Hướng đi nào cho truyền hình trả tiền?
DID đơn vị sở hữu bản quyền bộ phim Gạo nếp gạo tẻ, đã khởi kiện FPT vì lý do vi phạm bản quyền trong thời gian dài. Điều này đặt ra vấn đề tranh cãi liên quan đến truyền hình trả tiền.
Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình trong đó nổi lên ý kiến quan ngại của các doanh nghiệp OTT về việc danh mục nội dung có thể lên đến hàng nghìn bộ phim, việc cung cấp danh mục và thỏa thuận bản quyền của toàn bộ các nội dung là khó khả thi.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình sửa đổi: Đánh đố doanh nghiệp
13:55, 12/12/2018
Khởi động chương trình truyền hình thực tế giúp bạn trẻ biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực
17:54, 20/09/2018
Kinh doanh sóng truyền hình, từ World Cup đến Asiad
19:52, 12/08/2018
Bên cạnh khía cạnh công nghệ thì vấn đề bản quyền luôn là thách thức đối với các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số. Tuy vậy, tính đến thời điểm này những khái niệm như VOD (video on demand) không còn là những khái niệm quá mới. Đồng thời, với sự bành trướng của những tay chơi mang tầm quốc tế như Netflix, mô hình phát triển cho các doanh nghiệp OTT không phải là không có.
Doanh nghiệp tham gia VOD cũng đồng nghĩa họ đã tạo nên sự cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền hình truyền thống thông qua việc tạo nên lựa chọn linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân. Bản chất của “on demand” chính là ở chỗ đó. Có hai điều cần làm rõ khi nhìn vào thực trạng của lĩnh vực VOD tại Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, qui mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu về tính qui mô của mô hình kinh doanh (economies of scale).
Thứ hai, vấn đề bản quyền chưa được tôn trọng một cách triệt để.
VOD là một lĩnh vực kinh doanh mang tính qui mô lớn. Tính qui mô lớn được xác định thông qua việc nó phải tạo ra hoặc sử hữu một lượng nội dung cực lớn để đáp ứng nhu cầu của người xem trong suốt 24h/ngày. Đồng thời, các doanh nghiệp VOD còn có đối thủ cạnh tranh là ngành truyền hình truyền thống. Các công ty truyền hình trả tiền đã ấn định một mức giá thấp. Đây sẽ điểm “neo” để doanh nghiệp VOD phải cân nhắc. Việc định giá cao nhưng không chứng minh được cho người dùng thấy được “giá trị” của việc định giá cao này là gì, đồng nghĩa với tự sát.
Dường như lý do thứ nhất, cũng dẫn theo đó vấn nạn thứ hai. Để có thể trụ được trong cuộc chiến giành khách hàng, các doanh nghiệp VOD tại Việt Nam gần như chỉ có một lựa chọn duy nhất là GIÁ RẺ. Nhưng cũng chính từ mức giá rẻ này, nó không đủ để doanh nghiệp VOD có thể trang trải được các chi phí công nghệ, vận hành và quan trọng nhất là chi phí bản quyền cho các chủ sở hữu phim. Thế nên trước sức ép của cạnh tranh và việc áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ một cách không nhất quán, càng thôi thúc các các doanh nghiệp kinh doanh VOD qui mô nhỏ lựa chọn việc vi phạm quyền của các nhà sản xuất hoặc sở hữu phim.
Một vài gợi ý từ thực tiễn
Doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường VOD, cần phải xác định từ đầu đây là cuộc chơi lớn. Bởi việc đầu tư nửa vời và bóc lột các nhà sản xuất phim thông qua việc sử dụng tác phẩm không trả tiền nhằm giảm chi phí sản xuất đều là những hành vi bất chính và bao hàm rủi ro.
Đáp ứng cho nhu cầu về bản quyền, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc thoả thuận với các tổ chức trung gian để có được bản quyền hợp pháp. Các đài truyền hình phải trả rất nhiều tiền cho bản quyền phát sóng bóng đá, thì không có lý do gì để các tác phẩm điện ảnh không được đối xử tương tự.
Trong dài hạn, mô hình của Netflix cũng đáng để tham khảo. Bằng việc tự bỏ tiền để tạo ra các nội dung chuyên biệt, nó chính là lý do để doanh nghiệp VOD thu hút khách hàng và thậm chí là nâng giá cao hơn so với các đối thủ trên thị trường. So bó đũa chọn cột cờ. Trong bối cảnh của một thị trường giải trí đáng buồn như Việt Nam, nơi mà ngôn tình nửa mùa và Boléro đang tràn ngập, thì việc tạo ra nội dung thú vị hoặc lạ hơn để đáp ứng nhu cầu của khán giả, chắc không phải là quá khó.
Nhưng VOD ở Việt Nam chắc chắn sẽ thất bại nếu thiếu sự hậu thuẫn của Nhà nước thông qua việc đẩy mạnh việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Những trang web phát phim “lậu” như hiện nay sẽ giết chết các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. (Nếu nhìn từ đó thì những doanh nghiệp VOD hiện nay đang sử dụng các tác phẩm của người khác khi chưa được phép, thì có khác gì các website chiếu phim lậu, ngoại trừ việc họ có qui mô lớ hơn???).
Con người luôn hành động vì lợi ích. Vị trí của doanh nghiệp VOD, về cơ bản nằm ở khâu trung gian giữa nhà sản xuất và khán giả. Nhà sản xuất được trả xứng đáng với công sức sáng tạo, sẽ là động cơ thúc đẩy họ tạo ra các sản phẩm thú vị. Ở chiều ngược lại, qui luật thị trường sẽ hướng dẫn cho các nhà sản xuất rút lui khỏi thị trường hoặc chỉ đầu tư nửa vời để tạo nên những thứ “văn hoá rác rưởi” tương xứng với giá trị mà họ được hưởng. Đấy, quản lý nhà nước chính là như vậy!
Công ty Truyền thông DID TV (DID), đơn vị đầu tư sản xuất và sở hữu bản quyền bộ phim Gạo nếp gạo tẻ, đã khởi kiện Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (gọi tắt là FPT) vì lý do vi phạm bản quyền trong thời gian dài. Đồng thời DID yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 9 tỉ đồng. Theo DID, không chỉ FPT mà có rất nhiều đơn vị đang "xài chùa" phim Gạo nếp gạo tẻ trên các kênh YouTube, Facebook và nhiều ứng dụng khác. Từ tháng 8/2018, FPT đã sao chép, lưu trữ và khai thác toàn bộ 76 tập của bộ phim Gạo nếp gạo tẻ dưới hình thức xem phim theo yêu cầu. Khách hàng thuê bao của FPT có thể xem phim trên hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền mà không có bất kỳ thỏa thuận nào với DID. Việc “xài chùa” này gây thiệt hại đáng kể cho nhà sản xuất. Đến tháng 10/2018, DID đã gửi công văn đến lãnh đạo FPT cảnh báo về hành vi vi phạm nhưng vẫn bị FPT “lơ đẹp”. Cuối tháng 10/2018, đại diện của FPT đã có buổi làm việc trực tiếp đầu tiên với nhà sản xuất. Sau đó, FPT cam kết sẽ không khai thác bộ phim Gạo nếp gạo tẻ , đồng thời đề nghị DID bán quyền khai thác bộ phim này với mức phí bản quyền là 250 triệu đồng. Trong khi đó, DID yêu cầu FPT trả phí bản quyền với số tiền trên 9 tỉ đồng. Vụ kiện đã được TAND quận 3, TP HCM thụ lý. Sau khi theo đuổi vụ kiện với FPT, Công ty DID cho biết sẽ làm việc với các đơn vị vi phạm khác. |