[COVID-19] Nên cho học sinh tiếp tục nghỉ?
Trong một buổi tọa đàm dịch COVID-19, một số nhà báo và một nhà toán học của Viện Toán đặt ra câu hỏi khá gay gắt, rằng có cho trẻ đi học hay tiếp tục nghỉ.
Đây không phải thẩm quyền của tôi, nó cũng vượt quá khả năng để tôi có thể trả lời, nhưng tôi có đưa ra quan điểm cá nhân như một thông điệp.
"Trước một dịch bệnh nguy hiểm, trường học nếu được chuẩn bị tốt theo đúng hướng dẫn chuyên môn y khoa và hệ thống giáo dục sẵn sàng tiếp nhận, thì đó là nơi an toàn nhất cho các em học sinh; ngược lại, trường học sẽ là nơi rất nguy hiểm đe dọa an toàn sức khỏe không chỉ với học sinh, mà với cả cộng đồng".
Do thời lượng buổi tọa đàm có hạn nên tôi quyết định không giải thích rõ quan điểm của tôi.
Nhà báo Nguyễn Cường, người bạn mới của tôi có lẽ đã ấn tượng với thông điệp ấy, anh đăng lên trang cá nhân một ý, rằng theo bác sĩ Phúc thì không nên cho học sinh đi học vào thời điểm này. Ngay lập tức có một số bạn đọc nhận xét, tôi thấy những nhận xét ấy có ý nghĩa với cá nhân tôi như một bài học, xin được phép đăng lên cùng với vài lời thanh minh của tôi.
Một ý kiến đăng 4 câu thơ:
“Bác sĩ này ngộ thiệt phải không em
Như cô giáo lên phây kêu mình đâu phải là bác sĩ
Sức khoẻ học trò là việc của cha, của mẹ
Cô giáo giảng bài đâu cần biết trẻ khoẻ hay ho".
Có thể bạn quan tâm
Hội An hiệu suất đặt phòng đạt 50% giữa “bão COVID-19”
11:32, 22/02/2020
Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm hơn 32% do bị ảnh hưởng Covid-19
06:51, 22/02/2020
[COVID-19]: Dự án nghiên cứu vắc xin của Việt Nam có thể có kết quả trong 12 tháng tới
04:18, 22/02/2020
VCCI Đà Nẵng đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vượt “bão COVID-19”
12:34, 21/02/2020
[COVID-19] Con cái nghỉ học, cha mẹ chật vật tìm phương án gửi con
11:35, 20/02/2020
Vài ý kiến khác phản ứng tại sao bác sĩ lại đi nói về giáo dục, về năng lực kiểm soát bệnh dịch của các thầy cô, nhấn mạnh tôi chỉ là “bác sĩ chẩn đoán hình ảnh”.
Trở lại với tọa đàm 2 hôm trước, cuối buổi có 4 bạn phóng viên báo chí ở lại trò chuyện thêm với tôi hơn 2 tiếng đồng hồ, tôi có giải thích kĩ hơn về thông điệp mà tôi đưa ra, nhưng cũng mất khá nhiều thời gian để thuyết phục các nhà báo khó tính.
Khi giải thích, tôi nhắc đến mô hình toán học hệ 20 phương trình tích phân vi phân với 20 ẩn số tôi thử tập xây dựng, dựa trên dịch COVID-19 lần này. Tôi cũng giải thích kĩ về việc các bác sĩ Trung Quốc sử dụng hàm số bậc 3 để nói về chụp cắt lớp vi tính phổi chẩn đoán bệnh COVID-19, đó là một trong số những lí do chính quyền Trung Quốc đã thay đổi cách chẩn đoán COVID-19 dựa vào phim chụp cắt lớp vi tính chứ không nhất thiết phải có xét nghiệm, làm cho số liệu công bố ngày 13/2 lên tới 14840 ca mắc mới.
Rồi sau đó tôi kể câu chuyện đã từng trải nghiệm về dạy học.
Câu chuyện là, năm 1996 tôi có chuyến đi đến Trường Cấp 1-2 Giao Tiến, thuộc xã Môn Tía, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Thời điểm đó có cô giáo ốm không thể đứng hai lớp, gồm lớp 4 và lớp 8 quay lưng vào nhau, nhà trường phải cử cô khác chạy 2 phòng học rất vất vả. Vì thế mà tôi đề xuất với thầy hiệu trưởng cho tôi đứng lớp 1 tuần; và được thầy đồng ý với điều kiện thầy phải xem tôi giảng buổi đầu tiên.
Buổi học đầu tiên ấy: lớp 8 là bài ôn tập về 7 hằng đẳng thức đáng nhớ.
Mở đầu buổi học, thay vì kiểm tra bài cũ theo giáo án của cô chuyển lại, tôi đặt câu hỏi "học toán để làm gì?" và yêu cầu các em suy nghĩ trả lời.
Em lớp trưởng phát biểu: Học toán để sau lớn lên làm bác sĩ!…
Em học sinh thứ 3 phát biểu: Học toán để biết tính tiền hàng cho mẹ! - nhà em này mẹ bán quần áo ở chợ.
Tôi nói với học sinh rằng, bạn lớp trưởng có mơ ước sau này lớn lên làm bác sĩ, đó là mơ ước tuyệt vời, để đạt được ước mơ đó thì bạn phải học thật giỏi toán, vì thi vào đại học y điểm của 3 môn phải rất cao mới có thể đỗ được. Con người có ước mơ, biết mình phải làm gì để đạt được ước mơ, đó là điều rất quan trọng; cả lớp nên học tập bạn về điều này.
Tương tự đến bạn thứ 2...
Rồi bạn thứ 3 rụt rè không dám phát biểu, tôi phải động viên em thử nghĩ xem công việc gì hàng ngày của bố mẹ hoặc của em mà cần đến tính toán, thì em học sinh đó mới nói để tính tiền hàng cho mẹ. Tôi ra một bài toán cho cả lớp: Mẹ bạn nhập về 997 cái quần, mỗi cái quần giá 1003 đồng, hỏi mẹ bạn phải trả bao nhiêu tiền? Thời điểm ấy có hàng SIDA giá rẻ như vậy.
Để giải bài toán: Tất cả học sinh đều làm phép tính = 997x1003.
Tôi nói với học sinh cả lớp rằng, các em làm phép tính rất giỏi, rất chính xác, nghĩa là các em đã biết câu trả lời học toán để làm gì.
Nhưng nếu các em để ý thêm một chút sẽ thấy: Số 997 = (1000 - 3) và số 1003 = (1000 + 3). Vậy cách tách những con số như thế giúp các em liên tưởng tới điều gì?
Nhiều em đã giơ tay phát biểu: Đó là hằng đẳng thức A2 - B2 = (A + B)(A - B).
Như vậy các em chỉ cần nhẩm trong đầu chưa đến vài giây đã cho ra con số chính xác là 1 triệu trừ đi 9 ngàn đồng. Đó là cao hơn tính tiền hàng cho mẹ, các em học toán hay học môn gì cũng vậy, để tối ưu hóa cuộc sống, làm cho cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn lên.
Buổi học trở nên hào hứng và thầy hiệu trưởng đã tin tôi.
Chia tay Trường Cấp 1-2 Giao Tiến với nhiều kỉ niệm, sau này tôi được biết, có nhiều em học sinh của trường đó đã trưởng thành từ những lời động viên của thầy cô.
Tôi cho rằng, giáo dục thay vì nhốt các em trong 4 bức tường để luyện giải toán bằng các mẹo hay, luyện viết văn mẫu, thì hãy giảm bớt việc đó lại để dạy các em cách vận dụng kiến thức vào việc ứng xử với cuộc sống, thì sẽ tốt hơn lên.
Cũng như vậy, nếu trường học hôm nay biết lấy COVID-19 làm chủ đề thầy cô và học sinh cùng rèn luyện kĩ năng phòng tránh thông qua các môn học được ứng dụng vào nó, thì nhà trường sẽ trở thành nơi an toàn nhất với các em. Và cũng từ các em, sẽ lan tỏa kiến thức và kĩ năng thực hành phòng tránh ấy đến các bậc phụ huynh, lan tỏa đến xã hội.
Singapore, nơi có dịch COVID-19 với số bệnh nhân khá nhiều ở mọi thời điểm so với Việt Nam, nhưng quốc gia này không đóng cửa trường học. Mỗi buổi sáng đến lớp, ngay từ cổng, chính các cô lấy nhiệt độ cho từng em. Các môn học đều liên hệ với dịch bệnh, các em thảo luận về nguyên nhân, cách phát hiện triệu chứng, phòng tránh. Trước giờ ra chơi, trước khi trở lại lớp, đến bữa ăn các thầy cô cùng các em xếp hàng rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy đúng kĩ thuật y khoa hướng dẫn. Bản thân học sinh và cô giáo, hiểu rất rõ biện pháp cách li, ai cần đeo khẩu trang và ai không cần đeo, bạn nào cần phải nghỉ ở nhà, bạn nào cần đi khám bác sĩ.
Nước Đức cũng vậy, ngay khi có học sinh từ Trung Quốc trở về, hệ thống phòng bệnh kích hoạt, nhà trường nắm được học sinh đó có liên quan đến yếu tố dịch tễ, thực hiện đúng quy trình phòng dịch khuyên học sinh tự cách li ở nhà và tất cả số học sinh đó đã đồng ý.
Bạn tôi làm bác sĩ có con du học ở Mỹ. Lớp học có một bạn người Bắc Kinh trở lại sau tết Nguyên Đán, thời điểm đó Mỹ chưa cách li người đến từ Bắc Kinh, nên nhà trường chỉ thực hiện theo đúng hướng dẫn là khuyến khích bạn đó nghỉ học tự cách li 14 ngày. Nhưng bạn học sinh đó không đồng y vì ở nhà sẽ rất buồn. Vậy đến lớp, học sinh đó phải đeo khẩu trang đúng cách, cả lớp tiếp xúc với yếu tố nguy cơ nên cũng phải đeo khẩu trang. Nhà trường tuân thủ chặt chẽ các biện pháp theo dõi giám sát.
Hàn Quốc trong dịch MERS-CoV năm 2015 để quốc gia này phải mất 10 tỉ đô la.
Thời điểm đó Hàn Quốc hoảng loạn bao trùm vì những tin đồn, do truyền thông đi chậm 1 nhịp, không có truyền thông nguy cơ; chính phủ phải cho đóng cửa tất cả các trường học từ mẫu giáo đến đại học.
WHO thời điểm đó khuyến cáo Hàn Quốc tiếp tục cho mở cửa trường học, vì đóng cửa trường sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề, trong khi không có bằng chứng MERS-CoV lây nhiễm ở trường học. Nhưng chính phủ Hàn Quốc không còn kiểm soát được trường học, người dân không tin tưởng đưa con đến trường, hệ thống giáo dục không sẵn sàng tiếp nhận, vì thế mà học sinh tiếp tục nghỉ.
Giáo viên, tôi thử làm khảo sát bỏ túi, thấy rằng số nhiều đúng như quan niệm của một bạn bình luận về tôi bằng 4 câu thơ: "Bác sĩ này ngộ thiệt phải không em/ Như cô giáo lên phây kêu mình đâu phải là bác sĩ/ Sức khoẻ học trò là việc của cha, của mẹ/ Cô giáo giảng bài đâu cần biết trẻ khoẻ hay ho".
Nghĩa là ở ta, ngành giáo dục, thầy cô, các em học sinh, cho đến cả phụ huynh vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận cách thức giáo dục trong dịch bệnh COVID-19 như Singapore, Mỹ, Đức họ đang làm.
Ở những quốc gia đó, từng giáo viên và từng em học sinh biết điều tra dịch tễ để phát hiện yếu tố nguy cơ, biết đo nhiệt độ cho nhau hàng ngày, biết phát hiện triệu chứng, biết bạn nào cần đeo khẩu trang, biết như thế nào cần tự cách li ở nhà, như thế nào cần đi khám bác sĩ; như vậy đã giảm đi rất nhiều công việc cho bác sĩ, mà nhà trường lại trở thành nơi an toàn nhất. Trường học của chúng ta, hãy thử tưởng tượng hệ thống công lập mỗi lớp học với 50-60 học sinh, mỗi trường có hàng ngàn em; nếu so với lớp học dưới 20 học sinh ở các quốc gia tôi đề cập, sẽ thấy sự khác biệt nói lên điều gì.
Thử tưởng tượng con tàu du lịch Diamond Princess Nhật Bản với 3700 hành khách, những người lên tàu đã trở thành người bị cách li bất đắc dĩ thay vì chuyến du lịch khắp đại dương, để rồi hôm nay 621 người trên tàu mắc COVID-19 và 2 người đã tử vong vì căn bệnh này. Trường học ở chúng ta, khi chưa có sự chuẩn bị tốt, với số lượng học sinh đông như vậy, liệu có nguy cơ xảy ra con tàu Diamond Princess của Nhật Bản hay không, đó là điều chúng ta cần phải hết sức cân nhắc.
Khi chúng ta chưa sẵn sàng thì nhà trường sẽ là nơi rất nguy hiểm!
Tôi đồng ý rằng, việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học, sẽ để lại những hệ quả vô cùng nặng nề về kinh tế, về văn hóa xã hội. Nhưng không thể đưa học sinh đến lớp khi mà yếu tố rủi ro vẫn còn nhiều. Nếu như Việt Nam vẫn khống chế dịch thành công, tình hình COVID-19 trên thế giới không diễn biến phức tạp đến mức đe dọa sự an toàn của Việt Nam, thì sang tháng 3 nắng gió nhiều hơn, giáo dục có thể cho học sinh quay trở lại trường.
Từ nay đến đó, việc quan trọng cần phải làm là thay đổi nhận thức của tất cả giáo viên, thay đổi quan điểm của ngành giáo dục, tất cả phải bắt tay vào hành động thay vì bàn tiến hay bàn lùi.
Trở lại với một số ý kiến phê phán của các bạn đối với cá nhân tôi, điều các bạn nói là đúng nếu chúng ta tư duy theo "thị trường hình ống". Lúc đó, trong xã hội mỗi người một công việc chuyên biệt, ông bác sĩ chẩn đoán hình ảnh như tôi chỉ nhìn mỗi tờ phim Xquang để phán "trường phổi trái có nốt mờ, trường phổi phải có đám tăng đậm", ông bác sĩ ngoại khoa tiết niệu chỉ mổ thận niệu quản và bàng quang, cùng lắm nếu vào tình huống gấp gáp không có người thì mổ thêm tử cung buồng trứng âm hộ âm đạo, chứ đừng dại dột đi mổ tim mổ não, càng cấm kị bàn đến phòng chống dịch.
Nhưng nếu chúng ta có cái nhìn cởi mở hơn, vượt lên cái tư duy theo "thị trường hình ống" - là một thuật ngữ chuyên môn y khoa để nói về triệu chứng của mắt liên quan đến cái nhìn hạn hẹp, thì vượt lên trên đó sẽ có sự giao thoa giữa các ngành nghề, giữa các lĩnh vực với nhau, mà ranh giới của nó bắt đầu bị xóa bớt.