Sao lại hỏi phụ huynh học sinh ở trường có đeo khẩu trang hay không?

Nguồn: FB Vu Thanh Tu Anh 06/03/2020 06:48

Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM vừa ban hành công văn khẩn để khảo sát “theo ý kiến của cha mẹ học sinh, trẻ em/học sinh có đeo khẩu trang khi đi học trở lại hay không?”

Thoạt nhìn, có vẻ đây là một hành động có tính dân chủ, tôn trọng ý kiến của phụ huynh học sinh. Nhưng nhìn kỹ hơn, hành động này của Sở Giáo dục và Đào tạo vi phạm một loạt nguyên tắc cơ bản về ra quyết định chính sách.

Thứ nhất, việc có nên đeo khẩu trang hay không là vấn đề có tính chuyên môn, và do vậy phải do các nhà chuyên môn ra quyết định chứ không thể dùng cơ chế “đa số thắng thiểu số”.

Giả sử nếu dân chúng bảo có, khoa học nói không, thì phải chăng nhà nước sẽ tiếp tục tìm hiểu? Ngược lại (cũng chỉ là giả sử), nếu dân chúng bảo không, khoa học nói có, thì chính quyền sẽ bị rơi vào tình thế “đẽo cầy giữa đường” không có lối ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Lời kêu gọi muộn màng: Mỹ khuyến cáo người dân không tích trữ khẩu trang

    13:52, 04/03/2020

  • Thu giữ hơn 79.000 chiếc khẩu trang y tế không đảm bảo

    18:54, 03/03/2020

  • Từ chuyện thầy giáo bán khẩu trang bàn về câu chuyện đầu cơ

    16:30, 03/03/2020

  • Điều hành nhà nước nhìn từ... chiếc khẩu trang

    05:30, 01/03/2020

  • [COVID-19] Doanh nghiệp chạy hết công suất, khẩu trang vẫn... khan hiếm?

    11:05, 29/02/2020

  • Khẩu trang và kinh tế "mặc kệ nó"

    15:42, 24/02/2020

  • Hà Nội phát hiện cất giấu 620kg khẩu trang đã qua sử dụng

    17:07, 23/02/2020

Thứ hai, vai trò của chính quyền – nhánh hành pháp của nhà nước – là ra quyết định một cách có căn cứ, dựa trên bằng chứng nhằm tối đa hóa phúc lợi chung của xã hội.

Như vậy, thay bằng việc mỗi khi gặp quyết định khó xử lại đi hỏi phụ huynh, thì Sở GD-ĐT cần tham khảo cơ sở khoa học từ các nhà chuyên môn, sau đó căn cứ vào nguồn lực của chính quyền và xã hội để ra quyết định.

Thứ ba, ngay cả khi đã ra quyết định – bất kể là đeo hay không đeo khẩu trang – thì quyết định này của Sở GD-ĐT cũng chỉ có tính khuyến nghị chứ rất khó cưỡng chế thi hành.

Điều gì xảy ra nếu do tình trạng khan hiếm, học sinh không thể mua được khẩu trang? Hay nhiều em nhà nghèo không có tiền mua khẩu trang? Hay mua được nhưng quên ở nhà? Hay có mang theo nhưng không đeo?

Nếu hồi năm 2007 mà người dân cũng được hỏi có nên đội mũ bảo hiểm hay không, hay gần đây hơn, có được phép lái xe sau khi uống rượu bia không thì rất có thể đa số sẽ phản đối, và khi ấy không biết nhà nước sẽ quyết định thế nào?

Trong một nền quản trị nhà nước có hiệu lực, chính quyền sẽ phải thực hiện đúng trách nhiệm ra quyết định công dựa trên cơ sở và bằng chứng vững chắc vì phúc lợi chung của xã hội chứ không thể đẩy trách nhiệm ra quyết định cho công chúng theo cách mị dân như thế này.

Nguồn: FB Vu Thanh Tu Anh