồi tài sản nhà nước trong 2 vụ án liên quan đến cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Đinh La Thăng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết ông Đinh La Thăng nộp được 4,5 tỷ đồng trên tổng số 630 tỷ đồng phải thi hành trong hai vụ án. Số tiền này là do xử lý căn nhà chung của vợ chồng ông Thăng.
Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Chính Pháp) cho biết, với số tiền phải bồi thường thiệt hại hơn 600 tỷ đồng thì số tiền đã bồi thường thiệt hại như trên là không đáng kể.
Theo quy định của pháp luật thì khi bị kết án về tội phạm xâm phạm đến tài sản của nhà nước thì ngoài trách nhiệm hình sự mà bị cáo phải gánh chịu thì tòa án sẽ tuyên về phần dân sự, buộc bị cáo phải bồi thường, khắc phục hậu quả số tiền thiệt hại đã làm thất thoát của nhà nước. Trong trường hợp bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả đáng kể so với thiệt hại do bị cáo gây ra thì sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
“Còn trường hợp bị cáo không bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả không đáng kể thì không được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình tòa án xét xử.
Đối với những vụ án mà ông Đinh La Thăng đã bị xét xử và bị kết án thì tòa án đều tuyên bố ông Thăng có tội và phải bồi thường khắc phục hậu quả. Tổng số mức hình phạt mà ông Thăng phải chịu cho đến nay là 30 năm tù và số tiền phải bồi thường khắc phục hậu quả trong các vụ án lên đến hơn 600 tỷ đồng”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường chia sẻ, sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án bắt buộc phải thực hiện bản án và phần trách nhiệm dân sự. Trường hợp người bị kết án không tự nguyện chấp hành thì cơ quan thi hành án sẽ xác minh về tài sản và tiến hành thu giữ, xử lý tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án.
Theo thông tin từ phía cơ quan thi hành án thi hành án thì ông Thăng chỉ có tài sản duy nhất là một căn hộ chung cư là tài sản chung của hai vợ chồng, sau khi xác định được tài sản này thì vợ ông Thăng đã bán đi và nộp một phần hai giá trị tài sản để bồi thường cho ông thân với số tiền 4,5 tỷ đồng. Số tiền đã bồi thường khắc phục hậu quả này là không đáng kể so với số tiền mà ông thân phải chấp hành theo các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Bởi vậy đây không phải là tình tiết để xem xét đặc xá, giảm án cho ông này.
Theo luật sư Cường, trường hợp ông Thăng hoặc bạn bè gia đình người thân tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả khoảng 1/3 số tiền theo nội dung bản án đã tuyên đồng thời có căn cứ xác định ông Đinh La Thăng không còn tài sản nào khác và chấp hành loại khá trong quá trình cải tạo thì mới được xem xét đặc xá, giảm án. Nếu không đủ các điều kiện trên thì ông Thăng phải chấp hành đủ thời hạn so với bản án đã có hiệu lực pháp luật là 30 năm tù.
Có thể bạn quan tâm
Nếu không thể bồi thường 830 tỉ, số phận ông Đinh La Thăng sẽ ra sao?
16:50, 17/03/2021
Vụ Ethanol Phú Thọ: Ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 11 năm tù
21:00, 15/03/2021
Vụ án Ethanol Phú Thọ: Ông Đinh La Thăng phủ nhận vai trò chủ mưu như bản luận tội của Viện Kiểm sát
17:01, 11/03/2021
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 12-13 năm tù, Trịnh Xuân Thanh 21-23 năm tù
16:22, 10/03/2021