Khẩu trang và kinh tế "mặc kệ nó"

Nguồn: Phạm Việt Anh - Cố vấn tăng trưởng doanh nghiệp 24/02/2020 15:42

Tranh luận về giá bán quá cao của những khẩu trang trong cao điểm dịch cúm nhìn nhận ở góc độ đạo đức hay góc độ thị trường?

Kền kền sau bão

Việc các cơ quan quản lý mạnh tay xử lý tình trạng đầu cơ, găm khẩu trang trong mùa dịch COVID-19 dẫn đến nhiều tranh luận từ cả hai chiều. Người mua hàng lên án các cửa hàng đẩy giá khẩu trang lên gấp ba, bốn, thậm chí 10 lần. Người bán hàng phản ứng bằng cách đồng loạt treo biển ngưng bán khẩu trang, nước rửa tay.

Thực ra câu chuyện này từng diễn ra ở nhiều nơi. Chẳng hạn, mùa hè năm 2004, siêu bão Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida đến Đại Tây Dương. Cơn bão không chỉ làm 22 người chết và tổn thất 11 tỉ USD mà còn gây ra một cuộc tranh luận về “giá cắt cổ”. Một trạm xăng ở Orlando nâng giá bán túi nước đá từ 2 USD lên 10 USD. Nhà thầu ra giá 23.000 USD để dọn hai cây đổ ra khỏi mái nhà. Các cửa hàng bình thường bán máy phát điện nhỏ giá 250 USD bây giờ hét giá 2.000 USD...

Tờ USA Today chạy tít “Kền kền sau bão” để bình luận về tình trạng trên. Chưởng lý bang Charlie Crist cũng phải thốt lên: “Tôi thật kinh ngạc vì mức độ tham lam trong suy nghĩ của những kẻ sẵn sàng lợi dụng những người đau khổ trong cơn siêu bão”.

Florida có Luật chống giá cắt cổ và sau siêu bão, Văn phòng Chưởng lý bang nhận được hơn 2.000 khiếu nại. Một số đã dẫn đến những vụ kiện thành công. Nhưng ngay cả khi Crist bắt đầu thực thi luật chống giá cắt cổ, một số nhà kinh tế trường phái tự do cho rằng pháp luật và sự phẫn nộ của công chúng đã bị hiểu sai. Họ biện hộ rằng việc giá cả cho việc trao đổi hàng hoá phải được điều chỉnh theo quy luật cung cầu.

Nhà kinh tế Thomas Sowell cho rằng: “Giá cắt cổ là khi giá cao hơn nhiều so với mức giá quen thuộc. Tuy nhiên, mức giá mà bạn quen trả không phải là thứ bất di bất dịch về mặt đạo đức. Chúng cũng chẳng đặc biệt hay hợp lý hơn các mức giá khác do hoàn cảnh thị trường tạo ra, gồm cả hoàn cảnh của cơn bão này”. Jeff Jacoby, nhà bình luận theo xu hướng kinh tế thị trường, thừa nhận rằng: “Giá leo thang gây ra căm hận, đặc biệt khi cuộc sống mọi người bỗng rơi vào tình trạng khốn quẫn do cơn bão gây ra”.

Tuy nhiên, Chưởng lý Crist (đảng viên Cộng hòa, sau được bầu là Thống đốc Florida) đã viết bài trên tờ Tampa bảo vệ Luật chống giá cắt cổ: “Trong trường hợp khẩn cấp, chính quyền không thể lừng chừng để người dân phải trả giá trên trời khi họ phải bỏ của để chạy lấy người hoặc tìm kiếm nhu yếu phẩm cho gia đình sau siêu bão”. Ông cho rằng: “Trong trường hợp khẩn cấp, người mua bị ép buộc, không có tự do. Họ bắt buộc phải mua những thứ thiết yếu như chỗ ở an toàn. Người mua không có tự do lựa chọn mà bị cưỡng ép, khi ấy thị trường tự do không thực sự tự do".

Có thể bạn quan tâm

  • [SARS-CoV-2] Đà Nẵng tiếp tục cách ly 80 hành khách trở về từ Hàn Quốc

    16:03, 24/02/2020

  • [SARS-CoV-2] “Soi” bản lĩnh Tư lệnh ngành Giáo dục

    05:30, 24/02/2020

  • VCCI Đà Nẵng hiến kế giúp doanh nghiệp vượt “bão SARS-CoV-2"

    00:00, 24/02/2020

  • Hàn Quốc “báo động đỏ” tình hình SARS-CoV-2

    19:39, 23/02/2020

  • Hà Nội phát hiện cất giấu 620kg khẩu trang đã qua sử dụng

    17:07, 23/02/2020

  • Nhiều địa phương tiếp tục phát hiện khẩu trang y tế giả 

    15:41, 22/02/2020

  • [Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Khẩu trang chưa hạ nhiệt, “khẩu nghiệp” đã lên ngôi!

    02:41, 22/02/2020

  • [COVID-19] Mua khẩu trang khó hơn mua… vàng!

    11:00, 19/02/2020

  • Dệt kim Đông Xuân sản xuất khẩu trang kháng khuẩn ra sao?

    11:06, 17/02/2020

  • Cuộc chiến “chống giặc COVID-19" và nghi vấn khẩu trang vải kháng khuẩn

    17:30, 16/02/2020

Ngăn chặn lòng tham trong thị trường tự do

Trường hợp của Florida khiến người ta nhớ lại câu nói “Hãy chôn TINA cùng Thatcher!”. Người ta nói vậy trong ngày đưa tang bà Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Anh năm 2013. TINA - THERE IS NO ALTERNATIVE (Không có lựa chọn thay thế khác) là khẩu hiệu nổi tiếng của Margaret Thatcher đã phát triển để khẳng định rằng mọi tranh cãi về chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa chủ nghĩa tư bản, cái gọi là thị trường tự do, thương mại tự do là cách tốt nhất để tạo dựng của cải, cung cấp dịch vụ và phát triển kinh tế xã hội.

Nhưng trên thực tế, di hại kinh tế của trường phái tân tự do (Hai đại diện tiêu biểu là Thatcherism và Reaganism) để lại là những cuộc khủng hoảng kinh tế triền miên, như gần đây là cuộc khủng hoảng 2008 làm gia tăng mất cân đối vĩ mô toàn cầu. Mặc vậy, người giàu vẫn cứ giàu thêm. Kinh tế cứ tăng trưởng, sau hơn 30 năm thu nhập trung bình ở Mỹ tăng lên nhưng thu nhập trung vị lại giảm xuống.

Tân tự do (dòng chính) là thứ kinh tế học phục vụ người giàu, làm mơ hồ thực tế và bóp méo chính sách. Nó giúp một nền kinh tế thị trường vượt quá bản chất tốt đẹp của nó trở thành một nền kinh tế tiền tệ; tham lam nhiều hơn, bất bình đẳng cũng nhiều hơn.

Kinh tế học dòng chính như lời mô tả sau đây của John F. Weeks, vị giáo sư kinh tế học nổi tiếng người Mỹ: “Khi lời dối trá về sự tốt đẹp của cạnh tranh đã được truyền bá thành công, thì sau đó là việc áp dụng tư duy này cho các hộ gia đình và rao giảng giáo điều phi thực tế đế mức phi lý rằng chủ nghĩa tư bản hiền hoà đem lại cơ hội giàu có cho tất cả mọi người. Kinh tế học dòng chính thống đã đưa ra một điều nói dối nghiêm trọng hơn, gây tác động đến các chính sách của chính phủ: sự can thiệp của nhà nước vào thị trường là một điều không tốt. Thương mại tự do giữa các quốc gia đem lại việc làm và hàng hóa giá rẻ”.

Sự thật thì khác. Cạnh tranh tư bản chủ nghĩa không có sự điều tiết thì không dẫn đến một dân tộc tự do, mà thậm chí còn kéo xã hội trượt vào con đường đen tối của chủ nghĩa độc tài. Mặt trái của tự do thương mại là triệt tiêu ngành sản xuất yếu hơn của một quốc gia thành viên.

Sự thật là nếu dựa trên nguyên tắc thị trường tự do phi điều tiết, thì chính những nơi cổ vũ nhiệt thành cho thị trường tự do nhất thì doanh nghiệp lại kêu gọi sự cứu trợ của chính phủ nhiều nhất. Trong khủng hoảng 2008, chính xác là 90 ngân hàng, tổ chức tài chính được chính phủ Mỹ bảo trợ hoạt động và cứu trợ qua nhiều hình thức. Các đồng nghiệp của họ ở EU cũng nhận được những trợ giúp tương tự. EU bỏ qua những nguyên tắc nền tảng của Hiệp định chung để cứu trợ chính phủ của những nước thành viên, bỏ qua chính cả những điều luật mà họ từng ký trước đó.

Kinh tế học dòng chính cho đến nay vẫn chưa giải thích được lý do tại sao thất nghiệp vẫn xảy ra ở mức cao và kéo dài, để rồi cuối cùng phải cầu cạnh đến sự can thiệp của nhà nước nhằm tạo ra việc làm mới, kích thích tăng trưởng. Họ lờ đi một sự thật, là chủ nghĩa tư bản sẽ phát huy hết những điều tốt đẹp của nó khi điều điều tiết một cách hợp lý.

Nên nhớ thị trường tự do (Laissez faire - mặc kệ nó) là khái niệm kinh tế, còn chống đầu cơ tích trữ là các điều khoản pháp luật. Khái niệm kinh tế thì không có nghĩa bắt buộc phải thực thi, luật thì khác. Điều gì lợi cho số đông thì làm, cái gì lợi lớn hơn thì chọn.

Tham lam là tính xấu của loài người, đặc biệt khi nó khiến con người không quan tâm đến đau khổ của đồng loại. Trong thời kỳ khốn khó, một xã hội tốt sẽ kéo mọi người gần lại với nhau. Một xã hội mà ai cũng có thể trục lợi nhau lúc khốn khó thì không tốt. Luật chống giá cắt cổ không loại bỏ được lòng tham, nhưng ít nhất là hạn chế được lòng tham thể hiện trắng trợn và quan trọng hơn là thể hiện việc xã hội không chấp nhận sự táng tậm lương tâm ấy. Chính vì vậy mà ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển thì luôn có những điều luật để xử lý hành vi phá hoại thị trường tự do.

Nguồn: Phạm Việt Anh - Cố vấn tăng trưởng doanh nghiệp