Cần khung pháp lý cho Hợp đồng điện tử tại Việt Nam
Cùng với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin, ngày càng có nhiều các phương thức lưu giữ thông tin phục vụ cho công việc.
Một trong số đó phải kể đến hợp đồng điện tử - một giải pháp đem lại sự thuận tiện cho các chủ thể có nhu cầu ký kết hợp đồng một cách dễ dàng. Hợp đồng điện tử tuy vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ nhưng cũng đã có một số quy định pháp luật về thể loại hợp đồng này.
Theo Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệutheo quy định của Luật này”. Cũng theo Luật này: “Thông điệp dữ liệu được hiểu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử” (Khoản 12 Điều 4).
Về nguyên tắc thì các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng. Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ theo các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.
Hợp đồng điện tử tuy vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ nhưng cũng đã có một số quy định pháp luật quy định về thể loại hợp đồng này.
Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó (Điều 35 Luật Giao dịch điện tử 2005).
Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng hợp đồng điện tử đã phát sinh.
Thứ nhất, chưa có hợp đồng điện tử mẫu nên không bảo đảm sự thống nhất trong giao dịch điện tử.
Hiện nay, việc giao kết hợp đồng trực tuyến được tiến hành chủ yếu thông qua website của doanh nghiệp hoặc sàn giao dịch điện tử của các nhà cung cấp trung gian. Khác với thư điện tử trao đổi trực tiếp giữa hai bên, giao kết hợp đồng trên website có thể được thực hiện qua sự tương tác giữa khách hàng và chức năng đặt hàng trực tuyến của website hoặc thông qua những hợp đồng truyền thống được đưa lên website mà thông thường đây là những hợp đồng mẫu.
Pháp luật hiện hành mới bao hàm quy định điều chỉnh về quy trình giao kết hợp đồng trên website có chức năng đặt hàng trực tuyến, mà chưa có quy định về nội dung hợp đồng mẫu, trong khi các giao dịch này đang phát triển ngày càng nhanh chóng và tự phát khiến cho người tiêu dùng gặp nhiều bất lợi. Các hợp đồng mẫu thường là hợp đồng sử dụng dịch vụ ngân hàng, hợp đồng đặt phòng khách sạn, hợp đồng mua bán hàng hóa...
Các hợp đồng mẫu chính là điển hình của sự bất cân xứng về thông tin, bất cân xứng về khả năng thương lượng. Người bán bao giờ cũng biết rõ hơn người mua những thông tin về hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp, do vậy, họ thường soạn hợp đồng với nhiều điều khoản dài dòng không rõ ràng, không bình đẳng, dồn phần bất lợi cho người mua như bỏ qua những quy định về quyền của người mua khi giao kết hợp đồng; lờ đi hoặc giảm nhẹ những nghĩa vụ của người bán, chẳng hạn như người bán được miễn trừ hoặc rút ngắn thời hạn chịu ràng buộc vào trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng hóa hay nghĩa vụ bảo hành, sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành trong các điều khoản hợp đồng mà không giải thích cho người tiêu dùng hiểu...
Người tiêu dùng chỉ tiếp xúc với hợp đồng khi họ cần mua một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó, mặt khác, khi giao kết hợp đồng, điều họ chú ý hơn cả là giá cả, các điều kiện khuyến mãi và thường bỏ qua các điều khoản khác.
Hợp đồng càng cồng kềnh với nhiều điều khoản kỹ thuật phức tạp thì người tiêu dùng càng ít quan tâm và bỏ qua việc đọc hết nội dung hợp đồng. Chính điều này đã dẫn đến việc người tiêu dùng nhanh chóng nhấp vào nút đồng ý giao kết hợp đồng mà không hề biết rõ ràng những điều khoản của hợp đồng là gì và những hậu quả pháp lý nào mình phải chịu khi có rắc rối xảy ra.
Do những bất cập của giao kết hợp đồng mẫu, nên thiết nghĩ cần phải có một quy chế pháp lý điều chỉnh sao cho vừa không ảnh hưởng đến quá trình đi đến thỏa thuận trong giao kết hợp đồng điện tử, vừa bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng, cân bằng quyền và lợi ích của các bên. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 tuy đã có đưa ra một số quy định về hợp đồng mẫu nhưng dường như chỉ mới điều chỉnh các hợp đồng mẫu giao kết theo phương thức truyền thống mà chưa tính đến hợp đồng điện tử.
Thứ hai, chưa có quy định về công chứng hợp đồng điện tử.
Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính chất xác thực, hợp pháp của văn bản (hợp đồng, giao dịch) do người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc do pháp luật quy định phải công chứng. Thông thường, khi muốn công chứng viên chứng nhận một hợp đồng, giao dịch theo cách truyền thống, những người có yêu cầu công chứng phải trực tiếp xuất hiện trước mặt công chứng viên để đề xuất nội dung yêu cầu công chứng của mình. Như vậy, nếu muốn công chứng một hợp đồng thương mại thì hợp đồng đó phải được ký kết bằng phương thức truyền thống.
Đối với hợp đồng điện tử, các bên tham gia hợp đồng hoàn toàn trao đổi, đàm phán nội dung hợp đồng và ký kết từ xa thông qua phương tiện điện tử thì vấn đề đặt ra là nếu các bên có yêu cầu công chứng thì công chứng viên có công chứng được không và công chứng như thế nào? Có quan điểm cho rằng, trong giao dịch điện tử, bằng các công nghệ hiện đại việc nhận dạng các bên tham gia hợp đồng, chữ ký điện tử đều đã được số hóa đảm bảo tính toàn vẹn, chính xác của nội dung hợp đồng, thậm chí việc giao kết hợp đồng cũng được thực hiện trên môi trường mạng internet thì việc tham gia của công chứng viên là không cần thiết.
Tuy nhiên, việc ra đời giao dịch điện tử không làm thay đổi bản chất của giao dịch. Nếu trước đây, để thiết lập một giao dịch, hợp đồng, người ta chỉ có thể thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình dưới hình thức là giao kết bằng miệng hoặc giao kết bằng văn bản, nay nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà chúng ta có thêm hình thức giao kết bằng phương tiện điện tử.
Vì vậy, dù giao dịch được thực hiện bằng phương thức gì thì những nguyên tắc chung, cơ bản nhất áp dụng trong giao dịch, hợp đồng vẫn đương nhiên được áp dụng. Ví dụ: khi giao kết một hợp đồng mua bán tài sản, dù hợp đồng mua bán tài sản đó được thể hiện bằng bất kỳ phương thức nào - kể cả bằng giao dịch điện tử, thì các bên có liên quan vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc, các quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS).
Do đó, vai trò của công chứng viên cần phải được tiếp tục duy trì và phát huy trong giao dịch điện tử. Mặc dù đây là một vấn đề quan trọng cần phải nhanh chóng có sự điều chỉnh của pháp luật do giao dịch điện tử ngày một phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, Điều 63 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP mới quy định một cách chung chung về hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử. Luật Công chứng năm 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2014 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 cũng chưa đề cập đến việc công chứng hợp đồng, giao dịch điện tử.
Thứ ba, chưa có các quy định điều chỉnh vấn đề “tài sản ảo”.
Những năm gần đây, vấn đề “tài sản ảo” trở thành chủ đề nóng ở Việt Nam cùng với trào lưu phát triển các trò chơi trực tuyến (game online). Điều 105 BLDS năm 2015 quy định tài sản bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
Vậy “tài sản ảo” có phải là tài sản hay không? Để xác định “tài sản ảo” là một loại tài sản cần phải xem xét các khía cạnh sau khác nhau. Xét về tính pháp lý, “tài sản ảo” là một khái niệm rất rộng như tên miền internet, địa chỉ hộp thư điện tử, các loại tài khoản game online, ... Nhưng phổ biến nhất là “tài sản ảo” trong trò chơi trực tuyến, tên miền. Tiếp cận theo nghĩa hẹp, “tài sản ảo” là các đối tượng ảo trong thế giới ảo, còn theo nghĩa rộng thì “tài sản ảo” được hiểu là những tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự.
Mặc dù giao dịch mua bán các tài sản này đã phổ biến nhưng vẫn chưa có quy định pháp luật nào định nghĩa thế nào là tài sản ảo và tài sản ảo trong quan hệ hợp đồng điện tử được điều chỉnh như thế nào. Do tính phức tạp về công nghệ nên việc giám sát, giải quyết tranh chấp liên quan đến mua bán, chuyển nhượng tài sản ảo trong các game online nói riêng và tài sản ảo nói chung là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ, tiến hành một cách thận trọng.
Thứ tư, giao kết hợp đồng điện tử đòi hỏi phải áp dụng những phương pháp công nghệ cao đảm bảo sự an toàn, chính xác thông tin cho hợp đồng điện tử. Nhưng công nghệ thì luôn luôn phát triển, hơn nữa ở một số nước phát triển như Anh, Pháp, Hoa Kỳ luôn có trình độ công nghệ thông tin đi trước chúng ta một thời gian rất dài. Vì vậy, không thể lường trước được hết những rủi ro khi giao kết hợp đồng điện tử với các đối tác nước ngoài như thế nào.
Trên đây là những thông tin pháp lý về hợp đồng thương mại điện tử. Hy vọng trong thời gian tới, những điểm bất cập của hợp đồng điện tử sẽ được bổ sung và sửa đổi để đưa hình thức văn minh này vào cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Startup Anvui xây dựng nền tảng hợp đồng điện tử vận tải
04:23, 15/10/2020
EVN chính thức cung cấp hợp đồng điện tử
15:39, 12/12/2019
Bộ GTVT thêm nhiều quy định "quản" taxi công nghệ, xe hợp đồng điện tử phải báo cáo thông tin về hợp đồng trước khi vận chuyển
11:30, 23/10/2019
“Xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là taxi”
06:16, 01/03/2019