Bốn giải pháp hoàn thiện những ách tắc liên quan đến Hợp đồng điện tử
Một khung pháp lý hoàn thiện và đầy đủ, điều chỉnh mọi khía cạnh của Hợp đồng điện tử sẽ giúp hạn chế được những bất cập của hình thức hợp đồng này.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã nói ở bài trước, hiện nay, các quy định pháp lý liên quan đến hợp đồng điện tử đang còn nhiều bất cập dẫn đến các khó khăn và mâu thuẫn liên quan.
Để khắc phục những hạn chế đang tồn tại liên quan đến Hợp đồng điện tử cần tính toán đến những giải pháp về nâng cao kỹ thuật và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cũng cần có một khung pháp lý hoàn thiện và đầy đủ, điều chỉnh mọi khía cạnh của Hợp đồng điện tử. Một khung pháp lý hoàn thiện sẽ giúp các cơ quan Nhà nước kiểm soát hoạt động thương mại điện tử dễ dàng hơn và đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng cho tất cả các chủ thể tham gia.
Thứ nhất, cần bổ sung quy định về chứng cứ điện tử
Những chứng cứ thể hiện dưới dạng dữ liệu của Hợp đồng điện tử là căn cứ quan trọng để xác định tính xác thực cũng như hợp pháp của giao kết thương mại điện tử. Pháp luật quy định cho thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ nhưng vẫn tồn tại rủi ro về việc thông điệp dữ liệu bị thay đổi hay hủy hoại.
Do đó, giá trị làm chứng cứ của các dữ liệu điện tử mà các bên đã gửi cho nhau trong quá trình giao kết và thực hiện Hợp đồng điện tử có thể không còn toàn vẹn và thậm chí là bị bác bỏ nếu bị nghi ngờ về tính chính xác và độ tin cậy.
Để khắc phục hạn chế này pháp luật cần có những quy định chi tiết những yêu cầu kĩ thuật để bảo vệ thông điệp dữ liệu cũng như xác định, đánh giá một thông điệp dữ liệu có thể là chứng cứ trong vụ việc được hay không. Bên cạnh đó, pháp luật cần quy định trường hợp đặc biệt thừa nhận giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu là trường hợp tài liệu ở dạng giấy được in ra từ một thông điệp dữ liệu.
Thứ hai, cần bổ sung những quy định cụ thể hơn về giải quyết tranh chấp và xử lý trong quá trình thực hiện Hợp đồng điện tử
Về giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định không rõ ràng: “Trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Với việc xử lý vi phạm về Hợp đồng điện tử, pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng khi vi phạm hợp đồng đã ký kết. Những quy định về chế tài xử lý khi vi phạm hơp đồng cũng cần đưa vào Luật giao dịch điện tử và chế tài phải đủ nghiêm khắc để hạn chế và ngăn chặn những hành vi vi phạm đã và đang phổ biến hiện nay.
Thứ ba, cần xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể về việc giao kết và thực hiện hợp đồng theo mẫu trên các website thương mại điện tử
Để đảm bảo tính đồng thuận trong hợp đồng và đảm bảo tính công bằng trong quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần xây dựng những quy định cụ thể về hợp đồng mẫu trên các website thương mại điện tử. Bên cạnh các quy định chung và mang tính kỹ thuật về giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, cần bổ sung chi tiết về nội dung các Hợp đồng điện tử mẫu được đưa lên website, tránh trường hợp các chủ sàn thương mại điện tử soạn hợp đồng mẫu với lợi thế lớn về bên soạn thảo, không bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thứ tư, cần tăng cường xây dựng pháp luật nhằm bảo vệ thông tin cá nhân
Thực tế cho thấy các chủ thể tham gia giao kết và thực hiện Hợp đồng điện tử rất dễ bị đánh cắp và sử dụng thông tin cá nhân. Để khắc phục tình trạng này pháp luật cần xây dựng và ban hành những quy định về bảo vệ thông tin cá nhân với các nội dung cơ bản sau:
- Thừa nhận quyền được bảo vệ thông tin cá nhân là một quyền cơ bản;
- Xây dựng các nguyên tắc về bảo vệ thông tin cá nhân;
- Quy định rõ ràng trách nhiệm của bên doanh nghiệp và bên cung cấp nền tảng số trong bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng; có chế tài đối với trường hợp bên doanh nghiệp và bên cung cấp nền tảng số đã không làm hết trách nhiệm của mình khiến rỏ rỉ thông tin khách hàng gây hại tới quyền lợi khách hàng;
- Quy định cụ thể những hành vi vi phạm an toàn thông tin cá nhân và đặt các chế tài thích hợp.
Ngoài ra, Việt Nam còn có thể xem xét việc gia nhập Công ước về sử dụng chứng từ điện tử trong hợp đồng quốc tế của Liên Hợp quốc. Công ước Liên Hợp quốc ra đời nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng chứng từ điện tử trong thương mại quốc tế để nhằm đảm bảo các hợp đồng giao kết và các chứng từ khác được trao đổi bằng phương tiện điện tử cũng có giá trị và hiệu lực thực thi tương tự như bản giấy của chúng trong thương mại truyền thống.
Việc gia nhập công ước sẽ đem lại cho Việt Nam rất nhiều lợi ích về mặt pháp lý. Điều này giúp thống nhất pháp luật về giao kết Hợp đồng điện tử của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, tạo khung pháp lý thống nhất, rõ ràng trong lĩnh vực giao kết Hợp đồng điện tử.
Trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, việc hoàn thiện các quy định về hoá đơn điện tử và hơp đồng điện tử là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, thúc đẩy quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào các giao dịch, giúp cho việc giảm chi phí vận hành và nhanh chóng trong giao dịch.