Thể chế là động lực, thể chế là trở lực?
Thể chế kinh tế nào thì doanh nghiệp đó. Tức, một cá nhân hay doanh nghiệp có nỗ lực đến mấy mà thể chế không hậu thuẫn, thì cũng không thể vươn cao bay xa ra thế giới được.
Cổ đông nào thì lãnh đạo đó, nhưng thể chế kinh tế nào thì doanh nghiệp đó. Dù bạn có quan tâm hay không thì việc giàu nghèo của một quốc gia là do thể chế quyết định. Câu chuyện dễ hiểu dưới đây sẽ giúp lý giải tiên đề này:
Năm 2010, CEO một tập đoàn tư nhân sản xuất thức ăn gia súc Trung Quốc than thở sau khi sang Mỹ khảo sát thị trường: “Tuy họ sử dụng công nhân ít hơn nhưng lại trả lương cao hơn nhiều nên chi phí tiền lương để sản xuất ra một tấn thức ăn gia súc của họ và của chúng tôi là suýt soát nhau. Dây chuyền công nghệ của họ lạc hậu hơn, được điều khiển bằng cơ giới chứ không bằng máy tính như nhà máy ở Trung Quốc, nhưng chi phí bảo vệ của chúng tôi lại tốn kém hơn rất nhiều. Chẳng hạn, nhà máy ở Trung Quốc phải xây tường rào và đặt nhiều cổng bảo vệ, tuyển dụng hàng trăm bảo vệ còn ở Mỹ thì không. Ở Mỹ không có ăn cắp, mà có ăn cắp cũng khó mà tiêu thụ được. Còn ở Trung Quốc thì luôn phải đề phòng ăn cắp, đề phòng bên trong thông đồng với bên ngoài để ăn cắp. Rốt cuộc tuy chúng tôi trả lương thấp hơn, công nghệ tiên tiến hơn nhưng giá thành sản xuất đôi bên tương tự nhau”.
Đọc qua ai cũng nghĩ là vấn đề kinh doanh thông thường, nhưng sâu xa thì nó chính là vấn đề của thể chế. Một xã hội có thể chế phát triển, hoàn thiện sẽ giúp giảm chi phí giao dịch, qua đó tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế cũng như giảm đi bất bình đẳng xã hội và khuyến khích mọi người dân an tâm kinh doanh, tự do làm giàu.
Câu chuyện tường rào và bảo vệ trên cũng rất phổ biến ở Việt Nam. Ví dụ như khu đô thị PMH có đến cả tiểu đoàn bảo vệ tại chỗ lẫn cơ động, hàng ngàn camera an ninh khắp ngóc ngách, đó là chi phí xã hội. Ví dụ khác như nhiều ngôi nhà phố có kiến trúc rất đẹp lại trở nên rất xấu xí vì phải xây thêm hàng rào chống trộm bằng thép nhọn cao đến hơn 2m từ dưới đất lên.
Ngoài sự lãng phí kinh tế như đã thấy, tình hình an ninh trật tự kém là biểu hiện yếu kém của thể chế. Và yếu kém của thể chế làm tăng chi phí giao dịch, chi phí xã hội do vậy làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Thậm chí, thể chế kém là nguyên nhân làm chảy máu chất xám, chảy máu tư bản sang các nước phát triển tốt hơn qua các làn sóng di dân.
Theo Douglas North: “Nếu thể chế là qui tắc các trò chơi thì tổ chức là những người chơi các trò đó”. Tổ chức có thể là các đảng phái chính trị cầm quyền, các tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội thuộc và có lợi ích liên quan đến các đảng phái.
Vậy thì, trong một xã hội thiếu vắng tự do chính trị, những tổ chức kinh tế xã hội độc lập phi đảng phái thì chính thể chế là nguyên nhân tạo ra bất bình đẳng xã hội. Bởi các cá nhân và tổ chức bên ngoài quan hệ của thể chế sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi do bất đối xứng về thông tin, bất đối xứng vị trí xuất phát, bất bình đẳng về cơ hội trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và giáo dục...
Sự bất công trong một quốc gia không phải là kết quả liên quan đến chủ nghĩa tư bản hay không, mà là sự lựa chọn của quốc gia đó được thể hiện thông qua luật pháp và thể chế của quốc gia đó, như Douglass North từng đề cập: “Thể chế không nhất thiết được tạo ra để đạt hiệu quả xã hội; các thể chế, ít nhất là thể chế chính thức, được tạo ra nhằm phục vụ lợi ích của những kẻ có quyền mặc cả để đưa ra các quy tắc mới”.
Thể chế CNTB thị trường ở Mỹ tạo ra nhiều cơ hội làm giàu, nhưng mặt trái của quá trình tài chính hoá nền kinh tế là gia tăng khoảng cách bất bình đẳng. Trường phái kinh tế học Tân tự do coi con người là duy lý, đặt tính tư lợi là trung tâm. Nhưng các nhà phê bình thường chỉ ra rằng trường phái này hạ thấp và hi sinh các giá trị quan trọng khác như bình đẳng, hòa nhập xã hội, thảo luận dân chủ và công lý, như chính như Ludwig Von Mises* thừa nhận.
Như vậy, một xã hội bình có mức bình đẳng cao là có được từ một thể chế được thiết kế nhằm đảm bảo tính bình đẳng cao; bình đẳng cơ hội đi liền với các quyền tự do tư tưởng, tự do làm giàu, tự do biểu đạt, tự do tiếp cận thông tin…
Ở Việt Nam, cải cách thể chế thực chất là phải hướng tới việc tạo ra các qui tắc trò chơi bình đẳng cho mọi thành phần, mọi công dân, và chỉ khi nào được như vậy cải cách thể chế mới có hiệu quả.
Đấy là các thể chế chính thức. Các thể chế phi chính thức cũng là trở lực và cần phải thay đổi. Ví dụ như các thói quen ăn nhậu trong kinh doanh, “văn hoá” quà cáp, phong bì phong bao, xin xỏ, chạy chọt… không những làm hình ảnh môi trường kinh doanh trở nên xấu xí trong con mắt của bạn bè quốc tế, mà còn gia tăng chi phí kinh doanh cũng như các ngoại ứng tiêu cực khác.
Do vậy, cải cách thể chế không chỉ dừng lại ở các qui tắc chính thống, mà còn phải thay đổi các văn hoá, tập quán lạc hậu - thể chế phi chính thức từ phía người dân qua lối sống và giao thương hàng ngày.
Làm được vậy không chỉ giáo dục phải được thay đổi, mà về kinh tế thể chế cần phải có chính sách quốc tế hoá những thành phố lớn, qua đó du nhập những văn hoá giao thương hiện đại, du nhập những đặc tính toàn cầu và học hỏi chúng để có thể bắt kịp với thế giới phát triển nhanh hơn, nhờ vậy mà có thể quốc tế hoá phẩm chất quốc gia mà không nhất thiết phải toàn cầu hoá phẩm chất quốc gia, như cách thức của các cường quốc.
Từ doanh nghiệp tư nhân lên Công ty TNHH, rồi cao hơn nữa là Công ty cổ phần đại chúng là sự tiến hoá lớn. Thị trường chứng khoán và hình thức Công ty cổ phần đại chúng là hai phát minh vĩ đại trong lĩnh vực kinh tế và xã hội của nhân loại.
Ở góc độ vi mô, chất lượng của tính dân chủ, minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả kinh tế xã hội được thể hiện qua chất lượng lá phiếu và năng lực kiểm tra giám sát của các cổ đông.
Cổ đông nào thì lãnh đạo đó, nhưng thể chế kinh tế nào thì doanh nghiệp đó. Tức, một cá nhân hay doanh nghiệp có nỗ lực đến mấy mà thể chế không hậu thuẫn, thì cũng không thể vươn cao bay xa ra thế giới được. Sự phát triển của thị trường vốn là biểu hiện mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường tự do.
Thể chế là cơ hội, thể chế là vấn đề; thể chế là động lực, thể chế là trở lực.
Ps: * Ludwig Von Mises, nhà kinh tế học tự do trường phái Áo - thầy của Friedrich Hayek, tác giả cuốn Đường về nô lệ
Có thể bạn quan tâm
EVIPA: Cơ hội hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật
15:11, 20/05/2020
EVFTA: Muốn hội nhập đỉnh cao, phải chăm lo con đường thể chế và vun đắp năng lực cạnh tranh
14:24, 20/05/2020
ĐÓN BẮT CƠ HỘI PHÁT TRIỂN MỚI: Gỡ khó thể chế để đón đầu chuỗi cung ứng mới
23:09, 19/05/2020
Đột phá thể chế để thúc đẩy phát triển
11:00, 08/05/2020