Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là giải pháp quan trọng hàng đầu, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp đột phá và tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác này.
Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh Nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Cầm Ngọc Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La xung quanh vấn đề này.
Năm 2017, Chỉ số xếp hạng CCHC của tỉnh Sơn La đạt 81,25 điểm, tăng 7,62 điểm so với năm 2016, cao hơn mức trung bình cả nước 3,53 điểm, xếp thứ 19, thăng hạng 14 bậc, lọt vào nhóm 20 tỉnh tốt nhất.
- Năm 2017, Chỉ số xếp hạng CCHC của tỉnh Sơn La tăng14 bậc so với năm 2016, vậy đâu là giải pháp đột phá của tỉnh trong năm vừa qua, thưa ông?
Trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Chỉ số xếp hạng CCHC của Sơn La tăng 3 bậc, đứng thứ 3, sau Phú Thọ và Bắc Giang.
Trong 8 chỉ số thành phần, Sơn La có 5 chỉ số cao hơn và 03 chỉ số thấp hơn giá trị trung bình của các tỉnh, thành phố. Có 5 chỉ số đạt từ 82% mức tối đa, cao nhất là chỉ số tác động của CCHC, đạt gần 100%. Đặc biệt, có 02 chỉ số dẫn đầu cả nước là xây dựng & thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ công chức viên chức. Còn 3 chỉ số đạt dưới 80%, thấp nhất là đổi mới cơ chế tài chính công đạt 55%, và hiện đại hóa hành chính đạt 60,81%
Chỉ số xếp hạng CCHC của tỉnh Sơn La 4 năm liên tục tăng so với các tỉnh thành trong cả nước, cụ thể năm 2014 xếp vị trí 56/63, năm 2015 xếp vị trí 42/63, năm 2016 xếp vị trí 33/63, năm 2017 xếp thứ 19/63.
Đạt được kết quả như vậy, tỉnh đã thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, đó là thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Sơn La và tổ chức đi vào hoạt động sớm trước 05 tháng so với kế hoạch (ngày 02/6/2017); thành lập và khai trương Trung tâm Hành chính công tại 12 huyện, thành phố sớm trước 01 năm so với kế hoạch; thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, Hội Cà phê Sơn La; kiện toàn Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các chi hội ở cấp huyện...
- Riêng công tác công khai và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) đã được thực hiện ra sao, thưa ông?
Tỉnh đã đưa 1.125 TTHC được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công tỉnh; đồng thời cắt giảm số ngày giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh từ 21.016 ngày xuống còn 17.378 ngày, đạt 17,31%.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã cung cấp: 1.376 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (đạt 100%); 248 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 67 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4... Nhờ vậy, tỷ lệ hồ sơ, TTHC xử lý trực tuyến ở mức độ 4 đạt 30,09% đảm bảo tiêu chí chỉ số CCHC cấp tỉnh.
Đến nay, 100% sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, và 80% xã, phường, thị trấn đã và đang ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008.
- Vậy đâu là những hạn chế mà Sơn La cần khắc phục trong công tác CCHC, thưa ông?
Việc chỉ đạo, điều hành công tác CCHC ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác CCHC ở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến ở mức độ 3 chưa đạt yêu cầu (đạt 0,05%). Việc công bố chuẩn hóa, đăng nhập dữ liệu TTHC còn chậm so với tiến độ yêu cầu.
Ngoài ra, việc thống kê, rà soát, cập nhật, công bố, hệ thống hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã còn chưa thường xuyên. Việc niêm yết công khai các TTHC tại một số xã còn chưa đầy đủ, chưa khoa học, chưa thuận lợi cho việc tra cứu. Đó là những tồn tại mà Sơn La phải khắc phục trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!