Vụ bà Phương Hằng bị kiện: Doanh nhân Lê Thị Giàu khởi kiện trên cơ sở nào?
Ngày 1/6, TAND quận 1 cho biết vừa thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn Lê Thị Giàu và bị đơn Nguyễn Phương Hằng.
Trước đó, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây đã gửi đơn khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng tới TAND quận 1 về việc thực hiện hành vi xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm mình. Cụ thể, bà Giàu cho biết năm 2017 có quen biết bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, tức ông "Dùng lò vôi" - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam, tỉnh Bình Dương). Cả hai quen biết nhau khi đi viếng chùa Phước Sơn Thiền Viện tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Bà Giàu và bà Hằng không có quan hệ làm ăn, không là bạn bè, không bao giờ đi chơi chung, quan hệ thân tình nào.
Thông tin đã được công bố, nếu đúng thì vụ kiện đã được Tòa án thụ lý, tức là vụ án đang trong quá trình Tòa án xem xét, giải quyết. Theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày sau khi nhận được Thông báo thụ lý, bị đơn sẽ có ý kiến về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Yêucầu khởi kiện có được chấp thuận luôn?
Về quyền khởi kiện, nếu bà Giàu cho rằng bà Hằng có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì bà Giàu có quyền khởi kiện. Quyền khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 11 Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2015, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc bồi thường thiệt hại,…
Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Do vậy, việc khởi kiện là một hành động pháp lý phù hợp để cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật, tránh những cuộc khẩu chiến trên mạng không cần thiết.
Tuy vậy, cần phải nói ngay rằng quyền khởi kiện, yêu cầu khởi kiện và yêu cầu khởi kiện có được chấp nhận hay không là các vấn đề khác nhau. Tòa án thụ lý vụ kiện không có nghĩa là sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà còn phụ thuộc nhiều vào quy định của pháp luật, chứng cứ,… Về phía bị đơn, họ cũng có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn.
Về yêu cầu khởi kiện của bà Giàu, theo Thông báo thụ lý vụ án, bà Giàu yêu cầu Tòa án buộc bị đơn: chấm dứt hành vi vi phạm uy tín, nhân phẩm và “thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp của nguyên đơn”; buộc bị đơn gỡ bài nói chuyện trên mạng của bị đơn nói về nguyên đơn; buộc bị đơn công khai xin lỗi và cải chính thông tin trên youtube; buộc bị đơn bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho nguyên đơn theo quy định của pháp luật.
Bà Giàu khởi kiện thì bà Giàu phải chứng minh hành vi vi phạm của bà Hằng. Chứng cứ, hồ sơ vụ án thì Tòa án sẽ xem xét. Trên cơ sở xác định có hành vi vi phạm hay không thì mới chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Và cho dù, giả định như có hành vi vi phạm thì không phải các yêu cầu khởi kiện đều được chấp nhận. Trong các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cần chú ý đến yêu cầu về “thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp của nguyên đơn”, cần xác định rõ chủ thể yêu cầu là ai, người bị xâm phạm (nếu có) là ai, cần phải tách bạch tư cách cá nhân và tư cách của công ty để yêu cầu. Nếu có liên quan đến công ty thì về thủ tục, tôi cho rằng cần đưa công ty tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Cơsở nào để xác định mức thiệt hại về vật chất và tinh thần?
Về bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần, nguyên đơn có yêu cầu 1.000 tỉ đồng hay không thì tôi không rõ. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự, để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải có thiệt hại và phải chứng minh được thiệt hại, nếu thật sự có yêu cầu 1.000 tỉ thì phải chứng minh thiệt hại chừng ấy. Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, người bị thiệt hại còn có thể được bù đắp tổn thất về tinh thần mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tương đương 14.900.000đ theo mức lương cơ sở hiện nay.
Về tạm ứng án phí của nguyên đơn, theo điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Tóm lại, vụ kiện đã được đưa đến Tòa án, cần phải chờ đợi diễn biến tiếp theo như thế nào, chờ đợi phán quyết công minh của Tòa án. Trong quá trình giải quyết vụ án, các bên vẫn có thể thương lượng, hoặc được Tòa án hòa giải hoặc thậm chí nguyên đơn rút đơn khởi kiện nên sẽ còn rất nhiều khả năng xảy ra.
Vụ kiện này có thể là một tiền lệ cho nhiều vụ kiện khác vì trong thời gian qua, bà Hằng đã có nhiều phát ngôn không ngại đụng chạm đến rất nhiều người. Và ngược lại, chính bà cũng là nạn nhân của nhiều người khác trong việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín trên mạng nên có khả năng trong thời gian tới, nhiều vụ kiện đòi bồi thường do danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm sẽ còn diễn ra.
Có thể bạn quan tâm
Vụ bà Phương Hằng bị kiện 1.000 tỷ: Có thể xử lý hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng
17:30, 02/06/2021