Tham luận của ông TÔ DŨNG THÁI - Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tại Đại hội VCCI lần thứ VII

. 06/01/2022 20:00

Tham luận của ông TÔ DŨNG THÁI - Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tại Đại hội VCCI lần thứ VII

HÀNH TRÌNH MỚI CHO DOANH NGHIỆP

Bằng việc kết hợp các công nghệ, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học, CMCN 4.0 đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, dẫn đến sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Dưới tác động của CMCN 4.0 và nền kinh tế thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Phương thức sản xuất và cấu trúc kinh tế đã và đang thay đổi sâu sắc, kéo theo sự chuyển dịch về chuỗi cung ứng và cơ cấu lao động. Trong nền kinh tế số, cấu trúc kinh tế và cơ cấu từng ngành cũng biến đổi sâu sắc dưới tác động của công nghệ “số hóa” và sáng tạo. Nhiều ngành nghề mới được tạo ra bên cạnh những mô hình kinh doanh truyền thống như kinh tế Gig, kinh tế quà tặng (gift economy) hay kinh tế chia sẻ,…. Những mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá, đã thay đổi toàn bộ nhận thức của xã hội về hoạt động kinh tế trên quy mô toàn cầu, từ thương mại điện tử (Amazone, Alibaba), quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram, Twiter), giải trí (Netflix, Pinterest), đến giao thông vận tải, (Uber, Grab), ...

Theo nghiên cứu của Dell Technology về tình hình chuyển đổi số của doanh nghiệp trên thế giới tại 18 nước và 12 lĩnh vực giai đoạn 2016-2020 cho thấy có sự chuyển dịch nhanh chóng trong nhận thức và triển khai CĐS : Nhóm chậm trễ chuyển đổi số (không có kế hoạch, chiến lược CĐS; triển khai và đầu tư hạn chế) - giảm từ 15% xuống còn 3%.

Xu hướng chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 với các diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu; làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, làm thay đổi sâu sắc trật tự cách thức con người sống và làm việc. Để thích nghi, nhiều hoạt động của doanh nghiệp đã bắt buộc phải chuyển đổi lên môi trường số như: họp trực tuyến, bán hàng trực tuyến, ứng dụng thanh toán không tiếp xúc, … Khảo sát của KPMG trong 02 năm 2020-2021 cho thấy: vào 07/2020 cho thấy, 67% doanh nghiệp được hỏi đã tăng tốc chiến lược chuyển đổi số.

Tại Việt Nam, các dự báo về phát triển kinh tế cho thấy nhiều tín hiệu khả quan:

Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2021" do Google, Temasek và Bain & Co. thực hiện, dự kiến vào năm 2025, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29%, vượt qua Thái Lan (quy mô dự kiến 56 tỷ USD).

Theo Báo cáo Tương lai kinh tế số Việt Nam: Hướng đến năm 2030 và 2045 do Cơ quan chuyên về nghiên cứu về số liệu và công nghệ số thuộc Tổ chức khoa học quốc gia Australia cùng với Bộ KHCN Việt Nam thực hiện, với kịch bản chuyển đổi số, kinh tế số Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng bùng nổ, ước tính công nghệ số dự kiến đóng góp 544 tỷ USD vào năm 2045 (tính theo giá năm 2020 và theo tỷ giá sức mua tương đương PPP).

HIỆN TRẠNG CỦA DOANH NGHIỆP

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện Việt Nam có khoảng 840.000 doanh nghiệp trong đó chỉ có 3% là doanh nghiệp có quy mô lớn, còn lại là 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (SME). Do các khó khăn về nguồn lực, tiếp cận công nghệ, hầu hết các doanh nghiệp đang ứng dụng chuyển đổi số một cách hạn chế, chỉ ưu tiên tập trung triển khai các dịch vụ trực tuyến bắt buộc theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước (Chữ ký số, Khai thuế điện tử, Kê khai bảo hiểm xã hội điện tử, hoá đơn điện tử) hoặc tham gia vào các hoạt động của sàn thương mại điện tử, sử dụng công cụ thanh toán điện tử.

Theo báo cáo khảo sát 1300 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch Đầu tư tháng 12/2021: 60,1% doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; 52,3% là các khó khăn trong việc thay đổi tập quán kinh doanh; tiếp sau đó là các khó khăn như thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ 52,3%, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ 45,4%, thiếu thông tin công nghệ số 40,4%, khó khăn trong tích hợp các giải pháp 38,5%, thiếu cam kết của Ban lãnh đạo 32,1%, sự hiểu biết của người lao động 26,6% và cuối cùng là rò rỉ dữ liệu với mức 23,4%.

Riêng đối với các doanh nghiệp lớn, theo báo cáo tháng 11/2021 của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report): 94,7% doanh nghiệp thuộc VNR500 đã và đang đầu tư cho lĩnh vực này và chỉ có 5,3% doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi số. Các khó khăn chủ yếu mà các doanh nghiệp lớn gặp phải là: 72,5% doanh nghiệp không đủ nguồn lực chất lượng cao; 64,7% doanh nghiệp thiếu công cụ đảm bảo an ninh mạng và bảo mật dữ liệu.

CHUYỂN ĐỔI SỐ HAY TỰ LOẠI BỎ KHỎI CUỘC CHƠI

Nền kinh tế số cùng với tiến trình chuyển đổi số đã khiến doanh nghiệp thay đổi quan niệm về khách hàng, thay đổi về tư duy và cách thức cạnh tranh, tầm quan trọng của dữ liệu trong hoạt động kinh doanh, tư duy lại hoạt động đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp không thực hiện chuyển đổi số đồng nghĩa với việc tự loại bỏ khỏi cuộc chơi trong thời gian tới nhất là khi các mô hình kinh doanh đột phá đang dần xuất hiện với sự tiến bộ của công nghệ, năng suất lao động ngày càng tăng và thời gian ra thị trường của sản phẩm dịch vụ ngày càng giảm. Trên thế giới những mô hình kinh doanh của Airbnb, Uber, Apple, Uber đã làm thay đổi chuỗi giá trị ngành truyền thống và định hình lại ngành kinh doanh;

Chuyển đổi số để bắt kịp với sự thay đổi là yêu cầu bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy: trong số 500 công ty được ghi trên danh sách Fortune 500 vào năm 1955, chỉ còn chưa đến 12% công ty còn tồn tại trên danh sách vào năm 2017, phần lớn những công ty còn lại đã phá sản hoặc bị đẩy ra khỏi vị trí Top đầu do theo kịp sự thay đổi của thời đại và bị loại bỏ khỏi cuộc đua toàn cầu…

Đối với doanh nghiệp Việt Nam thì Chuyển đổi số là vấn đề cốt yếu để giúp doanh nghiệp có thể sống sót qua đại dịch cũng như phát triển trong tương lai, cũng như tránh tụt hậu càng xa so với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê trong 11 tháng đầu năm 2021: số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52,1 nghìn doanh nghiệp; gần 39,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 14,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có gần 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chuyển đổi số là giải pháp đột phá và bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản trị nội bộ, mà còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, tăng trưởng doanh với các mô hình cung cấp dịch vụ mới,… Nắm bắt và vận dụng tốt cơ hội chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ không chỉ tồn tại mà có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Những lợi ích mà ứng dụng công nghệ chuyển số mang lại cho doanh nghiệp có thể kể đến:

Nâng cao hiệu quả hoạt động: tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tối ưu nguồn lực, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, …

Tăng trải nghiệm khách hàng: thông qua thu thập liên tục các dữ liệu thị trường, khách hàng và đối thủ cạnh tranh giúp hỗ trợ khách hàng được tốt hơn, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ hiệu quả hơn. Ví dụ: các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng, ví điện tử đã ứng dụng eKYC trong quá trình làm các thủ tục cung cấp dịch vụ; EVN sử dụng IoT trong lĩnh vực đo công tơ điện của để thay đổi trải nghiệm khách hàng dùng điện tăng cường tính minh bạch rõ ràng.

Tạo ra mô hình kinh doanh mới: một ví dụ điển hình là tạo mô hình mới là trường hợp của Công ty Rạng Đông. Từ một doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm thông thường, Công ty đã ứng dụng nền tảng IoT để cung cấp các giải pháp chiếu sáng thông minh cho khu đô thị, nhà thông minh.

Cách tiếp cận và các giải pháp đề xuất cho chuyển đổi số doanh nghiệp

Phương pháp tiếp cận

Với các doanh nghiệp lớnHiện nay, Việt Nam đang có khoảng hơn 20 nghìn doanh nghiệp quy mô lớn với tiềm lực tài chính cho phép đẩy nhanh hành trình ứng dụng công nghệ số, đáp ứng theo các yêu cầu đặc thù của ngành và doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này không chỉ vận động theo cơ chế thị trường, mà còn đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi số của ngành theo các định hướng của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là với các doanh nghiệp lớn của nhà nước (doanh nghiệp SoE).

Với những doanh nghiệp quy mô lớn, việc áp dụng cách tiếp cận chuyển đổi số tổng thể trên cơ sở tham chiếu các tiêu chuẩn, khung làm việc quốc tế sẽ mang lại hiệu quả cao và phát huy tốt nhất các nguồn lực của doanh nghiệp. 4 bước cơ bản trong phương pháp luận chuyển đổi số khuyến nghị cho các doanh nghiệp này bao gồm: Đánh giá doanh nghiệp: đánh giá hiện trạng doanh nghiệp trên cơ sở các khung tham chiếu về trưởng thành số, các khung ứng dụng chuẩn trong mỗi lĩnh vực ngành. Xác định mục tiêu, yêu cầu chuyển đổi số: phù hợp với định hướng kinh doanh và đặc trung ngành nghề mà doanh nghiệp hoạt động. Lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số: phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Xác định lộ trình triển khai chuyển đổi số: phù hợp với mức độ ưu tiên và nguồn lực thực tế của doanh nghiệp.

Một số mô hình trưởng thành phổ biến theo ngành cho các doanh nghiệp lớn bao gồm: một số ngành nghề cũng đang được các doanh nghiệp lớn trên thế giới triển khai áp dụng:

Với các doanh nghiệp nhỏ và vừaCũng giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, phần lớn các doanh Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa. Phương pháp luận chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME vẫn hoàn toàn tương đồng với phương pháp luận sử dụng cho các doanh nghiệp quy mô lớn đã được trình bày tại mục 1.1. Tuy nhiên, để phù hợp với đặc điểm của các doanh nghiệp SME, nội dung đánh giá doanh nghiệp đã được điều chỉnh ngắn gọn để phù hợp với đặc trưng về năng lực tài chính, nguồn lực công nghệ. Cụ thể SME có thể sử dụng các thang đo của Bộ Kế hoạch và đầu tư (theo hướng dẫn tại Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 07/01/2021), Bộ Thông tin và Truyền thông (theo hướng dẫn tại Quyết định số 1970/QĐ-Bộ TTTT ngày 13/12/2021) và của Tập đoàn VNPT xây dựng riêng cho SME. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tham khảo “Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do VINASA công bố thuộc 26 lĩnh vực với 3 cấp độ:

Cấp độ 1Sẵn sàng. Các hoạt động thiết yếu như kinh doanh/bán hàng, sản xuất, cung cấp dịch vụ cho khách hàng đều sử dụng các sản phẩm dịch vụ số hoặc tận dụng các nền tảng số.

Cấp độ 2: Phát triển. Hướng đến ứng dụng chuyển đổi số giúp tự động hóa, nâng cao năng suất: như Tự động hóa bán hàng và vận hành nội bộ, triển khai Ứng dụng di động cho khách hàng & nhân viên. Mọi Dữ liệu tập trung trên lưu trữ đám mây để làm nền tảng cho cấp độ 3.

Cấp độ 3: Đột phá. Sử dụng dữ liệu/Big Data, AI để phân tích dự báo kinh doanh, từ đó phát hiện thị trường mới, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới; giúp doanh nghiệp phát triển đột phá.

Các giải pháp kỹ thuật số

Với phương pháp luận được khái quát ở trên, doanh nghiệp có thể xây dựng được mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho các bước trong hành trình chuyển đổi số, phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế và năng lực nội tại của chính doanh nghiệp. Để tổ chức triển khai thành công kế hoạch này, đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, tiến độ, chi phí, việc lựa chọn đúng các giải pháp kỹ thuật, các công cụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Một số giải pháp kỹ thuật số cần được doanh nghiệp quan tâm xem xét trong quá trình thực thi kế hoạch chuyển đổi số bao gồm:

Đám mây hóaViệc thay thế các máy chủ vật lý truyền thống bằng dịch vụ máy chủ Cloud là xu thế tất yếu của các tổ chức, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề hiệu quả đầu tư, giảm thiểu rủi ro ngưng trệ do các sự cố về hạ tầng. Đám mây hóa mang lại hiệu quả: Tiết kiệm chi phí: không mất chi phí đầu tư ban đầu lớn dành cho phần cứng, hạ tầng CNTT. Sử dụng hiệu quả tài nguyên: doanh nghiệp chủ động việc sử dụng máy chủ Cloud theo từng giai đoạn phát triển, giúp tài nguyên luôn được sử dụng hợp lý, không bị lãng phí hay dư thừa. Đảm bảo hạ tầng hoạt động liên tục: Hạ tầng máy chủ Cloud với quy mô lớn đặt tại các trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn cao giúp hệ thống luôn sẵn sàng, giảm thiểu các sự cố gián đoạn dịch vụ. Đảm bảo khả năng tiếp cận hệ thống thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi. An toàn dữ liệu: giảm thiểu nguy cơ mất an toàn dữ liệu.

Số hoá các ứng dụng quản trị doanh nghiệp, quản lý khách hàngViệc số hóa các quy trình hoạt động của doanh nghiệp thông qua các giải pháp: lập kế hoạch, quản lý nhận sự HRM, quản lý bán lẻ POS, quản lý kênh phân phối DMS, quản lý quan hệ khách hang CRM, tiếp thị đa kênh v.v. sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực, tăng tốc quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm, liên kết các phòng ban nội bộ, tăng trải nghiệm khách hàng,... Hướng đến hình thành một giải pháp tổng thể cho chuyển đổi số doanh nghiệp.

Số hoá hoạt động sản xuấtSố hóa hoạt động sản xuất cho phép doanh nghiệp giám sát thời gian thực các hoạt động tại nhà máy, công trường,…; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua tự động hóa các quy trình, kiểm soát/ điều khiển từ xa; cải tiến công tác dự báo, lập kế hoạch sản xuất trên cơ sở các dữ liệu thực tế.

Một kịch bản số hóa sản xuất điển hình có thể bao gồm các ứng dụng: cảm biến đeo trên người, xe tự hành, thị giác máy, cảm biến trên các thiết bị máy móc, robot công nghiệp, thực tại tăng cường, dự báo kế hoạch sản xuất, dự báo báo dưỡng phòng ngừa,

Thông minh hóa doanh nghiệpĐể phát triển đột phá, cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới, các mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư cho việc ứng dụng các công nghệ 4.0, đặc biệt là các công nghệ AI, BigData. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp:

Dự đoán hành vi của khách hàng: phân tích các hành vi mua sắm, mối quan tâm đến các loại sản phẩm, từ đó dự đoán xu hướng mua sắm để đưa ra các khuyến nghị, quảng cáo phù hợp với nhu cầu của khách hàng; đồng thời hỗ trợ cải tiến chất lượng của công tác lập kế hoạch đầu tư/ sản phẩm của doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng: hỗ trợ việc hình thành một hệ thống chăm sóc khách hàng thông minh, linh hoạt, xây dựng mối liên với khách hàng và chăm sóc khách hàng. Các ứng dụng chatbot/ callbot có thể hỗ trợ nhanh chóng cho nhu cầu của số lượng lớn các khách hàng đồng thời.

Hợp lý hóa chuỗi cung ứng: đánh giá và dự báo nhu cầu của từng khu vực theo thời gian cụ thể. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm lưu kho lượng hàng hóa, giảm gánh nặng về chi phí tồn kho, giảm thời gian cung cấp sản phẩm hàng hóa đến khách hàng.

Xây dựng bản đồ trải nghiệm của khách hàng: thu thập, phân tích tương tác của khách hàng với sản phẩm và doanh nghiệp. Từ đó đưa ra các biện pháp tối ưu các hoạt động cụ thể để giải quyết tận gốc vấn đề khách hàng đang gặp phải, xây dựng mối quan hệ lâu bền với doanh nghiệp; đề xuất các mô hình cung cấp, sản phẩm/ dịch vụ mới.

Tự động hóa các hoạt động của doanh nghiệp thông qua các ứng dụng RPA cho những hoạt động đơn giản, lặp lại, khối lượng lớn. RPA giúp cho nhânviên lược bỏ được những công việc giá trị thấp, tập trung vào các hoạt động đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao.

Ưu tiên triển khai các giải pháp không chạm và thanh toán điện tửTheo thông báo số liệu thống kê của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia VN (Napas): 5 tháng đầu năm 2021, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) và tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng trưởng tương ứng là 50% và 125% so với cùng kỳ năm 2020. Các con số trên cho thấy người dân đang chuyển mạnh sang phương thức mua sắm, chi tiêu trực tuyến nhằm đảm bảo giãn cách và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ thói quen thanh toán điện tử của người dân. Đẩy mạnh kênh thanh toán điện tử và các giải pháp không chạm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp: Tăng doanh thu: đẩy mạnh doanh số bán hàng thông qua ưu điểm tiện lợi, nhanh chóng, phù hợp với yêu cầu giãn cách trong dịch covid-19. Giảm chi phí kinh doanh, chi phí bán hàng, chi phí giao dịch, đồng thời tăng hiệu quả kinh doanh. Giảm chi phí văn phòng, rút ngắn thời gian tác nghiệp, chuẩn hóa thủ tục, nâng cao khả năng tìm kiếm và xử lý chứng từ. Giảm chi phí nhân viên, giảm chi phí bán hàng, tiếp thị. Mở rộng thị trường đến các đối tượng khách hàng ở xa trung tâm, khách hàng quốc tế.

Dịch chuyển sang các giải pháp SaaSĐối với những doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực hạn chế, SaaS là lựa chọn tối ưu cho phép doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số chung. Sử dụng giải pháp SaaS mang lại các lợi ích cho doanh nghiệp: Tiết kiệm chi phí: không tốn chi phí lắp đặt, nâng cấp và bảo trì định kì. Hiệu quả và linh hoạt: cho phép nhân viên làm việc bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn khi họ có thể điều chỉnh kịp thời các thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thông tin, không phải lo lắng về những biến động về giải pháp công nghệ. Cập nhật dễ dàng và tự động: mọi cập nhật về chức năng, tính năng diễn ra tự động, trong suốt với người dùng. Bảo đảm an ninh, an toàn: hệ thống được đảm bảo ATTT bởi đội ngũ chuyên gia và các thiết bị an ninh chuyên dụng. Khả năng mở rộng hệ thống: doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô hệ thống nhanh chóng, không gián đoạn dịch vụ theo nhu cầu của kinh doanh.

Đầu tư cho các giải pháp an ninh an toànTrong tháng 10-2021, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ TT&TT đã ghi nhận 1.093 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 1,77% so với tháng 9 và tăng 42,13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của Gartner, 60% doanh nghiệp kỹ thuật số sẽ gặp phải các lỗi dịch vụ lớn do các nhóm bảo mật không có khả năng xử lý rủi ro kỹ thuật số trong năm 2020, với hơn 445 triệu cuộc tấn công mạng trên toàn cầu.

Để chuyển đổi số thành công và phát triển bền vững, quan tâm, triển khai các giải pháp an toàn an ninh là yêu cầu cần thiết và bắt buộc cho mỗi doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số.

ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐI TỚI TƯƠNG LAI

Là một tập đoàn công nghệ số hàng đầu quốc gia, với những thế mạnh hiện có về hạ tầng số, an ninh số, hệ sinh thái số, VNPT đã tham gia tích cực trong hoạt động chuyển đổi số của đất nước trên cả 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. VNPT đã đầu tư nguồn lực lớn cho hạ tầng số với tổng băng thông kết nối băng rộng hơn 100 Tbps và các trung tâm IDC đạt tiêu chuẩn quốc tế (Tier-3), xây dựng các nền tảng số: kết nối Internet vạn vật (VNPT IOT Platform), Trí tuệ nhân tạo (VNPT AI Platform), dữ liệu lớn (Big Data)… và đa dạng các sản phẩm dịch vụ số phục vụ cho Chuyển đổi số.

Các giải pháp chuyển đổi số do VNPT phát triển đã được triển khai tại 60/63 tỉnh, thành phố và 15 Bộ ngành. Nhiều dự án quốc gia thành công có sự tham gia tích cực, chủ đạo của VNPT như: Hệ thống báo cáo quốc gia kết nối thông tin với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước với trên 500 chỉ tiêu thông tin báo cáo trực tuyến; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang quản lý thông tin của gần 100 triệu công dân Việt Nam giúp hình thành nền móng của định danh điện tử - là định danh duy nhất cho các cá nhân trên môi trường số…

Với vai trò tập đoàn công nghệ tiên phong, dẫn dắt xây dựng và phát triển kinh tế số, VNPT cam kết đồng hành cùng các Doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số của mình. Các cam kết này được cụ thể hóa theo 03 chương trình hành động cụ thể:

Thứ nhất, VNPT cam kết tập trung phát triển hạ tầng số, các nền tảng công nghệ số (Cloud, IOT, AI, Big Data…), các dịch vụ số có tính đột phá/phổ cập và là đối tác tin cậy giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có một nền tảng vững chắc để phát triển các ứng dụng công nghệ “Make in Vietnam”, phục vụ toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam và hướng ra môi trường quốc tế. Các giải pháp về điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, … đều được phát triển, triển khai và vận hành bởi các kỹ sư VNPT với dữ liệu đặt tại Việt Nam; cung cấp các giao diện API/ SDK mở cho các tổ chức/ cá nhân công nghệ khác tích hợp, phát triển những ứng dụng mới cho các bài toán cụ thể theo ngành nghề. Điển hình vừa qua nền tảng định danh cá nhân VNPT eKYC/ BioID đang phục vụ mỗi ngày từ 500.000 đến 1 triệu giao dịch trong tất cả các lĩnh vực thiết yếu của đời sống kinh tế xã hội như: Ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông, thương mại điện tử, logistic, du lịch, khách sạn... và dịch vụ Chữ ký số từ xa – VNPT SmartCA là hình thức chữ ký số hiện đại, bảo mật và thuận tiện qua đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian giao dịch của các tổ chức doanh nghiệp.

Thứ hai, VNPT chủ động hợp tác chuyển đổi số với các Tập đoàn, Tổng Công ty là các đơn vị lớn, đứng đầu các ngành nghề trong nền kinh tế. Với kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số đã thực hiện cho nội bộ VNPT và các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các chuyên gia của VNPT sẽ đồng hành với các Tập đoàn/ Tổng công ty lớn trong hành trình chuyển đổi số từ khâu hình thành chiến lược, khảo sát đánh giá năng lực chuyển đổi số, xây dựng khung kiến trúc doanh nghiệp và các sáng kiến chuyển đổi số dành riêng trên đặc thù của mỗi Tập đoàn/ Tổng Công ty đến tổ chức triển khai. VNPT sẽ đóng góp và chia sẻ các công nghệ cốt lõi là thế mạnh của VNPT vào các sáng kiến chuyển đổi số của các Tập đoàn. VNPT mong muốn và sẵn sàng kết hợp với các Tập đoàn kinh tế để phát triển, hình thành, cung cấp các nền tảng số dành riêng cho các ngành nghề như: nền tảng giao dịch hậu cần – vận tải – xuất, nhập khẩu; nền tảng kết nối nông sản; nền tảng kết nối du lịch – khách sạn…

Thứ ba, VNPT cam kết đồng hành chuyển đổi số cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể kinh doanh trong kỷ nguyên số. Thấu hiểu sâu sắc tình hình thiếu nguồn lực, năng lực quản trị còn yếu, VNPT đã thực hiện đóng gói và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho SME dưới hình thức XaaS (Everything as a Service) qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng sử dụng các dịch vụ số với mức chi phí hợp lý – trả tiền theo thực tế sử dụng. Các dịch vụ chuyển đổi số cho DNNVV được cung cấp trên một nền tảng chuyển đổi số toàn diện - Nền tảng Chuyển đổi số oneSME (https://onesme.vn) giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm, chủ động lựa chọn và tích hợp các dịch vụ, giải pháp số phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp mình. Nền tảng oneSME cũng tự động tổng hợp nhu cầu của khách hàng, tính toán và đưa ra chi phí sản phẩm, các ưu đãi tích hợp. Thông qua nền tảng oneSME, doanh nghiệp có thể tích hợp và tích tụ dữ liệu xuyên suốt hành trình phát triển của doanh nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu quốc gia: Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, VNPT mong muốn được đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam, cùng VCCI trong hành trình chuyển đổi số, cùng nhau hiện thực hóa khát vọng vì Một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

.