Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0 (kỳ 2)

LÂM MINH CHÁNH - Quản trị và khởi nghiệp 16/06/2020 20:01

App thần kỳ thời 4.0 "hô biến" ra tiền!

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách thức kinh doanh của các App Thần kỳ thời 4.0.

Đây là công thức để tính kết quả kinh doanh. Nó áp dụng cho tất cả doanh nghiệp.

Đầu tiên bắt đầu với doanh thu gộp, tức là toàn bộ doanh số thu được từ các loại khách hàng. Khấu trừ các khuyến mại, giảm giá trực tiếp chúng ta sẽ có doanh thu thuần.

Lấy doanh thu thuần trừ đi giá thành sản phẩm/dịch vụ - là những chi phí cấu thành ra sản phẩm – chúng ta sẽ có lợi nhuận gộp.

Tiếp đó chúng ta trừ đi 2 nhóm chi phí lớn. Nhóm 1 là chi phí bán hàng, tiếp thị, gồm tất cả những chi phí liên quan đến việc kinh doanh tiếp thị như chi phí quảng cáo, lương và tiền thưởng cho nhân viên kinh doanh.

Nhóm 2 là chi phí quản lý doanh nghiệp gồm tất cả những chi phí phát sinh trong kỳ ví dụ như thuê văn phòng, lương, khấu hao tài sản, các loại chi phí vận hành.

Lợi nhuận gộp trừ đi 2 nhóm chi phí đó sẽ ra lợi nhuận ròng trước thuế. Nếu số này âm thì gọi là lỗ ròng, doanh nghiệp không phải đóng thuế. Nếu số này dương, thì doanh nghiệp đóng thuế thu nhập. Sau khi đóng thuế, chúng ta sẽ có lợi nhuận ròng sau thuế.

Lợi nhuận ròng này sau khi trích quỹ tái đầu tư cho sự phát triển của doanh nghiệp vào các năm sau, sẽ trở thành lợi nhuận có thể chia cổ tức, hoặc lợi nhuận giữ lại.

Hầu hất cả những sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, hoặc sàn quốc tế tại Việt Nam như Lazada, Shopee, hoặc sàn nội địa như TIKI, SENDO đều phải lỗ trong nhiều năm đầu. Lý do là, vì các loại chi phí, đặc biệt là chi phí marketing quá lớn. Các doanh nghiệp phải nâng tiền Marketing để thu hút (acquire) khách hàng, và marketing để nhắc, thúc đẩy khách hàng mua hàng. Hầu như chưa có sàn TMĐT nào có lợi nhuận trong 5 năm đầu. Để tồn tại và phát triển, các sàn TMĐT này liên tục kêu gọi vốn đầu tư. Sàn TMĐT sẽ ngừng lỗ khi nó chiếm lĩnh thị trường, có số lượng lớn user và không bị áp lực nặng về cạnh tranh.

Còn các app "thần kỳ đời 4.0" thì sao?

Ngoài các chi phí tương tự như các sàn TMĐT chính quy nói trên, thì các App "Thần kỳ Đời 4.0" còn có 1 chi phí đặc biệt đó là chi phí hoàn tiền cho khách. Họ cam kết, trong thời gian 5 năm, sẽ hoàn đến 80% doanh số mua hàng của khách.

Chúng ta thử tính chi phí này bằng bao nhiêu phần trăm doanh thu của App.

Giả sử khách hàng mua 100 đồng từ 1 cửa hàng nào đó trên App "Thần kỳ Đời 4.0". Doanh thu mà App được hưởng chính là từ hoa hồng, và phí do người bán đóng góp. Giả sử khoản hoa hồng và phí này của App là rất tốt, lên đến 30%. Tức là App được hưởng 30 đồng từ 100 đồng mua hàng của khách.

Bây giờ chúng ta tính giá trị của 80 đồng mà App cam kết sẽ hoàn khách hàng trong vòng 60 tháng. Chúng ta sẽ chiết khấu, tức là tính giá trị hiện tại của số tiền được trả lại, theo công thức sau. Giá trị hiện tại = Giá trị tương lai/(1+lãi suất)số kỳ
Giả sử rằng lãi suất là 24%/năm, tương đương 1,81%/tháng, thì 2 đồng được trả vào năm 1, sẽ có giá trị hiện tại là = 2/(1+1,81)1 = 1,964 đồng, 1 đồng được trả vào tháng thứ 40, sẽ có giá trị hiện tại = 1/(1+1,81%)40 = 0,488 đồng.

Tổng giá trị hiện tại của 80 đồng trả lại này, bằng 50,48 đồng.

Nói 1 cách khác, khi có 1 khách hàng mua 100 đồng từ App "Thần kỳ Đời 4.0" thì App thần kỳ được hưởng doanh số 30 đồng, và phải trả khoản hoàn phí cho khách hàng tương đương 50 đồng. App lỗ ngay lập tức -20 đồng.

Đó là chưa kể các chi phí sales, marketing, vận hành, quản lý doanh nghiệp mà tôi đã liệt kê bên trên, cũng rất lớn.
Các sàn TMĐT hàng đầu không hoàn phí cho khách mà còn lỗ nặng.

Thì App "Thần kỳ Đời 4.0", hoàn phí khủng như thế thì chỉ từ lỗ đến lỗ. Bài toán kinh doanh của App "Thần kỳ Đời 4.0" xem như không có lối ra nào cả.

Vận hành kinh doanh thì lỗ nặng thì tiền đâu mà các App thần kỳ thời 4.0 trả cho nhà đầu tư. Câu trả lời không còn gì khác hơn, đó chính là chiêu thức phổ biến của Ponzi: "robbing Peter to pay Paul" tức là lấy tiền của người sau trả cho người trước.

LÂM MINH CHÁNH - Quản trị và khởi nghiệp