Dịch COVID-19: Thần Shiva dọn đường cho sự sống mới

NGÔ BẢO CHÂU 20/07/2020 07:34

Đại dịch COVID-19 mang diện mạo của thần Shiva kẻ đem đến sự phá huỷ, chết chóc nhưng cũng đồng thời dọn đường cho sự sống mới nảy mầm.

Ông Buffett không thể ngờ được hàng tỷ đô la đầu tư vào các hãng hàng không bỗng chốc bốc hơi khi người ta nhận thức được rằng học hành hội họp trên zoom cũng hiệu quả không kém, có khi còn hơn, so với học ở trường lớp. Người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của trường học khi mà việc truyền đạt kiến thức có thể làm được online một cách hiệu quả.

Chỉ hơn chục năm trước, mỗi lần đi đâu tôi phải lôi theo một vali đầy sách và tài liệu. Bây giờ thì không cần nữa vì tất cả những gì mà tôi muốn đọc đã được lưu trữ ngăn nắp trong máy tính, những gì chưa có nói chung đều có thể tìm được trên mạng. Vai trò của thư viện trong các trường đại học cũng đã thay đổi nhiều. Thay vì là nơi sinh viên đến mượn sách, đọc sách, thư viện đã trở thành chỗ cho học sinh tự học, đồng thời với vai trò lưu trữ sách vở tài liệu. Cách tổ chức giờ lên lớp giảng bài có lẽ cũng sẽ thay đổi theo hướng đó. Những vị trí vật lý cho quá trình truyền đạt và tiếp nhận kiến thức sẽ dần dần nhường chỗ cho những vị trí phi vật lý, số hoá, mà người ta có thể tiếp cận bất kỳ lúc nào và ở đâu. Dù đó là giờ lên lớp, seminar hay đó là quyển sách.

Nếu quá trình truyền đạt và tiếp thu kiến thức sẽ thay đổi triệt để về hình thức, tôi nghĩ rằng chất xúc tác làm cho quá trình đó xảy ra sẽ không thay đổi. Trường học và thầy giáo vẫn phải đảm nhiệm vai trò xúc tác đó. Người ta hay dùng chữ truyền cảm hứng, truyền lửa ... nhưng tôi thì dị ứng với những khái niệm đó. Tôi rất không thích phải kể những câu chuyện có vẻ có ý nghĩa, có vẻ sâu sắc, mà người ta thường xếp vào danh mục truyền lửa, truyền cảm hứng.

Bên cạnh vai trò truyền đạt kiến thức để người đi học có thể học được một nghề, một kỹ năng để sau này có thể đảm bảo cuộc sống cho chính mình, có lẽ bây giờ hơn lúc nào hết, những người dạy học cần chiêm nghiệm về trường hợp của ông thầy dạy võ. Ông thầy dạy võ nói chung không dạy để cho người ta đi đánh nhau. Ông thầy dạy võ tâm niệm rằng mình đã tiếp nhận được từ tiền nhân những kiến thức, hiểu biết, mình đã tập luyện để phát triển những hiểu biết đó, để những kiến thức đó trở nên một cái gì đó hữu cơ, là một phần của cơ thể mình. Và vai trò của ông thầy dạy võ là tìm được truyền nhân để những gì mà ông ta nhận được từ tiền nhân, mà ông ta coi là thiêng liêng, được truyền lại cho hậu thế. Cũng như mỗi người sinh ra, nhận được sự sống từ bố mẹ mình, có vai trò truyền tiếp sự sống đó.

Hadamard là một nhà toán học vĩ đại sống ở Pháp vào đầu thế kỷ hai mươi. Ông cũng là một người thầy lớn của bao nhiêu nhà toán học khác. Dưới đây là đoạn trích từ trang wiki về Frechet, người theo học Hadamard từ khi còn học trung học.

Nhân thể nói chuyện về Hadamard, bây giờ người ta quên mất là ông có mấy quyển sách tuyệt hay về hình học sơ cấp.

NGÔ BẢO CHÂU