Bài học bổ ích giúp trẻ ghi nhớ việc rửa tay
Việc rửa tay bằng xà phòng nhằm phòng tránh và hạn chế tối đa nhất các bệnh lây nhiễm từ dịch bệnh, vậy bằng cách nào để chứng minh và giúp học sinh, trẻ nhỏ dễ hiểu nhất về điều này.
Tác dụng của xà phòng
Đây là câu hỏi khiến các bậc phụ huynh trăn trở, mong muốn con mình hiểu được tác dụng của việc rửa tay bằng xà phòng và ghi nhớ để thực hiện. Vì biết rằng con trẻ luôn hiếu động, hay quên chưa ý thức được hết tầm quan trọng của việc vệ sinh cá nhân, đặc biệt là giữ gìn một đôi tay sạch trong mùa dịch bệnh.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng lý giải, xà bông/xà phòng có chứa các phân tử 2 cực, một cực là ưa nước, tan trong nước; đầu còn lại ưa mỡ và chất béo, không tan trong nước. Đầu kỵ nước làm tan chất béo, tẩy bỏ vết bẩn, vi khuẩn trên da. Đầu ưa nước giúp các chất bẩn bị hòa tan vào nước và bị nước cuốn đi.
Còn nước rửa tay khô, sau khi xịt lên tay, bay hơi rất nhanh và vi khuẩn, chất bẩn sẽ tạo thành một lớp màng bám trên tay. Cho nên, dù rửa bằng nước rửa tay khô chỉ đáp ứng sự tiện lợi, còn không đảm bảo sạch sâu bằng việc rửa tay từ xà phòng. Đây là thông tin không mới, nó được phổ biến rất nhiều qua các kênh thông tin báo đài, và gần đây nhất, khái niệm rửa tay đúng cách bằng xà phòng luôn có ở bất cứ khuyến cáo nào của Bộ Y tế.
Thế nhưng, để giúp học sinh nhỏ tuổi hiểu được tác dụng của việc rửa tay như thế nào, nhằm giúp chúng ghi nhớ và thực hiện thì không phải là điều đơn giản.
Theo bà Jaralee Metcalf - chuyên gia hành vi tại trường Tiểu học ở Idaho Falls ( Mỹ), muốn học sinh của mình ý thức và hiểu hơn việc vệ sinh đúng cách, bà bèn làm một thí nghiệm sống động giúp học sinh tại trường thấy được sức mạnh từ khái niệm "vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng".
Cụ thể, để giải thích cho việc vi khuẩn đã lây lan, phát triển như thế nào và vì sao chúng ta thường xuyên rửa tay, Jaralee Metcalf đã nghĩ ra một thí nghiệm đơn giản với ổ bánh mì. Bà đã nhờ một vài học sinh của mình với độ sạch của các bàn tay khác nhau, chạm vào 5 lát bánh mì được cắt ra từ 1 ổ và cùng thời điểm.
Lát số 1: Được cọ xát vào màn hình và bàn phím máy tính
Lát số 2: Để nguyên trong túi, không chạm vào
Lát số 3: Tay bẩn chạm vào
Lát 4: Tay rửa sạch bằng xà phòng chạm vào
Lát 5: Chạm vào bằng tay đã rửa nước khử trùng( nước rửa tay khô)
Sau đó, các lát bánh mì được cho vào túi và buộc lại trong vòng một tháng. Sau thời gian trên, quan sát từ kết quả thu được, chúng ta đã thấy hiện tượng vi khuẩn đã sinh sôi và phát triển nhanh chóng.
Ngoài lát số 2 không chạm vào để nguyên trong túi sau 1 tháng, tình trạng còn nguyên như mới. Còn 4 lát làm thí nghiệm, thì lát số 4 là lát duy nhất không bị vi khuẩn tấn công, vì đó là lát bánh mì được chạm tay sau khi rửa bằng xà phòng, điều này khiến lũ trẻ kinh ngạc và thấy lý do tại sao cần rửa tay đúng cách bằng bằng xà phòng.
Tuy nhiên, thực tế rửa tay thường xuyên bằng nước hay nước khử trùng chưa đủ. Điều này được chứng minh ở miếng bánh mì số 5, dù được rửa tay khử trùng nhưng khi chạm vào miếng bánh vẫn bị vi khuẩn tấn công. Do vậy đây là bằng chứng cho thấy việc sử dụng nước rửa tay khô tuy tiện lợi nhưng không thể đảm bảo sạch bằng việc rửa tay bằng xà phòng.
Kết quả thí nghiệm thú vị này không chỉ là bài học của cô trò Jaralee Metcalf mà nó còn nó lời nhắc nhở đến tất cả các bậc cha mẹ rằng, hãy thúc giục con em mình nên rửa tay bằng xà phòng mỗi ngày, một cách cẩn thận.
Đặc biệt vào đợt dịch viêm phổi từ chủng Corona hiện nay thì rửa tay bằng xà phòng nên thực hiện nhiều lần, mỗi lần ít nhất 20 giây để phòng tránh lây nhiễm. Thậm chí rửa tay nhiều lần trong ngày, sau khi ho, hắt hơi, sau khi tháo khẩu trang, sau khi chăm sóc người bệnh, trước bữa ăn và sau khi chế biến thực phẩm, hoặc sau khi tiếp xúc với động vật và sau khi đi vệ sinh.
Trước dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, WHO khuyến cáo thực hiện 6 bước vệ sinh tay đúng cách để phòng chống dịch bệnh:
Bước 1: Làm ướt tay và chà sát vào cục xà bông hoặc lấy một chút nước rửa tay chứa cồn vào lòng bàn tay.
Bước 2: Chà rửa hai lòng bàn tay với nhau như bình thường rồi đan các ngón tay với nhau để làm sạch các kẽ ngón tay.
Bước 3: Xoa lòng bàn tay phải lên mu bàn tay trái với các ngón tay đan nhau để các kẽ tay được làm sạch và ngược lại.
Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch khe các ngón tay bằng cách xoay cổ tay nửa vòng.
Bước 5: Nắm chặt ngón tay cái bàn tay phải và chà rửa ngón tay theo chuyển động tròn rồi đổi tay.
Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.