Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm là hành vi bị nghiêm cấm, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, nếu mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội là một trong những nguồn thu nhập chính của nhiều nghệ sĩ hiện nay. Không ít người vì lợi ích trước mắt đã bất chấp hậu quả để quảng cáo sai sự thật.
Chiều 3/6, NSND Hồng Vân đã viết trên trang cá nhân thư xin lỗi khán giả và thừa nhận đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ tin cậy của sản phẩm khi quảng cáo, dẫn đến việc nhiều người "hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh thay vì chỉ là thực phẩm chức năng".
Trước đó, nghệ sĩ Quyền Linh cũng gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ sau khi giới thiệu một sản phẩm trên trang cá nhân. Trong một video trên trang cá nhân, Quyền Linh nói về nhiều tác dụng của sản phẩm này như hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Nghệ sĩ chia sẻ anh đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với nghệ sĩ này sau hơn 20 năm làm nghệ thuật.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước khán giả.
Việc nghệ sĩ thực hiện hoạt động quảng cáo thường ở hai khu vực: Trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình) chính thống và trên nền tảng mạng xã hội.
Theo đó, hoạt động quảng cáo được thực hiện qua các kênh truyền thông chính thống thì có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan truyền thông, có bộ phận hỗ trợ pháp lý để kiểm tra, rà soát điều kiện quảng cáo, nghệ sĩ tham gia quảng cáo với các chương trình truyền hình, các tờ báo chính thống thì ít gặp rủi ro.
Tuy nhiên, nếu nghệ sĩ thực hiện hoạt động quảng cáo trên các trang mạng xã hội, các trang cá nhân của mình thì nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với nội dung quảng cáo.
Ông Cường cho biết nếu không biết rõ về tính pháp lý của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, không nắm vững quy định pháp luật về các điều kiện quảng cáo, thủ tục quảng cáo thì nghệ sĩ dễ vi phạm khi quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo quy định của Luật Quảng cáo năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không phải sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào cũng được phép quảng cáo.
Pháp luật cũng quy định những hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo; quy định các hành vi bị cấm trong việc thực hiện hoạt động quảng cáo; điều kiện để thực hiện quảng cáo đối với sản phẩm là thuốc và thực phẩm chức năng, những hàng hóa kinh doanh có điều kiện khác.
Bởi vậy, khi nghệ sĩ thực hiện hoạt động quảng cáo trên trang cá nhân, trên nền tảng mạng xã hội mà không tìm hiểu các quy định của pháp luật về quảng cáo thì rất dễ có thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Khi thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật và điều đặc biệt là uy tín danh tiếng của các nghệ sĩ có thể bị hủy hoại rất nhanh chóng thông qua hoạt động quảng cáo trái phép gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Hiện nay chúng ta đang thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018. Theo đó, nghệ sĩ thực hiện các hoạt động quảng cáo được xác định là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng hoặc thực hiện sản phẩm quảng cáo thông qua hình thức nói, phát, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.
Người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người chuyển tài sản phẩm quảng cáo đều phải thực hiện các quy định của Luật quảng cáo. Không được thực hiện hoạt động quảng cáo đối với các loại hàng hóa, sản phẩm bị cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo.
Ngoài ra, ông Cường cho biết, theo Điều 8 của Luật Quảng cáo cũng quy định 16 hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo trong đó có cấm: "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác".
Đối với các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thuộc trường hợp kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, hàng hóa phải có nguồn gốc, giấy tờ, chứng từ hợp lệ thì mới được phép quảng cáo.
Một số loại hàng hóa dịch vụ trong đó có thực phẩm chức năng, thuốc thì cần phải xin phép quảng cáo, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ về kinh doanh, xuất xứ hàng hóa, giá trị công dụng của sản phẩm.... được cơ quan chức năng cho phép mới được thực hiện hoạt động quảng cáo.
“Khi thực hiện quảng cáo phải đúng với chất lượng sản phẩm đã công bố. Để quảng cáo sai sự thật, nói quá đến công dụng của sản phẩm hoặc không nêu rõ các khuyến cáo tác dụng phụ của sản phẩm thì sẽ bị xử phạt hành chính, nếu mức độ nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Cường nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Quy định mới về quảng cáo chưa tạo công bằng
11:02, 03/06/2021
“Đặc trị” quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm – Đừng “chặt cành, tỉa lá”
04:50, 29/05/2021
Sự trỗi dậy của quảng cáo trên kênh thương mại điện tử
04:00, 13/05/2021
Apple sắp thành "ông kẹ" trong làng quảng cáo
05:08, 12/05/2021