Tham luận của ông ĐẶNG HỒNG ANH - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tại Đại hội VCCI lần thứ VII
Tham luận của ông ĐẶNG HỒNG ANH - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tại Đại hội VCCI lần thứ VII
Trong vòng 10 năm qua, bất chấp những thăng trầm của nền kinh tế thế giới, bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid 19 đang hiện hữu, những từ khóa như “Khởi nghiệp”, “Khởi nghiệp sáng tạo”, “thúc đẩy tinh thần kinh doanh” tại Việt Nam vẫn tiếp tục xu thế trên truyền thông chính thống cũng như xã hội.
Các chính sách của Nhà nước, sự cổ vũ của cộng đồng, sự nhạy bén của các nhà khởi nghiệp đã tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ trong thanh niên, doanh nhân trẻ. Năm 2016, Chính phủ đã chính thức ấn định là năm quốc gia khởi nghiệp, đánh dấu thời điểm phong trào được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Đặc biệt, giai đoạn 2017 – 2025 được xem là thời kỳ vàng cho khởi nghiệp với sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN).
Trong giai đoạn này, rất nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã ra đời: Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Techfest (sự kiện thường niên của Chính phủ dành cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST); đặc biệt, năm 2017, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời đã tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Nói như vậy không hẳn bức tranh Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Việt Nam chỉ toàn màu sáng, vẫn còn đó nhiều khó khăn, hạn chế có tính căn bản rất cần được tháo gỡ trong thời gian tới:
Thứ nhất là về vốn: Các dự án khởi nghiệp thường bắt nguồn bằng vốn tự có của thành viên sáng lập, không có tài sản đảm bảo có giá trị để vay vốn ngân hàng. Đặc biệt, thông tin về dự án là rất hạn chế, khiến các nhà đầu tư khó tiếp cận, không có hình dung rõ rệt về thị trường sản phẩm, năng lực nhà sáng lập. Đối với bản thân các Startup cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận với các nhà đầu tư, thiếu những cổng thông tin có uy tín để kết nối được bên cần và bên có.
Thứ hai, hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao chưa cao: Hiện Việt Nam đã có một số điểm sáng như Zalo và hệ sinh thái riêng trong lĩnh vực tin nhắn, Bee trong lĩnh vực gọi xe công nghệ,... Tuy đã đạt được những thành công nhất định, nhưng các ứng dụng trên của các startup Việt chưa có những tính năng độc đáo riêng, hoặc tính năng ưu việt có sức cạnh tranh hơn so với các đối thủ nước ngoài.
Thứ ba, hạn chế về nhân lực trình độ cao: Sinh viên giỏi trong trường ngoài kiến thức lý thuyết ra, sự va chạm thực hành và thực tế rất hạn chế. Ở một khía cạnh khác, nhân sự chủ chốt trong các dự án khởi nghiệp thường có chuyên ngành về kỹ thuật, công nghệ, thiếu kiến thức về kinh doanh, kinh tế, tư duy điều hành, quản lý doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm.
Thứ tư, vấn đề tư duy của startup: Đó là tư tưởng dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại, sai thì sửa, hỏng thì làm lại. Theo Báo cáo của GEM 2017/2018 Global report công bố, chỉ số lo sợ thất bại khi kinh doanh của Việt Nam vẫn ở mức cao. Đặc biệt, tâm lý chấp nhận thực tại, thỏa mãn với những gì mình có là rào cản cho việc các doanh nhân ngừng phấn đấu trong sự nghiệp. Điều này có thể thấy rõ trong nền tảng kinh doanh bán lẻ, kinh doanh hộ gia đình, cũng là nguyên nhân từ thực trạng kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ tại Việt Nam.
Thứ năm, khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến việc gia nhập thị trường, bảo hộ sở hữu trí tuệ, khuôn khổ để thử nghiệm các lĩnh vực mới, sự chấp nhận của luật pháp với sáng tạo. Nhận thức về pháp lý của các doanh nhân trẻ cũng như sự chủ động hỗ trợ, tư vấn của các cơ quan liên quan còn hạn chế.
Thứ sáu, hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển. Các dự án khởi nghiệp thường không có đủ điều kiện để trang trải các chi phí cho máy móc, thiết bị và phát triển ý tưởng, sản phẩm; Cũng như hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển.
Thứ bảy, chưa có kiến thức nền tảng vững chắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến luật doanh nghiệp cũng là một trong những hạn chế khiến doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại.
Với những nguyên nhân và hạn chế nêu trên, để có thể thúc đẩy hơn nữa tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên và doanh nhân trẻ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam xin đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:
1. Thay đổi tư duy và nhận thức đối với người đứng đầu doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số:
Các thành viên sáng lập phải luôn luôn có sự quyết tâm cao trong việc học hỏi phương pháp khởi nghiệp tinh gọn, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thường xuyên xem xét lại mô hình kinh doanh để phát hiện và điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Để làm được điều này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thường lồng ghép việc phổ biến và truyền thông mạnh mẽ trong các Hội nghị sơ kết, tổng kết, dịp Đại hội các diễn đàn, tọa đàm chuyên đề về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để làm thay đổi nhận thức, tư duy của những người đứng đầu doanh nghiệp, giới thiệu các mô hình chuyển đổi số thành công của hội viên, giới thiệu và PR cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nhân trẻ, startup tới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để họ có thể hiện thực hóa các sản phẩm đổi mới sáng tạo của mình, giúp ích cho cộng đồng và xã hội.
2. Về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các CEO trẻ trong kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:
Tổ chức các khóa đào tạo thông qua các chương trình: Cà phê doanh nhân; Khởi nghiệp 1 kèm 1 (1 doanh nhân có kinh nghiệm và đã thành công ở trong Hội nhận kèm 1 startup để tư vấn, hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh); Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp từ Trung ương tới địa phương: Tổ chức định kỳ các hội thảo, webinar chuyên đề về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho Hội viên, đặc biệt, còn có các chương trình mentoring, hướng dẫn riêng theo đặt hàng của doanh nghiệp; liên kết với các trường đại học, tổ chức các buổi nói chuyện truyền đạt kinh nghiệm, tư duy khởi nghiệp cho sinh viên.
3. Xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Doanh nhân trẻ Việt Nam:
Ở đó có sự tham gia của các chuyên gia về đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các startup để tư vấn, hỗ trợ và kết nối cho các dự án đổi mới sáng tạo khả thi, mang tính thực tiễn. Các nhà đầu tư có thể là những doanh nhân thành đạt trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, thành viên trong Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Cộng đồng startup và doanh nhân trẻ tham gia hệ sinh thái là hội viên Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp – Doanh nhân trẻ Việt Nam, hội viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Công nghệ và chuyển đổi số - Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ kế thừa Doanh nhân trẻ Việt Nam...
4. Thành lập các Quỹ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp:
Qua đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng mong rằng các ngân hàng, tổ chức tín dụng nên nghiên cứu trích lập và xây dựng quĩ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp và phối hợp cùng các hiệp hội như Hội DNT Việt Nam thẩm định các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp có tính khả thi để đầu tư và có cơ chế hỗ trợ về vốn ưu đãi cho các dự án khởi nghiệp.
5. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp:
Khi cơ cấu của các ngành công nghiệp thay đổi với hàng loạt công nghệ, quy trình và phương pháp quản lý mới sẽ tạo ra bởi nguồn lực tri thức cao. Nguồn lực tri thức sẽ trở thành giá trị cốt lõi của nền sản xuất chứ không phải là nguồn vốn. Do vậy, việc các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng cho mình một trung tâm/hay phòng ban đổi mới sáng tạo để nghiên cứu và đưa ra những sáng kiến mang tính sáng tạo phục vụ cho việc đem lại giá trị cao cho sản phẩm của doanh nghiệp mình là điều rất quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho chính doanh nghiệp đó.